Print

Tăng lương là đầu tư cho con người, đầu tư cho tương lai

Thứ Năm, 01 /06/2023 09:42

Tiếp tục phiên thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội, các ĐBQH đã quan tâm nhiều đến vấn đề lao động, việc làm, thiếu vật tư y tế, đặc biệt chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW.

Tăng lương đồng nghĩa tăng năng suất lao động

Theo ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội), tháng 10 tới, Chính phủ sẽ trình Quốc hội phương án cải cách tổng thể tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW. Bởi ,tiền lương là chính sách vô cùng quan trọng, một chính sách tiền lương đúng đắn, có tác dụng thúc đẩy kinh tế phát triển. Ngược lại, một chính sách tiền lương bất hợp lý sẽ là rào cản đối với bước tiến xã hội.

ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội)

Cũng theo ĐB Vũ Thị Lưu Mai, Việt Nam đã trải qua 4 lần cải cách tiền lương. Tuy nhiên, thực tế mức lương CBCC tại thời điểm hiện nay khá thấp. "Chúng ta đang ở đâu trên bản đồ thu nhập thế giới? Sẽ là khập khiễng nếu như so sánh với các nước phát triển. Song, chỉ cần so với các nước trong khu vực, cũng thấy một khoảng cách không nhỏ"- ĐB Mai nêu vấn đề. Đồng thời đưa ra những con số dẫn chứng: Một sinh viên mới ra trường mức thu nhập là 3.480.000 đồng; mức lương trung bình của một công chức trên dưới 10 triệu đồng. Trong khi đó, nếu quy đổi ra tiền Việt Nam, thì một công chức của Thái Lan thu nhập 56,7 triệu đồng, Malaysia là 29 triệu đồng và Campuchia là 17 triệu đồng.

ĐB Vũ Thị Lưu Mai cũng nhấn mạnh, xét về căn cứ chính trị, Nghị quyết 27-NQ/TW đã đề ra lộ trình cải cách rất cụ thể; tuy nhiên đến nay chúng ta đã 3 năm lỡ hẹn. Trong 3 năm liên tiếp Chính phủ đã đề nghị lùi thời điểm thực hiện cải cách tiền lương để tập trung nguồn lực đầu tư phát triển, chương trình phục hồi kinh tế. “Một điều mà cử tri quan tâm là tới đây nếu thực hiện cải cách tiền lương thì mức tăng sẽ là bao nhiêu? Tại thời điểm hiện nay sẽ không có thông tin nào được coi là chính xác, vì Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét, quyết định. Tuy nhiên, thực sự rất cần một sự thay đổi căn bản mang tính thực chất, chứ không chỉ mang tính hình thức"- ĐB Mai nhấn mạnh.

"Trên diễn đàn cũng có ý kiến đề xuất tăng ở mức 21-22%. Như vậy, với mức này thì một người đang hưởng lương 10 triệu cũng chỉ có thể tăng thêm 2,1 triệu đồng. Trong khi đó, Nghị quyết số 27-NQ/TW đề ra mục tiêu rất rõ ràng, là tiền lương phải thực sự là nguồn thu nhập chủ yếu và chính sách tiền lương phải bảo đảm hội nhập quốc tế. Hiện nay, trong bối cảnh hội nhập thế giới, thì rào cản quốc gia không còn là vấn đề. Nếu không có một chính sách hợp lý, thì chúng ta hoàn toàn có thể thua ngay trên sân nhà trong cuộc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao”- ĐB Lưu Mai phân tích.

Từ những nhận định trên, ĐB Vũ Thị Lưu Mai đề xuất, cần thực hiện nghiêm quy định tại Nghị quyết số 27-NQ/TW. Theo đó, hàng năm cần dành 50% tăng thu dự toán, 70% tăng thu ngân sách thực hiện của ngân sách địa phương và 40% tăng thu ngân sách Trung ương để dành cho cải cách tiền lương. Bên cạnh đó, cần tuân thủ đúng trật tự ưu tiên trong phân bổ nguồn tăng thu. "Khoản 2, Điều 59 của Luật Ngân sách quy định rất rõ là ưu tiên cho chính sách tiền lương trước khi xem xét đến các dự án đầu tư. Năm 2022, chúng ta tăng thu khá lớn, ngân sách Trung ương là 195.000 tỷ đồng, ngân sách địa phương là 208.000 tỷ đồng, số chuyển nguồn cải cách tiền lương là 269.000 tỷ đồng và trong nguồn lực này thì cần ưu tiên để có nguồn lực tương xứng cho chính sách cải cách tiền lương"- ĐB Mai chỉ rõ.

