Print

Ngành BHXH Việt Nam đảm bảo quyền lợi bảo hiểm TNLĐ-BNN cho NLĐ

Thứ Năm, 25 /05/2023 16:02

Thời gian qua, việc giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (TNLĐ-BNN) đối với NLĐ luôn được cơ quan BHXH đảm bảo thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng người, đúng quy định. Trong Quý I/2023, toàn Ngành đã giải quyết hưởng trợ cấp TNLĐ-BNN hàng tháng và một lần cho 1.700 NLĐ.

"Điểm tựa" cho NLĐ

Theo thống kê của BHXH Việt Nam, trong năm 2022, toàn ngành đã giải quyết hưởng mới trợ cấp TNLĐ-BNN hàng tháng và một lần cho trên 8.100 NLĐ, con số này trong 3 tháng đầu năm 2023 là 1.700 người. Ngoài việc chi trả chế độ cho NLĐ bị TNLĐ-BNN, Quỹ bảo hiểm TNLĐ-BNN hàng năm còn dành nguồn thu để chi hỗ trợ cho các hoạt động phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về TNLĐ-BNN; chi hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị TNLĐ-BNN. Năm 2022, tổng số tiền chi hỗ trợ phòng ngừa, chia sẻ rủi ro, chi hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp là hơn 1,4 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2021. Trong 3 tháng đầu năm 2023, số chi này là 269 triệu đồng.

Theo đánh giá của BHXH Việt Nam, số người giải quyết hưởng mới trợ cấp TNLĐ-BNN hằng tháng và một lần trong năm 2022 có xu hướng tăng so với năm 2021. Cụ thể, trong năm 2022, số người giải quyết hưởng mới trợ cấp tTNLĐ-BNN hằng tháng tăng 11,52% so với năm 2021 (tương ứng tăng 274 người). Số người giải quyết hưởng mới trợ cấp TNLĐ-BNN một lần tăng 22,5 % so với năm 2021 (tương ứng tăng 775 người).

Điểm thuận lợi trong công tác chi trả chế độ TNLĐ-BNN là ứng dụng CNTT trong giải quyết hưởng chế độ. Điều này bảo đảm nhanh chóng, thuận lợi, chính xác nhất với NLĐ. Công tác chi trả các chế độ TNLĐ-BNN được thực hiện kịp thời, theo đúng quy định của pháp luật. Cơ quan thực hiện cũng đa dạng hóa các hình thức chi trả, đẩy mạnh việc chi trả qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt.

Thực tế, dù không mong muốn nhưng những rủi ro trong công việc là điều không thể lường trước, ảnh hưởng tới sức khỏe, cuộc sống của rất nhiều NLĐ. Khi không may bị TNLĐ-BNN phải nghỉ làm, hầu hết NLĐ không còn thu nhập để trang trải cuộc sống, tạo “gánh nặng” tài chính cho cả gia đình. Vì vậy, nhờ có Quỹ BH TNLĐ-BNN đã bù đắp một phần hoặc thay thế thu nhập của NLĐ khi họ bị giảm, hoặc mất thu nhập do TNLĐ-BNN trên cơ sở đóng góp vào quỹ.

Truyền thông mạnh hơn về chế độ

Theo bà Bùi Thị Kim Loan- Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam), quy định hiện hành của Luật ATVSLĐ đã quy định rõ, đối với những NLĐ thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc thì đều được tham gia BH TNLĐ-BNN. Nếu người SDLĐ mà không đóng BHXH cho NLĐ thì khi chẳng may trong các quá trình lao động, NLĐ bị TNLĐ-BNN thì người SDLĐ phải chi trả toàn bộ các chế độ trợ cấp hàng tháng, một lần, trợ cấp phục vụ cho NLĐ thay cho cơ quan BHXH.

“Bảo hiểm TNLĐ-BNN là một trong những quyền lợi cơ bản của NLĐ, vì vậy khi tham gia giao kết HĐLĐ, NLĐ hãy chắc chắn người SDLĐ sẽ chịu trách nhiệm đầy đủ trong việc đóng BHXH cho mình. Như vậy mới có thể tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân trong quá trình làm việc”- bà Loan khuyến nghị.

Tuy nhiên, bà Bùi Thị Kim Loan cho biết, một trong những khó khăn, hạn chế của công tác triển khai thực hiện chế độ TNLĐ-BNN hiện nay là không có quy định ràng buộc trách nhiệm của cơ quan quản lý chuyên ngành trong việc thanh tra, kiểm tra công tác điều tra, kết luận các vụ TNLĐ-BNN.

“Hầu hết các trường hợp bất hợp lý được xem xét lại đều trên cơ sở ý kiến phản hồi từ cơ quan BHXH, NLĐ hoặc cá nhân liên quan. Đoàn điều tra TNLĐ-BNN không phải chịu bất kỳ một trách nhiệm pháp lý gì khi kết luận điều tra không đúng. Vì vậy, cần thiết phải xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ kèm theo các chế tài nghiêm khắc để bảo đảm việc tuân thủ pháp luật trong lĩnh vực này. Cụ thể như: trách nhiệm bồi thường cho đơn vị, quỹ BHXH trong trường hợp kết luận không đúng…”- bà Bùi Thị Kim Loan nêu rõ.

Để chế độ BH TNLĐ-BNN tiếp tục là điểm tựa cho NLĐ, đại diện Ban Thực hiện chính sách BHXH mong muốn, thời gian tới, các cơ quan, đơn vị, DN sẽ đẩy mạnh truyền thông về giải quyết chế độ BH TNLĐ-BNN với các nội dung cụ thể. Trước hết, tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của NLĐ và người SDLĐ về mục tiêu, ý nghĩa của chế độ TNLĐ-BNN; các chính sách pháp luật liên quan đến chế độ bảo hiểm TNLĐ-BNN. Cụ thể như điều kiện hưởng; quy trình, thủ tục, hồ sơ giải quyết; quyền lợi, trách nhiệm của NLĐ; trách nhiệm của người SDLĐ; hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho NLĐ bị TNLĐ-BNN, phục hồi chức năng lao động...

Song song với đó, tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức của NLĐ và người SDLĐ trong thực hiện chế độ TNLĐ-BNN, tránh các hành vi vi phạm, lạm dụng nhằm trục lợi Quỹ Bảo hiểm TNLĐ-BNN. Tiếp tục tuyên truyền đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT trong công tác phối hợp và chia sẻ dữ liệu có liên quan về chế độ TNLĐ-BNN giữa các cơ quan có thẩm quyền, đơn vị SDLĐ và cơ quan BHXH. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi trong giải quyết và kiểm tra, giám sát việc giải quyết hưởng chế độ này.

Thanh Hằng