Print

Khuyến cáo về hội chứng động mạch vành mạn

Thứ Sáu, 26 /05/2023 15:03

Hội chứng động mạch vành mạn (Chronic coronary syndrome, CCS) là thuật ngữ được đưa ra tại Hội nghị Tim Mạch châu Âu (ESC) năm 2019.

Hội chứng động mạch vành mạn là bệnh lý liên quan đến sự ổn định tương đối của mảng xơ vữa động mạch vành, khi không có sự nứt vỡ đột ngột hoặc sau giai đoạn cấp hoặc sau khi đã được can thiệp/phẫu thuật.

Theo đó, khi mảng xơ vữa tiến triển dần gây hẹp lòng động mạch vành một cách đáng kể (thường là hẹp trên 70% đường kính lòng mạch) thì có thể gây ra triệu chứng, điển hình nhất là đau thắt ngực/khó thở khi người bệnh gắng sức và đỡ khi nghỉ. Trong quá trình phát triển của mảng xơ vữa, một số trường hợp có thể xuất hiện những biến cố cấp tính do sự nứt vỡ mảng xơ vữa, dẫn tới hình thành huyết khối gây hẹp hoặc tắc lòng mạch một cách nhanh chóng được gọi là hội chứng động mạch vành cấp.

Hội chứng động mạch vành có 6 bệnh cảnh lâm sàng: Người bệnh nghi ngờ có bệnh động mạch vành với triệu chứng đau thắt ngực ổn định và/hoặc khó thở; Người bệnh mới khởi phát triệu chứng suy tim/giảm chức năng thất trái và nghi ngờ có bệnh lý bệnh động mạch vành; Người bệnh có tiền sử hội chứng động mạch vành cấp hoặc được tái thông động mạch vành trong vòng 1 năm, có hoặc không có triệu chứng; Người bệnh sau hội chứng động mạch vành cấp hoặc được tái thông động mạch vành trên 1 năm; Người bệnh đau thắt ngực nghi ngờ do bệnh lý vi mạch hoặc co thắt động mạch vành; Người bệnh không triệu chứng, khám sàng lọc phát hiện ra bệnh động mạch vành.

Lưu ý, trong chẩn đoán bệnh động mạch vành, cơn đau thắt ngực là triệu chứng lâm sàng quan trọng nhất (xác định người bệnh đau ngực kiểu động mạch vành). Cần lưu ý là một số trường hợp người bệnh bị bệnh động mạch vành lại không có cơn đau ngực điển hình mà có các triệu chứng khác như khó thở, mệt hoặc hoàn toàn không có triệu chứng gì (bệnh động mạch vành thầm lặng). Với những bệnh cảnh khác, như suy tim, sau can thiệp hoặc do sàng lọc thì các triệu chứng tương ứng với các bệnh cảnh đó.

Cơn đau thắt ngực thường ở sau xương ức và là một vùng (chứ không phải một điểm), đau có thể lan lên cổ, vai, tay, hàm, thượng vị, sau lưng… Hay gặp hơn cả là hướng lan lên vai trái rồi lan xuống mặt trong tay trái, có khi xuống tận các ngón tay 4, 5. Hoàn cảnh xuất hiện của cơn đau thắt ngực là thường xuất hiện khi gắng sức, xúc cảm mạnh, gặp lạnh, sau bữa ăn nhiều hoặc hút thuốc lá và nhanh chóng giảm/ biến mất trong vòng vài phút khi các yếu tố trên giảm. Cơn đau có thể xuất hiện tự nhiên. Một số trường hợp cơn đau thắt ngực có thể xuất hiện về đêm, khi thay đổi tư thế, hoặc khi kèm cơn nhịp nhanh. Hầu hết các người bệnh mô tả cơn đau thắt ngực như thắt lại, bó nghẹt, hoặc bị đè nặng trước ngực và đôi khi cảm giác buốt giá, bỏng rát. Một số người bệnh có kèm theo khó thở, mệt lả, đau đầu, buồn nôn, vã mồ hôi... Cơn đau thường kéo dài khoảng vài phút (3 - 5 phút), có thể dài hơn nhưng thường không quá 20 phút, nếu đau kéo dài hơn và xuất hiện ngay cả khi nghỉ thì cần nghĩ đến cơn đau thắt ngực không ổn định hoặc nhồi máu cơ tim. Những cơn đau xảy ra do xúc cảm thường kéo dài hơn là đau do gắng sức. Những cơn đau mà chỉ kéo dài dưới 1 phút thì nên tìm những nguyên nhân khác ngoài tim.

Để phòng, ngừa và điều trị hội chứng động mạch vành, Bộ Y tế khuyến cáo, người dân cần thực hiện các hành vi lối sống lành mạnh, bao gồm ngừng hút thuốc (sử dụng chiến lược thay đổi hành vi, sử dụng thuốc để giúp người bệnh bỏ thuốc, tránh hút thuốc thụ động); hoạt động thể chất theo khuyến cáo (hàng ngày, hoạt động thể chất ở mức trung bình trong 30-60 phút, kể cả không đều đặn thì vẫn có lợi); chế độ ăn uống lành mạnh (ăn nhiều rau xanh, trái cây và các loại ngũ cốc, hạn chế chất béo bão hòa, hạn chế đồ uống có cồn); duy trì cân nặng hợp lý (đạt và duy trì cân nặng tối ưu (BMI < 25 kg/m2) hoặc giảm cân bằng cách giảm lượng ăn vào theo khuyến cáo và hoạt động thể chất)… để làm giảm nguy cơ tử vong và các biến cố tim mạch, đồng thời, giúp dự phòng thứ phát các biến cố tim mạch. Có nhiều bằng chứng cho thấy, các lợi ích này xuất hiện sau khoảng 6 tháng từ khi có biến cố.

Một số thuốc phòng, ngừa biến cố tim mạch ở người bệnh hội chứng động mạch vành có thể kể đến thuốc kháng kết tập tiểu cầu, trong đó, Aspirin vẫn là nền tảng trong điều trị phòng ngừa biến cố huyết khối động mạch, thuốc hoạt động thông qua ức chế không hồi phục cyclooxygenase (COX-1); thuốc điều trị hạ lipid máu; thuốc ức chế hệ Renin- Angiotensin- Aldosterone và các thuốc khác.

Tùng Anh