Print

Bất bình đẳng giới về tiền lương ở Ai Cập

Thứ Sáu, 26 /05/2023 15:51

Theo Báo cáo Khoảng cách Giới tính Toàn cầu 2022 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Ai Cập xếp vị trí thứ 129 trong số 149 quốc gia được đánh giá.

Bất bình đẳng giới về tiền lương của Ai Cập khá cao với tỷ lệ 3,84, có nghĩa là nam giới kiếm được gấp 4 lần nữ giới so với GDP bình quân đầu người. Ngân hàng Thế giới (WB) nhấn mạnh thêm về bất bình đẳng giới trong thị trường lao động Ai Cập, đó là lao động nữ chỉ chiếm 18% tổng số lao động (số liệu năm 2022).

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này. Một số nguyên nhân chính là trong đời sống xã hội Ai Cập, phụ nữ thường gánh trách nhiệm chính trong chăm sóc con cái; môi trường làm việc không có thuận lợi cho lao động nữ và hạn chế về đầu công việc. Vì thế, lao động nữ thường bị trả lương thấp hơn so với đồng nghiệp nam giới. Khoảng cách tiền lương theo giới tính ở Ai Cập mang đến hậu quả đáng kể đối với kinh tế- xã hội, trong đó, bất cập nhất là sự phân biệt đối xử trong việc tìm kiếm việc làm, cũng như thu nhập, của phụ nữ.

Vào năm 2021, WB đưa ra dự báo, nếu có gia tăng sự tham gia của nữ giới trong lực lượng lao động, GDP của Ai Cập có thể tăng trưởng ở mức 34%. Điều này cho thấy, tiềm năng chưa được khai thác trong đóng góp kinh tế của lao động nữ Ai Cập. Sự tham gia tích cực của lao động nữ trong lĩnh vực tài chính, nhất là ở các vị trí quản lý, điều hành, sẽ giúp tăng cường khả năng phục hồi và ổn định của đất nước. Chiếu theo các chỉ tiêu, việc đạt được Tầm nhìn 2030 của Ai Cập đòi hỏi phải giải quyết tình trạng thiếu nữ giới trong thị trường lao động, đặc biệt là ở các cấp lãnh đạo cấp cao.

Hội đồng Phụ nữ Quốc gia Ai Cập (Egyptian National Council for Women, NCW) hoạt động như một cơ quan độc lập của phụ nữ. Tổng thống Cộng hòa Ai Cập thành lập Hội đồng, đảm bảo sự bình đẳng của phụ nữ trong tất cả lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa. NCW tích cực lập kế hoạch vì sự tiến bộ của phụ nữ; nỗ lực tham mưu giải quyết khoảng cách tiền lương theo giới tính và thúc đẩy bình đẳng giới trong thị trường lao động. Thông qua các chương trình khởi nghiệp, NCW trao quyền kinh tế cho phụ nữ Ai Cập. Vào tháng 4/2022, Chương trình Shakia Governate của NCW đã đào tạo 136.000 lao động nữ về quản lý dự án, lập kế hoạch, tiếp thị và khởi nghiệp, từ đó tạo điều kiện kết nối và cung cấp khả năng tiếp cận các dịch vụ có giá trị. Những nỗ lực của NCW nhằm thúc đẩy trao quyền cho phụ nữ ở Ai Cập đã mang lại những tiến bộ rõ rệt. Từ năm 2015 đến 2019, tỷ lệ thất nghiệp của lao động nữ giảm từ 12,8% xuống 7,9%. Ngoài ra, Ai Cập đã tham gia EPIC vào năm 2018, cam kết hành động để thu hẹp khoảng cách trả lương theo giới tính bằng cách thực hiện các chính sách, chia sẻ kiến thức và huy động các nguồn lực.

Một số tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ đã hợp tác với Ai Cập để giải quyết khoảng cách tiền lương theo giới tính và thúc đẩy trao quyền kinh tế cho phụ nữ. Chẳng hạn như Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp với chính phủ Ai Cập để tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong nền kinh tế bằng cách hỗ trợ dự án, chương trình thúc đẩy bình đẳng giới, đưa ra các sáng kiến tài chính vi mô và đào tạo nghề cho phụ nữ. USAID trao quyền cho phụ nữ để thu hẹp khoảng cách tiền lương theo giới ở Ai Cập bằng cách hỗ trợ dự án kinh doanh của họ. Thông qua các sáng kiến như Mạng lưới Nữ doanh nhân và Thiên thần Tiye, 600 DN do lao động nữ làm chủ đã được thành lập kể từ năm 2017. Ngoài ra, các Trung tâm Dịch vụ Phát triển Kinh doanh của USAID hỗ trợ 650 DN siêu nhỏ do phụ nữ làm chủ. Hiệp hội Vì sự tiến bộ và Phát triển toàn diện của phụ nữ (ATWAD) cung cấp các chương trình đào tạo, vận động chính sách và cung cấp nguồn lực cho phụ nữ. ABAAD, một tổ chức phi chính phủ hoạt động vì bình đẳng giới ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi, luôn thúc đẩy cơ hội bình đẳng cho phụ nữ Ai Cập trong thị trường lao động và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới- vốn là rào cản đáng kể đối với sự tham gia kinh tế của phụ nữ.

Với sự cam kết và hỗ trợ liên tục, Ai Cập đang trên con đường đạt được bình đẳng giới cao hơn, giải phóng tiềm năng chưa được khai thác của lao động nữ, thúc đẩy một xã hội công bằng và toàn diện.

Tùng Anh (Theo LHQ)