Print

Ưu tiên cho mục tiêu tăng trưởng, đưa đất nước tiếp tục phát triển

Thứ Bảy, 03 /06/2023 14:47

Sáng 3/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2023. Phiên họp được kết nối trực tuyến tới trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ

Các báo cáo, ý kiến tại phiên họp thống nhất đánh giá, tình hình kinh tế-xã hội tháng 5 và 5 tháng tiếp tục tiến triển tích cực với nhiều lĩnh vực cải thiện hơn so với tháng 4. Theo đó, lạm phát giữ xu hướng giảm dần qua các tháng và được kiểm soát đúng theo Nghị quyết của Trung ương và Quốc hội. Thị trường tiền tệ, giá cả ổn định; lãi suất điều hành giảm 3 lần liên tiếp. Xuất khẩu có xu hướng tăng trở lại; kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 5,3% so với tháng 4; tính chung 5 tháng xuất siêu 9,8 tỷ USD.

Sản xuất nông nghiệp ổn định; xuất khẩu gạo trong tháng 5 đạt 1 triệu tấn, trị giá 0,53 tỷ USD, tăng 41,1% về lượng và tăng 53,1% về trị giá so với cùng kỳ, 5 tháng xuất khẩu gần 3,9 triệu tấn gạo, tương đương hơn 2 tỷ USD, tăng khoảng 40% về khối lượng và khoảng 50% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 5 tăng 2,2% so với tháng 4 và tăng 0,1% so cùng kỳ, trong đó công nghiệp chế biến-chế tạo tăng 2,9%.

Khu vực dịch vụ tiếp tục tăng cao, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 1,5% so tháng 4 và tăng 11,5% so với cùng kỳ; 5 tháng tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước. Du lịch phục hồi nhanh, có gần 4,6 triệu lượt khách quốc tế, gấp 12,6 lần cùng kỳ, đạt 57,5% kế hoạch năm.

Thu ngân sách đến ngày 31/5 ước đạt 782 nghìn tỷ đồng, bằng 48,3% dự toán. Thực hiện đầu tư công đạt khoảng 177.000 tỷ đồng, trong đó giải ngân vốn đến ngày 31/5 đạt trên 157.000 tỷ đồng, bằng 22,22% kế hoạch, tương đương cùng kỳ năm 2022 (22,37%), nhưng số tuyệt đối cao hơn 41 nghìn tỷ đồng.

Có 95.000 DN đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, nhiều hơn số DN rút lui khỏi thị trường (88.000 DN). Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký 5 tháng đạt 5,26 tỷ USD, tăng 27,8%; vốn thực hiện ước đạt 7,65 tỷ USD, tuy giảm nhẹ 0,8% so với cùng kỳ năm 2022, nhưng cao hơn cùng kỳ các năm từ 2019 đến 2021 (lần lượt là 7,3, 6,7 và 7,15 tỷ USD).

Đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện. Tỷ lệ hộ đánh giá có thu nhập trong tháng không thay đổi và tăng lên so với cùng kỳ năm trước là 94,8% (tăng 0,4 điểm phần trăm so với kỳ báo cáo tháng 4/2023).

Công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ đã cho thấy tinh thần quyết liệt, khẩn trương. Tính chung 5 tháng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức hơn 700 cuộc họp, hội nghị, hoạt động đối ngoại (gồm 9 phiên họp Chính phủ, trong đó 4 phiên họp chuyên đề pháp luật), ban hành 27 nghị định, 101 nghị quyết, 16 quyết định quy phạm pháp luật, 618 quyết định cá biệt, 36 công điện, 17 chỉ thị. Lần đầu tiên, Chính phủ tổ chức 26 tổ công tác trực tiếp làm việc với các địa phương để nắm tình hình và giải quyết các khó khăn, vướng mắc; đã ghi nhận trên 1.000 kiến nghị, trong đó đã giải đáp 300 kiến nghị, ghi nhận trên 700 kiến nghị.

Các hoạt động, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng tập trung vào 9 nhóm nội dung quan trọng như: Giải ngân vốn đầu tư công, đôn đốc các công trình trọng điểm quốc gia (nhiều dự án lớn sẽ khởi công trong tháng 6/2023); giảm lãi suất điều hành, mặt bằng lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận tín dụng, cho phép các tổ chức tín dụng cơ cấu lại nợ, giãn nợ, mua lại trái phiếu DN; gia hạn thời hạn nộp tiền thuế, tiền thuê đất và trình cấp có thẩm quyền xem xét giảm thuế, phí, trình Quốc hội giảm 2% thuế VAT; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy thị trường chứng khoán, trái phiếu DN và bất động sản; đẩy mạnh CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ DN phục hồi và phát triển (từ đầu năm cắt giảm hơn 300 TTHC); xử lý các vấn đề khó khăn về mua sắm thuốc, vật tư y tế....

Thúc đẩy động lực tăng trưởng

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực cùng hệ thống chính trị cùng vào cuộc triển khai các công việc, nhiệm vụ được giao theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn.

Đánh giá tình hình sắp tới sẽ tiếp tục có khó khăn, thách thức nhiều hơn là cơ hội và thuận lợi, Thủ tướng nêu rõ mục tiêu trong thời gian tới như: Tiếp tục thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn; giữ vững an ninh-quốc phòng, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; phòng chống tham nhũng, tiêu cực; tăng cường đối ngoại, hội nhập quốc tế...

Về nhiệm vụ trọng tâm, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục ưu tiên cho tăng trưởng trong bối cảnh lạm phát đang được kiểm soát và giảm dần, đang có dư địa về nợ công, nợ Chính phủ, bội chi. Điều hành chính sách tiền tệ theo hướng chắc chắn, chủ động, kịp thời, linh hoạt, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hiệu quả với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trong điểm. Đồng thời, tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, nhất là nông nghiệp, dịch vụ và mở rộng thị trường cho sản xuất công nghiệp.

Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tập trung thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu). Theo đó, cần triển khai các giải pháp kích cầu tiêu dùng, tăng tổng cầu trong nước, hỗ trợ NLĐ, phát triển mạnh thị trường trong nước với việc tiếp tục miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, giãn nợ, khoanh nợ, giảm lãi suất, khuyến mãi, giảm giá, khuyến khích ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nghị quyết, kết  luận, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh; dứt khoát làm xong việc lập quy hoạch xong trong quý III và hoàn thành trong quý IV; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện chương trình phục hồi, 3 chương trình mục tiêu quốc gia; tập trung giải phóng mặt bằng, chuẩn bị nguyên vật liệu phục vụ các dự án, công trình trọng điểm; đẩy mạnh cải cách TTHC trong các cấp chính quyền; thành lập các tổ công tác, đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; chủ động, tích cực rà soát, có cơ chế phù hợp cho các dự án bất động sản, xây dựng, công nghiệp, thương mại trên địa bàn, có chính sách an sinh xã hội cho NLĐ; tăng cường kỷ luật, kỷ cương; xử lý các hiện tượng trì trệ bằng các biện pháp cán bộ.

Yêu cầu các bộ, ngành tích cực giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các địa phương tổng hợp từ báo cáo của 26 Tổ công tác của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương. Thủ tướng kêu gọi tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ và hành động quyết liệt của từng cá nhân, từng tập thể để tháo gỡ, xử lý các khó khăn, vướng mắc, đưa đất nước tiếp tục phát triển trong bất cứ hoàn cảnh nào, cố gắng quý sau tốt hơn quý trước, năm sau tốt hơn năm trước.

Minh Đức