Tăng cường hơn nữa kết nối cung cầu lao động
Thị trường lao động Việt Nam thời gian qua đã có một bước hình thành và phát triển tương đối nhanh chóng cả về cơ cấu, cả về quy mô, cả sự phát triển trong tương lai. Để thị trường lao động Việt Nam phát triển bền vững phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, nhất là việc kết nối cung cầu lao động…
Khắc phục lãng phí trong đào tạo nghề
ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) đặt câu hỏi về giải pháp khắc phục tình trạng lãng phí trong đào tạo trung cấp nghề; tỉ số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài tăng rất nhanh nhưng bị lừa đi xuất khẩu lao động dưới nhiều hình thức cũng khá nhiều, gây rất nhiều hậu quả nghiêm trọng.
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho hay, việc thu hút học sinh vào trường nghề không phải dễ. Gần đây, tại sao số học trung cấp nghề tăng lên là bởi chúng ta áp dụng một nguyên tắc, phương pháp mới là 9+ và mô hình Kosen của Nhật Bản- tức là học sinh sau khi tốt nghiệp THCS thì vào thẳng trường nghề. “Các em vừa học nghề, vừa học văn hoá, khi các em ra trường, vừa có bằng nghề, vừa có bằng tốt nghiệp THPT. Điều này có lãng phí không, chúng tôi cho rằng không lãng phí, việc chúng ta vừa học nghề, vừa học văn hoá sẽ rút ngắn thời gian và có lẽ thích ứng hơn, tạo điều kiện cho các em khi ra trường có thể đi làm luôn”- ông Dung nói.
Còn về việc số lao động của Việt Nam đi nước ngoài tăng nhưng có nhiều trường hợp bị lừa, ông Đào Ngọc Dung cho rằng, số lao động Việt Nam đi nước ngoài trong năm 2022 là 142.000 người. Số này đi theo Luật Người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài, được công ty, DN được cấp phép của Việt Nam đưa đi. Hiện nay có 482 doanh nghiệp được cấp phép và số lao động đi qua hình thức này thì ít bị lừa. Phần đông số bị lừa đều là do công ty ma, công ty không được cấp phép, hoặc lừa đảo, trá hình; những trường hợp này, Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp với cơ quan chức năng, địa phương xử lý rất nhiều. Một số trường hợp, công ty được cấp phép cũng lừa đảo, lừa đảo cả hai đầu (lừa đi và lừa đến). “Thời gian qua, chúng tôi đã xử lý, xử phạt nhiều. Trong năm 2022, thanh tra xử lý, xử phạt 62 DN, phạt tiền; 4 DN bị thu hồi giấy phép”- ông Đào Ngọc Dung cho biết.
Trả lời chất vấn của ĐB Trần Thị Thanh Hương (An Giang) về số lượng lao động được đào tạo nghề chưa đáp ứng nhu cầu, mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp bước vẫn còn nhiều bất cập, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian vừa qua, công tác tuyển sinh, giáo dục nghề nghiệp cũng có bước tiến bộ nhất định, đặc biệt, cách đây hơn 1 tháng, Ban Cán sự Đảng Bộ LĐ-TB&XH đã báo cáo với Ban Bí thư, tổng kết 10 năm công tác giáo dục nghề nghiệp và ngày 4/5/2023 Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 21 về đổi mới, phát triển giáo dục nghề nghiệp cho đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. “Chính vì vậy, điều mà chúng tôi quan tâm trong thời gian tới đây là đào tạo phải gắn với nhu cầu thị trường. Muốn làm được, chúng tôi chắc chắn phải làm quyết liệt hơn vấn đề dự báo cung- cầu. Và chỉ tiến hành đào tạo khi xác định được nhu cầu. Bên cạnh đó, các trường tiến hành liên kết, kết hợp cũng như đặt hàng được với DN. Có như vậy thì khi đào tạo ra mới có việc làm, tránh tình trạng đào tạo ra không có việc làm”- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Trả lời câu hỏi về việc có chồng chéo, trùng lắp trong đào tạo nghề không, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định là có. Các trường nghề hiện nay, về cơ bản đang thực hiện theo tinh thần đào tạo theo hướng tự chủ. Trừ một số ngành, nghề đào tạo chất lượng cao mà Nhà nước đặt hàng thì mới yêu cầu. Đương nhiên, tình trạng chung của các trường nghề hiện nay, tuyển sinh được thì đào tạo, chưa thực sự bám với nhu cầu, chưa bám thị trường. Đây là thực trạng nhức nhối. Do vậy, trong thời gian qua, 63 tỉnh thành cùng với Bộ LĐ-TB&XH đã quy hoạch lại mạng lưới này và sáp nhập lại các trường trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp theo nguyên tắc 3 trong 1, 2 trong 1 và một trường cao đẳng ở địa phương có thể đào tạo nhiều ngành nghề khác nhau.
