Print

UNICEF: Tình trạng suy dinh dưỡng gia tăng ở các quốc gia đang phát triển

Thứ Năm, 25 /05/2023 15:38

Số phụ nữ mang thai và trẻ em gái suy dinh dưỡng tăng 25% trong 2 năm trở lại đây, tập trung ở một số quốc gia nghèo nhất thế giới như Somalia, Ethiopia và Afghanistan. Bên cạnh đó, hơn 2 tỷ phụ nữ và trẻ em gái vị thành niên trên thế giới bị suy dinh dưỡng, nguyên nhân chính do xung đột chính trị và đại dịch Covid-19.

Một báo cáo gần đây của UNICEF thông tin, 1 tỷ phụ nữ và trẻ em gái vị thành niên trên thế giới đang trong tình trạng suy dinh dưỡng thể thấp còi. Khu vực có tỷ lệ suy dinh dưỡng cao nhất ở phụ nữ và trẻ em gái vị thành niên là Nam Á và châu Phi cận Sahara, với 68% phụ nữ và trẻ em gái vị thành niên bị thiếu cân và 60% bị thiếu máu. Tại 12 quốc gia gặp khủng hoảng lương thực, số phụ nữ mang thai hoặc cho con bú bị suy dinh dưỡng cấp tính tăng từ 5,5 triệu lên 6,9 triệu người trong giai đoạn 2020-2022 (Afghanistan, Chad, Ethiopia, Burkina Faso, Kenya, Nigeria, Mali, Niger, Somalia, Sudan, Nam Sudan và Yemen).

Nhấn mạnh tác động tiêu cực của suy dinh dưỡng đối với sức khỏe của bà mẹ và trẻ em, UNICEF kêu gọi cộng đồng quốc tế thúc đẩy an ninh lương thực, hỗ trợ các chương trình dinh dưỡng để chống lại suy dinh dưỡng. “Hậu quả của suy dinh dưỡng sẽ đè nặng lên các thế hệ tương lai nếu cộng đồng quốc tế không có hành động nhanh chóng để hỗ trợ ngăn ngừa tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng, thiếu máu ở phụ nữ và trẻ em gái. Song song với việc đối phó tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em, chúng ta cũng cần chung tay giải quyết suy dinh dưỡng ở phụ nữ, trẻ em gái vị thành niên”- Bà Catherine Russell, Giám đốc điều hành của UNICEF, cảnh báo.

Những năm qua, các chính phủ và một số tổ chức phi chính phủ đã, đang nỗ lực giải quyết suy dinh dưỡng ở phụ nữ mang thai trên toàn thế giới. Ví dụ, Quỹ Bill& Melinda Gates ra mắt Phòng Thí nghiệm Đổi mới Dinh dưỡng ở Bangladesh, sáng kiến tập trung vào cải thiện dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em. Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) khởi xướng Dự án An ninh Lương thực Tích hợp ở Ethiopia nhằm cung cấp hỗ trợ lương thực, giáo dục dinh dưỡng và dịch vụ y tế cho phụ nữ mang thai, cho con bú để giảm đáng kể tỷ lệ suy dinh dưỡng. Tại Ấn Độ, Chính phủ triển khai Chương trình Nhiệm vụ Dinh dưỡng Quốc gia (NNM) nhằm giảm tình trạng suy dinh dưỡng ở phụ nữ mang thai, trẻ em dưới 5 tuổi thông qua việc cung cấp các chất bổ sung dinh dưỡng, dịch vụ y tế và các nguồn lực khác để cải thiện sức khỏe của người dân.

Như vậy, mặc dù vẫn có sự gia tăng đáng lo ngại về tình trạng suy dinh dưỡng ở một số nhóm yếm thế, song không thể phủ nhận, thế giới vẫn có những sáng kiến đầy hứa hẹn đang được tiến hành để giải quyết vấn đề toàn cầu này. Các tổ chức như UNICEF, Quỹ Bill& Melinda Gates và WFP đang nỗ lực hành động để phòng, chống suy dinh dưỡng và hướng tới cải thiện sức khỏe của những nhóm dân số dễ bị tổn thương. Thông qua các dự án, chương trình tập trung vào an ninh lương thực, giáo dục dinh dưỡng và tiếp cận chăm sóc sức khỏe, sẽ góp phần phá vỡ chu kỳ suy dinh dưỡng, đảm bảo một tương lai khỏe mạnh hơn cho phụ nữ, trẻ em trên toàn thế giới.

Tùng Anh (Theo CNA)