Print

Chất lượng thuốc, trang thiết bị y tế sẽ được nâng cao với giá cả phù hợp hơn

Thứ Sáu, 26 /05/2023 12:18

Để đảm bảo cung ứng thuốc, trang thiết bị y tế cho các bệnh viện phục vụ KCB và chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nhiều ĐBQH cho rằng, ngành Y tế cần lựa chọn kỹ lưỡng nhà thầu để giá mặt hàng này không bị cao hơn nhiều so với thực tế.

Tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế tại nhiều bệnh viện công lập và tư nhân diễn ra trầm trọng trên diện rộng lại một lần nữa được nhiều ĐBQH nhắc đến khi đề cập về Dự án Luật Đầu thầu (sửa đổi) được Quốc hội tiếp tục cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 này. Chính vì thế, đảm bảo cung ứng thuốc, trang thiết bị y tế cho các bệnh viện để phục vụ công tác KCB và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân là nhiệm vụ quan trọng. Bên hành lang Quốc hội, nhiều ĐBQH đã cho ý kiến, quan điểm xung quanh vấn đề này.

Theo ĐB Đinh Ngọc Quý- Gia Lai, hiện nay, Bộ Y tế đã đưa ra quy định danh mục dựa trên tiêu chí kỹ thuật phù hợp về chất lượng, đáp ứng yêu cầu điều trị và giá đối với thuốc, trang thiết bị y tế nhưng danh mục đảm bảo chất lượng chưa được đề cập nhiều và rõ ràng trong dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi). Điều này khiến nhiều ĐBQH lo ngại, nếu không đưa quy định rõ ràng thì có thể dẫn đến người dân phải điều trị với y tế giá rẻ. Để giải quyết bất cập này, trong dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) cần đưa ra quy định ưu tiên thuốc sản xuất trong nước đáp ứng được yêu cầu đề ra cũng như tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới.

Tuy nhiên, những hướng dẫn cụ thể để xác định tỷ trọng giá và chất lượng thuốc, thiết bị y tế thì lại giao cho Chính phủ quy định chi tiết. Đây là vấn đề bất cập mà các cơ sở, bệnh viện phản ánh rất nhiều. Đặc biệt là đối với thuốc và thiết bị y tế thuộc danh mục thanh toán từ quỹ BHYT thường có giá rẻ và chất lượng thì không được như mong muốn. Với những bất cập trên, tại nhiều cuộc thảo luận, các chuyên gia, nhà quản lý, cơ sở y tế đã đề nghị trao quyền cho Hội đồng y khoa ở các bệnh viện có quyền quyết định thông số về hiệu quả điều trị của bệnh nhân để lựa chọn thuốc điều trị một cách phù hợp nhất. Để thực hiện được điều này, hy vọng, khi Luật Đấu thầu (sửa đổi) được thông qua, tỷ trọng về chất lượng thuốc, trang thiết bị y tế sẽ được nâng cao, với giá cả phù hợp hơn. “Về chỉ định thầu đối với thuốc, trang thiết bị trong điều kiện khẩn cấp trong dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã quy định về chỉ định thầu với tình trạng trên. Các tiêu chí chi tiết sẽ được giao cho Chính phủ quy định vì để thực hiện Luật Đấu thầu (sửa đổi) cần nhiều thủ tục, điều kiện ràng buộc với nhiều chủ thể tham gia. Vì thế, các cơ quan cần có sự thống nhất để thảo luận về vấn đề này”- ĐB Quý khẳng định.

Liên quan đến đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế trong điều kiện khẩn cấp, đặc biệt, ĐB Phạm Văn Hòa- Đồng Tháp nhận thấy, trong dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã đưa ra quy định rõ ràng về việc cung ứng thuốc, trang thiết bị y tế để phục vụ KCB cho người dân. Việc đấu thầu giao cho Bộ Y tế chịu trách nhiệm thực hiện. Còn ở địa phương thì giao cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh chỉ định thực hiện. Điều này sẽ góp phần khắc phục tình trạng thông thầu hay những bất cập trong đấu thầu thuốc, trang thiết bị như trong thời gian qua. Song để thực hiện đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế trong điều kiện khẩn cấp, đặc biệt đạt hiệu quả, các Bộ ngành, địa phương cần lựa chọn kỹ lưỡng nhà thầu hội đủ tiêu chuẩn về năng lực để giá thuốc, trang thiết bị y tế không bị “nâng khống”, cao hơn nhiều so với thực tế. Có như vậy, khi Luật Đấu thầu (sửa đổi) được Quốc hội thông qua sẽ tạo thuận lợi cho các ngành, các cấp, trong đó có ngành y tế được mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế đạt chất lượng tốt để phục vụ việc KCB cho người dân.

Còn ĐB Phạm Khánh Phong Lan- TP. Hồ Chí Minh nhận định, trong lĩnh vực y tế, nếu chỉ nhìn đấu thầu ở mục tiêu có giá thấp nhất sẽ dẫn đến vấn đề về chất lượng thuốc. Tiêu chí này không phải chỉ dựa vào thuốc sản xuất ở đâu, nhà máy nào, có đạt chuẩn hay không, nguồn nguyên liệu ở Ấn Độ, Trung Quốc hay châu Âu. Nếu dựa theo tiêu chí đó thì sẽ tìm được rất nhiều mặt hàng giống nhau và không thể phân biệt được. Điều quan trọng phải là chất lượng điều trị, bệnh nhân hài lòng.

Theo đại biểu, Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) vẫn chưa có những đột phá trong lĩnh vực y tế dù có riêng chương V quy định về Mua sắm tập trung, mua thuốc; cung cấp sản phẩm, dịch vụ công. Bởi mua sắm tập trung bằng cách đấu thầu rộng rãi chỉ là vấn đề quy mô. Dự thảo chưa có những quy định như tăng cường đàm phán giá, chỉ định thầu trong trường hợp khẩn cấp như thế nào, tiêu chí đánh giá của bác sĩ chưa đưa ra thành tiêu chí trong điểm kỹ thuật. Cùng với đó, các quy định về mảng đấu thầu mua thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế vẫn còn thiếu nhiều. Trong đó, cần phải quy định rõ về trường hợp nào là cấp bách, khẩn cấp, tránh tình trạng khi thực hiện lại có nhiều cách khác nhau thế nào là trong trường hợp cấp bách để thực hiện chỉ định thầu. Bởi có những loại thuốc, vật tư y tế rất cần thiết cho những bệnh nhân không phải tình trạng cấp cứu nhưng mà vẫn có thể nguy hiểm đến tính mạng. Mặt khác, đấu thầu cũng còn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ, kể cả nguy cơ về tiêu cực.

Nguyệt Hà