Print

ĐBQH Hoàng Đức Thắng: Cần tháo gỡ “điểm nghẽn” cho chủ hộ kinh doanh cá thể tham gia BHXH bắt buộc

Thứ Tư, 31 /05/2023 11:53

Sáng 31/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế-xã hội. Nêu ý kiến tại Phiên thảo luận, ĐB Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) đề nghị Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH và BHXH Việt Nam cần tập trung tháo gỡ "điểm nghẽn" cho chủ hộ kinh doanh cá thể tham gia BHXH theo hướng căn cứ nguyên tắc cơ bản của BHXH là đóng-hưởng để đảm bảo sự bình đẳng khi tham gia BHXH.

Theo ĐB Hoàng Đức Thắng, với phương châm hành động “Đoàn kết, kỷ cương, linh hoạt, sáng tạo, chuyên nghiệp, hiệu quả”, ngành BHXH Việt Nam đã có những nỗ lực, cố gắng và đạt được những kết quả tiến bộ mới. Đến năm 2022, số người tham gia BHXH, BHYT đã đạt và vượt kế hoạch năm 2022 được Quốc hội và Chính phủ giao.

ĐB Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị)

Tuy vậy, theo ĐB Thắng, câu chuyện về nội dung chủ hộ kinh doanh cá thể đã đóng BHXH bắt buộc vừa qua rất cần được xem xét và có giải pháp kịp thời thỏa đáng. "Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, đến 30/9/2016, đã có 54 BHXH tỉnh, thành phố thực hiện thu BHXH bắt buộc đối với 4.240 cá nhân là chủ hộ kinh doanh cá thể và đến hết 2021 vẫn còn 35 BHXH tỉnh, thành phố tiếp tục thu với 779 chủ hộ kinh doanh cá thể"- ĐB Thắng nêu ý kiến.

Cũng theo ĐB Thắng, việc thu BHXH bắt buộc với chủ hộ kinh doanh cá thể đang có cách hiểu và nhiều ý kiến khác nhau. Để thống nhất nhận thức thực hiện với hộ kinh doanh cá thể và đảm bảo quyền lợi cho người tham gia theo đúng quy định pháp luật, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các địa phương dừng thu BHXH đối với các hộ này; đồng thời có văn bản báo cáo, đề xuất gửi Bộ LĐ-TB&XH. Mặt khác, phê bình, kiểm điểm nghiêm túc với các tập thể, cá nhân có liên quan.

ĐB Hoàng Đức Thắng cho rằng, về chủ hộ kinh doanh cá thể đăng ký tham gia BHXH bắt buộc xuất phát từ một số nguyên nhân chủ yếu như: Khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 01 (năm 2003) của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Điều lệ BHXH, do nhận thức chưa đầy đủ và áp lực của việc mở rộng độ bao phủ BHXH, nên một số tỉnh, thành đã thực hiện thu BHXH bắt buộc và giải quyết chính sách đối với các chủ hộ kinh doanh cá thể. Số đông chủ hộ kinh doanh cá thể tham gia BHXH bắt buộc là người trực tiếp sản xuất kinh doanh, chủ hộ vừa là chủ SDLĐ, vừa là NLĐ, nên nhu cầu tham gia để hưởng các chế độ BHXH, BHYT như NLĐ là chính đáng.

Mặt khác, thời gian nảy chưa có chính sách cho người tham gia BHXH tự nguyện, nên việc tham gia đóng BHXH của chủ hộ cũng không phải thuộc điều cấm của các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Việc chủ hộ kinh doanh cá thể tham gia đóng BHXH- về bản chất là tích cực góp phần tăng thêm diện bao phủ BHXH, phù hợp với Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, các quy định liên quan chưa theo kịp đòi hỏi của thực tiễn. Do đó, mới nảy sinh câu chuyện trên. Nói cách khác, thực tiễn luôn vận động phát triển tiến về phía trước, nhưng khung thể chế chưa theo kịp, nên mới dẫn đến việc này. Như vậy, biện chứng của sự phát triển là chúng ta cần sửa đổi, bổ sung quy định pháp lý cho phù hợp- mà suy cho cùng quy định pháp luật cũng từ chúng ta mà ra. "Thay vì chúng ta dừng xu thế vận động tất yếu này, thì nó là sự tiếp cận đúng đắn vì lợi ích của người dân"- ĐB Thắng phân tích.

“Vì vậy, Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH, BHXH Việt Nam cần tập trung tháo gỡ "điểm nghẽn" này theo hướng căn cứ nguyên tắc cơ bản của BHXH là đóng-hưởng để đảm bảo sự bình đẳng khi tham gia BHXH, góp phần đảm bảo an sinh cơ bản của quốc gia. Từ thực tiễn này cần đề xuất bổ sung, sửa đổi Luật BHXH, Luật BHYT để đảm bảo hành lang pháp lý phù hợp với chính sách BHXH, BHYT. Nhà nước bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của công dân, NLĐ- đó là cách xử lý tối ưu nhất, hợp tình, hợp lý nhất”- ĐB Hoàng Đức Thắng đề nghị.

Nguyệt Hà