Print

Tình trạng cắt giảm lao động có thể kéo dài tới cuối năm 2023

Thứ Ba, 30 /05/2023 16:29

Theo khảo sát của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ) về khó khăn của DN và triển vọng kinh tế cuối năm 2023, thời gian tới có thể xảy ra làn sóng cắt giảm lao động số lượng lớn, nếu tình trạng lạm phát lẫn khó khăn kinh tế không được cải thiện.

Kết quả khảo sát của Ban IV cho thấy, DN Việt Nam đang trải qua bối cảnh đặc biệt khó khăn. Trong tổng số 9.556 DN tham gia khảo sát, có 82,3% số DN dự kiến giảm quy mô, tạm ngừng kinh doanh hoặc ngừng kinh doanh trong các tháng còn lại của năm 2023, trong khi đó chỉ có 13,5% số DN cho biết sẽ giữ nguyên quy mô.

Cụ thể, trong số 7.333/9.556 DN còn hoạt động, có 71,2% dự kiến cắt giảm lao động trên 5%, trong đó có 22,2% dự kiến giảm trên 50%. Các DN cắt giảm lao động nhiều nhất ở lĩnh vực xây dựng, công nghiệp và phần lớn là ngoài nhà nước. Và, một nửa trong số này hoạt động tại TP.HCM và Bình Dương.

Khảo sát cho biết thêm, TP.HCM có tỷ lệ DN dự kiến giảm trên 50% lao động cao nhất (25,8%), sau đó đến Bình Dương (24%). Bên cạnh đó, có 80,7% số DN dự kiến giảm doanh thu trên 5%, trong đó tỷ lệ giảm trên 50% doanh thu là 29,4%.

Trong các khó khăn mà DN phải đối mặt, thì khó khăn về đơn hàng là lớn nhất (chiếm 59%), tiếp đó là khó khăn trong tiếp cận vốn vay (51%), thực hiện TTHC và đáp ứng các quy định của pháp luật (45%), nguy cơ hình sự hóa các giao dịch kinh tế (31%). Do đó, theo Ban IV, có thể làn sóng sa thải lao động còn tiếp diễn ở các tháng cuối năm 2023 do khó khăn vĩ mô và nội tại của DN.

Trước thực trạng trên, DN kiến nghị các giải pháp cấp bách, tháo gỡ khó khăn trước mắt. Trong đó, đề xuất Thủ tướng chỉ đạo kéo dài thời hạn các chính sách hỗ trợ DN, bao gồm: Giảm 2% thuế giá trị gia tăng đến hết năm 2025 thay vì chỉ hết năm 2023. Đồng thời, đẩy nhanh việc hoàn thuế cho DN tránh lãi kéo dài như hiện nay; có cơ chế đặc biệt cho phép DN được hoàn thuế trong vòng 3 tháng sau khi hoàn thành xuất khẩu đơn hàng...

Về tiếp cận nguồn vốn vay, DN kiến nghị Chính phủ giảm mạnh lãi suất vay cho thuê, mua nhà ở xã hội để số đông NLĐ có cơ hội tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Trong quá trình NLĐ vay vốn, Nhà nước xem xét cơ chế để DN tham gia bảo lãnh cho họ thay vì phải trải qua quy trình xét duyệt phức tạp theo diện "chính sách" như hiện nay.

Ngoài ra, khảo sát cũng ghi nhận mong muốn của DN về việc cơ quan nhà nước hạn chế thanh tra, kiểm tra DN, cơ sở sản xuất kinh doanh; chỉ kiểm tra không quá một lần trong năm, không ban hành thêm văn bản mới, tạo thêm gánh nặng thuế, phí, TTHC cho DN.

T.Linh