Thu hút lao động chất lượng cao
ĐB Trần Quang Minh (Quảng Bình) nêu rõ vấn đề lao động, tiền lương, môi trường việc làm, cơ hội thăng tiến luôn được cán bộ, công nhân viên chức hết sức quan tâm. Tuy nhiên, gần đây, tình trạng cán bộ xin thôi việc ở Nhà nước sang làm ở lĩnh vực khác để cải thiện đời sống, tìm hiểu cơ hội mới, làm dấy lên lo ngại chảy máu chất xám ở lĩnh vực công. Do đó, ĐB đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp trong thời gian tới.
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu rõ, vừa qua, trong một phiên họp của Chính phủ đã đề cập đến việc này. Đồng thời, ông Dung cũng muốn để NLĐ cả khu vực công và khu vực tư ổn định thì việc quan trọng nhất là thu nhập, đời sống, việc làm phải ổn định; lương phải đủ sống, thu nhập phải đảm bảo cho bản thân và gia đình mình.
Liên quan đến chất vấn về chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030 của ĐB Nguyễn Thị Hà, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, về thị trường lao động, hiện có quy mô ở độ tuổi từ 15 trở lên là 55 triệu người, đến Quý 1/2023, số người tham gia thị trường lao động là 51,4 triệu người. Trong thị trường lao động này, nếu nhìn cả quá trình, thị trường lao động Việt Nam còn non trẻ, nhưng đã có bước hình thành và phát triển tương đối nhanh chóng cả về quy mô, chất lượng. Tuy nhiên, kỹ năng của lực lượng lao động còn thấp, số lao động qua đào tạo bằng nhiều hình thức khác nhau trên 70%, nhưng số có bằng cấp, chứng chỉ chỉ đạt hơn 26% (tính đến Quý 1/2023). “Các quốc gia trên thế giới họ không đánh giá qua chỉ số lao động qua đào tạo không có chứng chỉ mà chủ yếu đánh giá qua lao động được đào tạo qua chứng chỉ, bằng cấp. Nếu nhìn lại, chúng ta không phải quá thấp, nhưng thấp hơn so với các quốc gia đang phát triển. Đây là vấn đề cần phải quan tâm. Nhưng điều quan trọng hơn là trong thị trường lao động của chúng ta, cơ cấu về lực lượng lao động của chúng ta không cân đối, đặc biệt là lao động có trình độ cao đẳng, trung cấp, lao động có kỹ năng thì thấp.
Vấn đề này cần phải điều chỉnh trong thời gian tới. Trong thực tiễn, khi các nhà đầu tư đến Việt Nam, bao giờ cũng đặt vấn đề: Thứ nhất hạ tầng của chúng ta như thế nào, thứ 2 là nguồn nhân lực chất lượng cao có đáp ứng không. Hạ tầng thì cả quá trình phát triển, nhưng băn khoăn của các nhà đầu tư hiện nay là chú trọng vào nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong khi chúng ta lại thiếu hụt nguồn nhân lực này. Do vậy, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành các chính sách đào tạo nguồn nhân lực theo hướng hiện đại, linh hoạt, bền vững”- Bộ trưởng Dung nói.
V.Thu