Print

Yên Bái phấn đấu là điểm sáng BHXH khu vực Tây Bắc

Thứ Sáu, 26 /05/2023 11:48

Ngày 26/5/2023, Đoàn Khảo sát thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH của Ban Kinh tế Trung ương có buổi làm việc với Tỉnh ủy Yên Bái.

Ông Đỗ Ngọc An- Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương dẫn đầu Đoàn khảo sát cùng sự tham gia của Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Lê Hùng Sơn. Ông Trần Huy Tuấn- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cũng lãnh đạo các sở, ngành, BHXH tỉnh báo cáo Đoàn Khảo sát về tình hình thực hiện BHXH giai đoạn 2018-2023.

Dấu ấn phát triển BHXH tự nguyện

Theo báo cáo của Tỉnh ủy Yên Bái, đến hết năm 2022, tổng số người tham gia BHXH trên địa bàn toàn tỉnh là 79.628 người, đạt tỷ lệ 19,28% so với LLLĐ trong độ tuổi, tăng 42,3% (23.663 người) so với năm 2018. Trong đó, số tham gia BHXH bắt buộc là 54.631 người, tăng 5,04% (2.622 người) so với năm 2018. Số tham gia BHXH tự nguyện là 24.997 người, tăng 531,8% (21.041 người) so với 2018. Tỷ lệ nông dân và lao động phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện với LLLĐ trong độ tuổi năm 2022 là 6,05% tăng 5,05% so với năm 2018.

Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Đỗ Ngọc An phát biểu tại buổi làm việc với Tỉnh ủy Yên Bái

So sánh giữa 6 tỉnh trong khu vực Tây Bắc, Yên Bái đứng thứ 3 về tỷ lệ người tham gia BHXH bắt buộc, đứng thứ nhất về tỷ lệ người tham gia BHXH tự nguyện. Tỷ lệ người được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng, trợ cấp hưu trí xã hội trên địa bàn tỉnh năm 2022 đạt khoảng 40% số người sau độ tuổi nghỉ hưu; con số cụ thể là 38.684 người.

Theo đánh giá, chất lượng phục vụ của cơ quan BHXH trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng lên và đạt yêu cầu đề ra. Người dân, NLĐ và các cơ quan đơn vị sử dụng lao động được giải quyết chế độ chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, đóng BHXH, BHYT rất thuận lợi. Đến nay, đã có 100% đơn vị, DN đã thực hiện giao dịch hồ sơ điện tử; 100% đơn vị SDLĐ đã triển khai nộp hồ sơ qua dịch vụ bưu chính công ích. Đến nay, toàn tỉnh đã có khoảng 121.000 người cài đặt và sử dụng ứng dụng VssID-BHXH số.

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Lê Hùng Sơn phát biểu

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Lê Hùng Sơn đánh giá, với điều kiện kinh tế-xã hội một tỉnh miền núi nhưng Yên Bái đã đạt được sự phát triển BHXH rất đáng ghi nhận; dấu ấn nổi bật là tỷ lệ nông dân, lao động phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện đạt 6% LLLĐ trong khi bình quân cả nước chỉ đạt khoảng 3%: “Những kết quả phát triển BHXH trong giai đoạn vừa qua cho thấy sự quyết liệt và hiệu quả chỉ đạo từ cấp ủy, chính quyền với công tác BHXH, BHYT”.

Còn nhiều thách thức

Theo thống kê, năm 2018, toàn tỉnh Yên Bái có 892 DN tham gia BHXH với là 17.751 NLĐ. Năm 2022, con số này tăng lên và đạt 1.185 DN với 19.653 NLĐ, tăng 10,7% so với năm 2018. Đến tháng 3/2023, toàn tỉnh đã có 1.231 DN, số tham gia BHXH bắt buộc là 19.928 người, tăng 12,3% so với năm 2018.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và tình hình kinh tế thế giới đã ảnh hưởng đến thị trường tiêu thụ sản phẩm. Nhiều DN gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, thiếu đơn hàng, đầu ra sản phẩm hạn chế. Chi phí đầu vào tăng dẫn đến nhiều DN phải tạm dừng, ngừng hoạt động. Cụ thể, đã có 658 DN hiện ngừng hoạt động, 12 DN giải thể, phá sản trong quý I/2023.

Theo số liệu của tỉnh Yên Bái, hiện lao động làm việc trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp là 229.949 người (chiếm 55,69%). Toàn tỉnh hiện có 59 xã đặc biệt khó khăn, 382 thôn đặc biệt khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh còn cao so với cả nước (12,92%).

Đây là những yếu tố đã và đang tác động đến công tác phát triển BHXH trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Nhiều thách thức đang đang đặt ra với cả BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện.

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Lê Hùng Sơn đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh Yên Bái tiếp tục chỉ đạo mạnh mẽ hơn với phát triển BHXH. Phát huy hiệu quả, chất lượng hoạt động của BCĐ thực hiện chính sách BHXH, BHYT ở các cấp; xây dựng cơ chế hỗ trợ người dân tham gia BHXH tự nguyện...

“Đề nghị lãnh đạo tỉnh Yên Bái quan tâm thúc đẩy phát triển kinh tế, gia tăng số DN, số việc làm trên địa bàn tỉnh, qua đó tạo cơ sở để gia tăng số tham gia BHXH bắt buộc”, Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn nêu đề xuất.

