Print

Vị ngọt chocolate và những lao động trẻ em nghèo

Thứ Ba, 06 /06/2023 15:03

Công nghiệp chocolate là một ngành kinh doanh béo bở với rất nhiều thương hiệu trị giá hàng tỷ USD trên toàn cầu. Tuy nhiên, đằng sau vẻ bóng bẩy bề ngoài che giấu một thực tế đáng thất vọng, đó là sự hiện diện của trẻ em trong lực lượng lao động trồng và khai thác cây cacao.

Lao động trẻ em hiện diện tại nhiều trang trại cacao trên khắp châu Phi nhưng phổ biến nhất là ở Ghana và Cotê d'Ivoire- hai quốc gia xuất khẩu hạt cacao lớn nhất. Tại đây, hơn 1,5 triệu trẻ em phải nghỉ học và làm việc trong lĩnh vực trồng, khai thác cây cacao. Mặc dù điều kiện làm việc khắc nghiệt, phải tiếp xúc với hóa chất độc hại và có trường hợp phải chịu những hình phạt vô nhân đạo, song không ít lao động trẻ em phải làm việc tới 100 giờ mỗi tuần. Lý do phổ biến nhất để thuê lao động trẻ em là mức lương rẻ mạt, thấp hơn nhiều lần so với mức lương của người trưởng thành. Ở Ghana, các em kiếm được khoảng 1 USD/ngày và ở Cotê d'Ivoire, con số này còn thấp hơn một cách đáng lo ngại. Đóng góp lớn vào công nghiệp chocolate toàn cầu nhưng nghịch lý là các em chỉ kiếm được khoảng 6% tổng lợi nhuận của ngành công nghiệp trị giá hàng tỷ USD này.

Mặc dù vậy, không thể phủ nhận, với sự cầu thị và tiến bộ, ngày càng có nhiều thương hiệu chocolate hướng tới việc xóa bỏ lao động trẻ em và cải thiện tiền lương cho NLĐ. Chẳng hạn Tony's Chocolonely, thương hiệu chocolate của Hà Lan. Ngay từ khi chuẩn bị ra mắt, thương hiệu đã khẳng định muốn hướng đến mục tiêu 100% không sử dụng lao động trẻ em. Hạt cacao của thương hiệu có thể dễ dàng truy xuất nguồn gốc vì họ chỉ làm việc với đối tác cố định cung cấp nguyên liệu. Bên cạnh các khoản lương cứng, NLĐ được hưởng phí bảo hiểm khoảng gần 350 USD. Hay 2 thương hiệu chocolate của Vương quốc Anh, Lucocoa và Tosier, luôn kêu gọi hạn chế, dẫn đến bài trừ lao động trẻ em. Họ mua nguyên liệu trực tiếp từ các trang trại của nông dân, có mối quan hệ bền chặt với nông dân và cung cấp cho nông dân mức lương đáng kể hơn so với các tập đoàn lớn.

Cũng có thể kể đến Beyond Good, thương hiệu chocolate của Mỹ, vừa cung cấp nguồn nguyên liệu cacao, vừa sản xuất chocolate ở Madagascar. Bằng hình thức này, Beyond Good không chỉ phát triển thương hiệu, mà còn cung cấp nhiều việc làm với thu nhập khá tốt trong nhà máy của mình cho người dân địa phương. Hơn nữa, họ còn hợp tác với Hiệp hội Động vật học Bristol để bảo vệ loài vượn cáo- có nguy cơ tuyệt chủng- được sinh sống an toàn trong trang trại cacao rộng 375 ha của mình. Còn thương hiệu Shahamana Farms and Chocolate (Ghana), vốn có chủ là một cựu lao động trẻ em hoạt động trong công nghiệp chocolate, kêu gọi người tiêu dùng hãy mua chocolate từ các thương hiệu làm việc trực tiếp với nông dân; đồng thời, nhấn mạnh sự cần thiết của việc bảo đảm thu nhập cho NLĐ để “lao động trẻ em sẽ chỉ còn là quá khứ".

Đã qua lâu rồi thời người tiêu dùng có thể lấy sự thiếu hiểu biết làm cái cớ để ủng hộ các thương hiệu phi đạo đức sử dụng nhân công rẻ mạt là lao động trẻ em. Người tiêu dùng nên sử dụng quyền của mình để gây “áp lực” lên các thương hiệu nói chung, thương hiệu chocolate nói riêng, để bắt buộc thay đổi: “Đầu tư một cách đạo đức là đầu tư vào tương lai của một đứa trẻ”.

Tùng Anh (Theo AsiaOne)