ĐB Nguyễn Trúc Anh (Hà Nội)

Tranh luận với một số ý kiến liên quan đến tăng lương, ĐB Nguyễn Trúc Anh (Hà Nội) cho rằng, đề xuất giải pháp tăng lương cho CBCC là chưa căn cơ và chưa giải quyết được gốc vấn đề. ĐB Trúc Anh phân tích: "Ngoài tăng lương, chúng ta có thể nghĩ tới những giải pháp khác căn cơ hơn về mặt an sinh cũng như thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, nhằm tăng hiệu quả năng suất lao động, được cung cấp bằng chính sách nhà ở xã hội, con gái được học trường tốt, đi lại được hỗ trợ bằng giao thông công cộng như một số nước trên thế giới, chế độ nghỉ dưỡng, nghỉ phép đầy đủ. Chính sách ưu đãi thu hút nhân lực và khu vực công khi giá cả thị trường trượt giá, lạm phát cao và tăng lương khó có thể gánh vác hết. Mặt khác, phải tìm giải pháp tăng năng suất lao động cho khu vực công, bởi năng suất thấp, nguyên nhân chủ yếu là lỗi hệ thống nhiều hơn là lỗi cá nhân".

Cơ bản khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế

Liên quan đến vấn đề đảm bảo thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành rất nhiều văn bản, nghị quyết, nghị định và thông tư của các bộ, ngành để giải quyết các vấn đề thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế. Đến thời điểm này, các văn bản này cơ bản đã tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc trong quá trình đảm bảo cơ sở pháp lý để cho các đơn vị triển khai thực hiện.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan giải trình tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế

Thực hiện theo Nghị quyết số 80/2023/QH15 của Quốc hội, Bộ Y tế đã gia hạn được 10.572 thuốc, đến nay cả nước đã có 22.000 thuốc, đảm bảo đủ cung ứng thuốc cho thị trường, đáp ứng nhu cầu của người dân. Nghị định số 07/2023/NĐ-CP của Chính phủ cũng đã tháo gỡ những khó khăn về trang thiết bị y tế, hiện nay nguồn trang thiết bị y tế cũng đã được đảm bảo...

“Vấn đề liên quan đến tâm lý và vấn đề triển khai thực hiện mua sắm, vừa qua rất nhiều đơn vị, cơ sở y tế đã tập trung triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương, đến nay cơ bản đã tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc. Đơn cử, BV Bạch Mai mỗi ngày có khoảng 7.000 đến 8.000 bệnh nhân, đến nay BV đã cơ bản đáp ứng được tất cả các nhu cầu về thuốc, không khó khăn, vướng mắc gì. Tuy nhiên, trong thực tiễn vẫn còn một số nơi còn e ngại, né tránh trong việc thực hiện quá trình mua sắm, rất mong các địa phương tập trung chỉ đạo”- Bộ trưởng Bộ Y tế nêu.

Về thuốc hiếm, Bộ trưởng Đào Hồng Lan khẳng định, theo quy định của Luật Dược, đã có nhiều quy định về vấn đề thuốc hiếm, chính sách của Nhà nước về vấn đề thuốc hiếm như: Hình thức mua sắm, quy định về nhập khẩu thuốc hiếm; việc bán, chuyển nhượng của các BV; việc ưu tiên thẩm định thuốc hiếm; các thuốc hiếm bắt buộc phải dự trữ... Bộ Y tế đã có Thông tư số 26 (năm 2019), trong đó quy định 214 loại danh mục thuốc hiếm và 229 thuốc không sẵn có. Tuy nhiên, thời gian vừa qua vẫn còn một số vướng mắc liên quan đến vấn đề thực hiện mua sắm thuốc hiếm do nguồn cung trên thế giới cũng như các cơ chế dự trữ còn vướng mắc. Vì vậy, Bộ đang xây dựng một quy chế liên quan đến việc dự trữ và đảm bảo thuốc đặc biệt hiếm để áp dụng trên toàn quốc và dự kiến trong quý III/2023 sẽ báo cáo với Chính phủ.

Nguyệt Hà