Print

BHXH TP.Hà Nội: Từng bước gỡ khó để phát triển người tham gia BHXH, BHYT

Thứ Hai, 05 /06/2023 17:08

Tính đến hết tháng 5/2023, so với cuối năm 2022, số người tham gia BHYT ở Hà Nội tăng nhiều, song số người tham gia BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện đều giảm. BHXH TP.Hà Nội đang quyết tâm phát triển người tham gia BHXH, BHYT.

Cụ thể, tính đến hết tháng 5/2023, toàn TP.Hà Nội có 7.719.239 người tham gia BHYT, tăng 2.130 người so với cuối năm 2022 nhưng số người tham gia BHXH bắt buộc (1.978.250 người) đã giảm 4.512 người và số người tham gia BHXH tự nguyện (74.487 người) cũng giảm 528 người so với cuối năm 2022.

BHXH TP.Hà Nội nhận định, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng giảm số người tham gia BHXH (bắt buộc, tự nguyện), trong đó, nhiều DN phải cắt giảm lao động do không có đơn hàng, nhất là DN thuộc các ngành giày da, may mặc, kinh doanh bất động sản… khiến NLĐ không có việc làm, phải nghỉ việc, phải báo giảm đóng BHXH. Trong khi đó, đối với BHXH tự nguyện, hoạt động của Tổ chức dịch vụ thu PVI và Viettel chưa mang lại hiệu quả cao, việc phát triển người tham gia BHXH, BHYT còn hạn chế. 

Trong bối cảnh đó, 5 tháng đầu năm 2023, số người đề nghị hưởng BHXH một lần tại Hà Nội lên tới 15.743 người, tăng 1.261 người so với cùng kỳ năm 2022. Nếu năm 2020 có 32.147 người hưởng BHXH một lần, thì năm 2021 là 34.953 người; và năm 2022 là 34.155 người.

Theo BHXH TP.Hà Nội, do thực hiện giãn cách xã hội kéo dài để phòng chống dịch Covid-19, nên ảnh hưởng đến việc đi lại và làm các thủ tục giải quyết BHXH một lần, cũng vì thế số người đề nghị hưởng BHXH một lần trong năm 2022 giảm chút ít so với năm 2021. Nhưng, năm 2023, nhiều lao động bị mất việc trong thời gian đỉnh điểm dịch Covid-19 vẫn chưa tìm được việc làm ổn định, nên số người đề nghị giải quyết BHXH một lần tăng cao.

Thời gian qua nhiều NLĐ trong DN giải thể, phá sản, ngừng hoạt động đã giải quyết chế độ BHXH. BHXH thành phố đã thực hiện giải quyết chế độ BHXH và báo cáo Ban thực hiện chính sách BHXH đối với 3.601 trường hợp. Nhiều trường hợp NLĐ được xác định hưởng đúng quy định, nên không đưa vào danh sách báo cáo Ban thực hiện chính sách BHXH. Khi xác nhận quá trình tham gia BHXH của NLĐ, đơn vị vẫn hoạt động nên số lao động này đã được tách đóng BHXH để được hưởng quyền lợi...

Trước những khó khăn trên, BHXH Thành phố xác định thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để vực dậy, lấy lại đà tăng trưởng phát triển người tham gia BHXH, BHYT, tăng nhanh, bền vững số người tham gia và hoàn thành kế hoạch năm 2023. Cụ thể, từ nay đến cuối năm, Hà Nội phải phát triển thêm: 142.942 người tham gia BHXH bắt buộc, bình quân mỗi tháng 20.420 người; 22.996 người tham gia BHXH tự nguyện, bình quân mỗi tháng 3.285 người; 205.025 người tham gia BHYT, bình quân mỗi tháng 29.289 người.

Để đạt được những chỉ tiêu trên, BHXH Thành phố chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phải bám sát, đôn đốc quận, huyện, thị xã; các xã, phường, thị trấn, trường học thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Thành ủy, UBND Thành phố; tiếp tục bám sát các chỉ tiêu để thực hiện hiệu quả. Cùng với đó, giao chỉ tiêu cho từng viên chức; từng xã, phường, thị trấn; từng tổ chức dịch vụ thu; nắm sát tình hình bằng cách đánh giá kết quả thực hiện theo tuần, tháng. Khi phát hiện khó khăn phải tập trung giải quyết theo tinh thần mọi vướng mắc được tháo gỡ ngay từ cơ sở. Đặc biệt, phải triển khai các biện pháp linh hoạt để rà soát, phát triển người tham gia ở nhóm hộ kinh doanh cá thể, DN tư nhân trên địa bàn; Tổ chức truyền thông, vận động nhân dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình theo từng nhóm nhỏ. Phối hợp với Sở LĐ-TB&XH, Trung tâm giới thiệu việc làm để tư vấn, vận động người hưởng trợ cấp thất nghiệp tham gia BHXH tự nguyện. Mở rộng, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức dịch vụ Thu. Đồng thời, tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành chính sách, pháp luật BHXH, BHYT của các đơn vị, DN có dấu hiệu đóng chậm, đóng thiếu BHXH của NLĐ.

Mặc dù, hết tháng 5, Hà Nội có số người tham gia BHYT tăng 2.130 người so với cuối năm 2022, tăng 236.746 người so với cùng kỳ năm 202, thế nhưng hiện nay, công tác tuyên truyền, vận động người tham gia BHYT hộ gia đình vẫn gặp vướng mắc. Đó là, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “yêu cầu bỏ việc trình hộ khẩu, giấy tạm trú hoặc giấy xác nhận nơi cư trú khi người dân đi làm thủ tục hành chính”, song, trên thực tế, nếu không trình hộ khẩu, giấy tạm trú hoặc giấy xác nhận nơi cư trú thì rất khó xác định các thành viên trong cùng hộ gia đình- có nghĩa là không có cơ sở tính giảm trừ mức đóng BHYT cho người tham gia BHYT thứ 2,3,4… trong cùng hộ. Do đó, cần sớm kết nối dữ liệu dân cư để có cơ sở xác định việc giảm trừ mức phí BHYT cho các thành viên trong cùng hộ gia đình. Trên thực tế, việc giảm trừ mức phí cho nhiều người tham gia BHYT trong cùng hộ gia đình cũng là một yếu tố khá hấp dẫn, khuyến khích, phát triển người tham gia.

Châu Anh