Đánh giá cao kết quả phát triển BHXH tự nguyện của Yên Bài, bà Bùi Thị Kiều Ly - Phó Vụ trưởng Vụ Xã hội (Ban Kinh tế Trung ương) đề nghị lãnh đạo tỉnh chia sẻ kinh nghiệm và nhân rộng các mô hình hay.

“Với tính chất đặc thù là phải tham gia trong thời gian dài, đề nghị tỉnh Yên Bái có cơ chế vận động hoặc hỗ trợ BHXH tự nguyện cho người dân mang tính dài hạn, bền vững hơn”, bà Ly nói.

Ông Đỗ Ngọc Thọ - Trưởng Ban THCS BHXH (BHXH Việt Nam) nhấn mạnh đến vai trò của công tác tuyên truyền trong quá trình gia tăng số người tham gia BHXH tự nguyện.

“Với đặc thù của Yên Bái, cần đẩy mạnh tuyên truyền bằng các hình thức phù hợp với đồng bào dân tộc thiểu số, phát huy vai trò của các chức sắc tôn giáo, người uy tín trong cộng đồng các bản làng”, ông Thọ nêu ý kiến.

Cũng đánh giá cao kết quả phát triển BHXH tự nguyện nhưng ông Nguyễn Mậu Quyết - Phó Vụ trưởng Vụ Xã hội (Ban Kinh tế Trung ương) cũng lưu ý, số gia tăng ở nhóm này đang có dấu hiệu chững lại, nhất là trong năm 2022 và các tháng đầu năm 2023, số tăng mới rất hạn chế.

Đề cập đến nhóm tham gia BHXH bắt buộc, Nguyễn Duy Cường- Phó Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH) đề nghị Yên Bái tập trung phát triển số lao động ở khối DN ngoài quốc doanh. Dư địa phát triển không nhiều, nhưng theo ông Cường vẫn còn tỷ lệ nhất định DN chưa tham gia theo đúng quy định của pháp luật. Đề nghị nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra cũng như triển khai mạnh các giải pháp để gia tăng số BHXH bắt buộc tại các DN.

Các giải pháp chỉ đạo mạnh mẽ, đồng bộ

Theo lãnh đạo UBND tỉnh, một mặt Yên Bái đang cố gắng giải ngân đầu tư công, mặt khác tích cực thu hút vốn đầu tư từ DN tư nhân trong nước và đầu tư nước ngoài. Dự kiến sẽ hình thành một số khu, cụm công nghiệp mới và đẩy mạnh các ngành dịch vụ và du lịch, qua đó góp phần quan trọng giải quyết việc làm, phát triển tham gia BHXH bắt buộc, tạo sinh kế tốt hơn cho người dân để gia tăng số BHXH tự nguyện.

Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bài Trần Huy Tuấn phát biểu

Ông Trần Huy Tuấn- Chủ tịch UBND tỉnh cũng nhấn mạnh, để phát triển BHXH, BHYT, vai trò của cấp ủy, chính quyền ở cơ sở là rất quan trọng. Giai đoạn tới sẽ chỉ đạo mạnh mẽ cấp ủy, chính quyền địa phương vào cuộc mạnh mẽ hơn với các giải pháp vận động người dân tham gia BHXH, BHYT. Tăng cường phối hợp liên ngành trong thanh tra, kiểm tra, đôn đốc DN đóng BHXH, BHYT cũng triển khai các nhiệm vụ liên quan đến phát triển BHXH.

“Tỉnh Yên Bái đã giao chỉ tiêu cụ thể cho các huyện, thành phố; trên cơ sở đó, yêu cầu các cấp ủy, chính quyền ở cơ sở triển khai các giải pháp cụ thể để tuyên truyền, vận động, tăng số người tham gia BHXH”, ông Tuấn nói.

Đề xuất với Đoàn Khảo sát của Ban Kinh tế Trung ương, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cũng cho rằng, quá trình xây dựng Luật BHXH cần thêm các phương án “mở”, tạo cơ chế linh hoạt phù hợp với sự đa dạng của các nhóm đối tượng, tương ứng với điều kiện về thu nhập, việc làm...

“Các chế độ đóng- hưởng BHXH càng linh hoạt, càng tạo sự thuận lợi, thu hút nhiều người tham gia vào hệ thống BHXH một cách tích cực hơn”, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái kiến nghị.

Ghi nhận những kiến nghị của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Yên Bái, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Đỗ Ngọc An cũng đánh giá cao những kết quả thực hiện BHXH tại Yên Bái, thể hiện rõ qua số phát triển BHXH tự nguyện rất tốt với điều kiện của một địa phương miền núi còn không ít khó khăn.

Phát huy những kết quả này, ông Đỗ Ngọc An cũng đề nghị Lãnh đạo tỉnh Yên Bái tiếp tục phát huy vai trò của cấp ủy, chính quyền địa phương trong chỉ đạo phát triển BHXH; nhân rộng các mô hình hay về BHXH tự nguyện. Đồng thời có chính sách để thúc đẩy đội ngũ DN trên địa bàn hoạt động tốt hơn nữa, qua đó gia tăng số tham gia BHXH bắt buộc.

“Nếu gia tăng số người tham gia BHXH tốt trong giai đoạn này, số người có lương hưu trong tương lai cũng sẽ tăng theo, qua đó giảm gánh nặng an sinh xã rất tích cực cho ngân sách địa phương”, ông An nêu quan điểm.

Minh Đức