Print

Hà Nội sẽ kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ chính sách đối với lao động nữ

Thứ Tư, 07 /06/2023 17:24

Từ nay đến tháng 10/2023, LĐLĐ TP.Hà Nội sẽ chủ trì, phối hợp với các đơn vị chức năng kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ chính sách đối với lao động nữ tại các DN; khảo sát thực trạng đời sống và thực hiện quyền nuôi dưỡng, chăm sóc con nhỏ của lao động nữ di cư tại các KCN.

Theo đó, các cấp Công đoàn sẽ kiểm tra, giám sát tại các DN có đông lao động nữ; định hướng cho Ban Nữ công quần chúng Công đoàn cơ sở các DN, nhất là những DN có đông lao động nữ các nội dung có lợi hơn theo quy định của pháp luật, để tham mưu với Ban chấp hành Công đoàn cùng cấp trong thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể; báo cáo tình hình lao động nữ tại DN và kết quả thực hiện các quy định của Bộ Luật Lao động 2012; Luật BHXH 2014 và Nghị định 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ Luật Lao động…

Việc khảo sát thực trạng đời sống và thực hiện quyền nuôi dưỡng, chăm sóc con nhỏ của lao động nữ di cư, các cấp Công đoàn tập trung kiểm tra các vấn đề như: Điều kiện nhà ở, điều kiện chăm sóc, nuôi dạy con; dịch vụ nhà trẻ, trường học của con công nhân và dịch vụ công cộng khác; số lao động nữ nhập cư; số lao động nữ có con trong độ tuổi dưới 18 tuổi và dưới 6 tuổi; số lao động nữ đang sống cùng con, số lao động nữ gửi con về quê cho người thân chăm sóc, lý do gửi con về quê; số lao động nữ làm mẹ đơn thân, ly hôn; vấn đề nhà trẻ, mẫu giáo, trường học; các chính sách hỗ trợ của địa phương và DN; đời sống văn hóa, tinh thần.

Về điều kiện làm việc, các cấp Công đoàn sẽ khảo sát việc làm và thu nhập; thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi, ASXH; môi trường làm việc, điều kiện chăm sóc sức khỏe; mối quan hệ với lãnh đạo và đồng nghiệp; mong muốn trong tương lai; dự định tương lai; kiến nghị, đề xuất với DN, tổ chức Công đoàn, chính quyền địa phương.

Theo bà Đặng Thị Phương Hoa- Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TP.Hà Nội, cùng với sự phát triển của tổ chức Công đoàn Thủ đô, đội ngũ nữ CNVCLĐ ngày càng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng (với hơn 390 nghìn nữ CNVCLĐ; chiếm 57% tổng số CNVCLĐ ). Đáng chú ý, công tác nữ công và phong trào nữ CNVCLĐ được các cấp Công đoàn Thủ đô tích cực triển khai sâu rộng và đạt được nhiều kết quả thiết thực. Đến nay, 5.655/5.809 Công đoàn cơ sở đã đủ điều kiện đã thành lập Ban Nữ công quần chúng (chiếm 97,3%); trong đó, khu vực Nhà nước với 3.049 đơn vị (chiếm 100%); 2.606 đơn vị ngoài khu vực Nhà nước (chiếm 94,4%).

Ban Nữ công các cấp thường xuyên nắm bắt tâm tư tình cảm, nguyện vọng của nữ công nhân viên chức lao động trong đơn vị để tham mưu cho Ban Chấp hành Công đoàn tham gia, đề xuất những vấn đề liên quan đến lao động nữ và trẻ em; góp ý vào nội quy, quy chế cơ quan, đơn vị, DN, thỏa ước lao động tập thể. Nhờ đó, hàng chục nghìn lao động nữ nói chung, nữ đoàn viên Công đoàn nói riêng có thêm nhiều quyền lợi và phúc lợi trong công việc.

Thống kê cho thấy, năm 2022, trên 328.000 lao động nữ được khám sức khỏe định kỳ; hơn 300.000 lao động nữ được khám chuyên khoa phụ sản. Hơn 3.400 DN đưa được quy định phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc vào trong nội quy lao động. Trên 6.800 lao động nữ được tạm hoãn hợp đồng lao động khi mang thai, được giảm bớt 1 giờ làm việc hàng ngày; khoảng 6.000 lao động nữ được nghỉ khám thai nhiều hơn quy định.

“Để các quy định, chính sách đến được với nữ đoàn viên Công đoàn, Ban Nữ công thành phố đã xây dựng kế hoạch, chủ trì, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể đồng cấp tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách liên quan đến lao động nữ tại 979 DN có sử dụng lao động nữ. 4.006 Công đoàn cơ sở tự kiểm tra về việc thực hiện các chế độ chính sách có liên quan đến lao động nữ…”- Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TP.Hà Nội thông tin.

Hoàng Hằng