Print

Sở Y tế TP.HCM mong sớm có giải pháp về dự trữ thuốc hiếm

Thứ Năm, 25 /05/2023 16:59

Sở Y tế TP.HCM thông báo, vừa tiếp nhận 6 lọ thuốc BAT dùng giải độc Botulinum từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Bên cạnh đó, đề xuất “sớm có giải pháp về dự trữ thuốc hiếm cho những trường hợp cấp cứu tối khẩn cấp không có thuốc thay thế”.

Vào 19h hôm 24/5, chuyên gia WHO cùng 6 lọ thuốc BAT giải độc Botulinum đã hạ cánh xuống Sân bay Tân Sơn Nhất. Đến 21h, các thủ tục giao nhận khẩn cấp hoàn tất. “Những lọ thuốc hiếm BAT đã về đến các BV phục vụ cho công tác cứu chữa bệnh nhân”- Sở Y tế TP.HCM khẳng định.

BAT là thuốc gồm hỗn hợp các Globulin miễn dịch phân mảnh được chỉ định trong điều trị ngộ độc thần kinh gây ra bởi chất độc Botulinum týp A, B, C, D, F hoặc G ở người lớn và trẻ em. Thuốc được sản xuất bởi Emergent Biosolutions Canada Inc. 6 lọ thuốc WHO hỗ trợ có hạn dùng đến ngày 1/3/2025. Thuốc phải được bảo quản nghiêm ngặt ở nhiệt độ dưới -15 độ C. Sau khi làm tan băng, phải bảo quản ở nhiệt độ 2 đến 8 độ C, cho đến khi sử dụng trong thời hạn 36 tháng. Giá thị trường mỗi lọ BAT hơn 8.000 USD và không dễ mua.

“Ngành Y tế TP.HCM trân trọng cảm ơn và gửi lời tri ân sâu sắc đến Bộ Y tế và WHO về sự hỗ trợ đầy ý nghĩa đối với các trường hợp ngộ độc Botulinum trên địa bàn trong thời gian qua. Qua trường hợp này, Ngành Y tế TP.HCM mong Bộ Y tế sớm có giải pháp về dự trữ thuốc hiếm cho những trường hợp cấp cứu tối khẩn cấp không có thuốc thay thế”- Sở Y tế TP.HCM cho biết.

Trước đó, ngày 13/5/2023, TP.Thủ Đức ghi nhận 3 ca (người lớn) ngộ độc Botulinum. Vào thời điểm đó, cả nước không còn lọ thuốc BAT nào vì 5 lọ thuốc BAT mà BV Chợ Rẫy (TP.HCM) có được trước đó đã dùng cứu chữa các bệnh nhân ngộ độc Botulinum ở Quảng Nam (3 lọ) và 3 bệnh nhi ở TP.HCM (2 lọ). Theo TS.BS.Lê Quốc Hùng- Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới (BV Chợ Rẫy), trường hợp ngộ độc Botulinum nặng cần được sử dụng thuốc BAT sớm nhất có thể.

Theo chuyên gia, bệnh nhân ngộ độc Botulinum có chỉ định dùng thuốc BAT mà được dùng thuốc BAT sớm, thì chỉ trong vòng 48 đến 72 giờ là có khả năng thoát ra khỏi tình trạng bị liệt, nhờ đó có cơ hội không phải thở máy. Trường hợp bệnh nhân bắt đầu thở máy từ 24h đến 48h kể từ khi ngộ độc, nếu được dùng thuốc BAT kịp thời, thì trong khoảng thời gian từ 5 đến 7 ngày, bệnh nhân có thể hồi phục, đồng thời, có thể cai được máy thở, tập vật lý trị liệu...

Thanh Giang