Print

Trên 75% người trưởng thành có tài khoản thanh toán ngân hàng

Thứ Hai, 19 /06/2023 09:32

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến nay đã có trên 75% người trưởng thành trên cả nước có tài khoản thanh toán ngân hàng.

Theo đó, NHNN cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2023, số lượng giao dịch thanh toán không tiền mặt (TTKDTM) tăng 52,8% về số lượng; qua kênh Internet tăng 83,76% về số lượng và 2,83% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 64,84% và 9,47%.

Đặc biệt, thanh toán qua phương thức QR code tăng trưởng ấn tượng nhất với hơn 161% về số lượng và 36,6% về giá trị. Ngược lại, thanh toán qua ATM giảm 3,5% về số lượng và 5,5% về giá trị. TTKDTM đạt hơn 7,59 tỷ giao dịch với giá trị đạt gần 219,5 triệu tỷ đồng.

Nhiều dịch vụ ngân hàng được thực hiện hoàn toàn trên kênh số với quy trình, thủ tục đơn giản, nhanh chóng. Các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng được thiết kế phù hợp cho người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa… Đến tháng 4 năm 2023, NHNN đã phối hợp với Bộ Công an hoàn thành xác thực hơn 25 triệu thông tin tín dụng khách hàng với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Tại Hội thảo “Kết nối dữ liệu, thanh toán thông minh- thúc đẩy phát triển xã hội”, ông Phạm Tiến Dũng, Phó thống đốc NHNN, cho rằng dữ liệu và việc phân tích, khai thác, kết nối dữ liệu là yếu tố quyết định tạo nên thành công của quá trình thúc đẩy TTKDTM và hoạt động chuyển đổi số trong ngành ngân hàng.

Theo ông Dũng, trong thời đại kỹ thuật số, dữ liệu có thể được sử dụng để hiểu, nắm bắt hành vi và xu hướng tiêu dùng của khách hàng, giúp các ngân hàng, DN xác định các cơ hội mới, đưa ra quyết định đúng đắn hơn và nâng cao hiệu quả hoạt động.

“Xác định rõ vai trò quan trọng của dữ liệu trong hoạt động ngân hàng cũng như mục tiêu, định hướng của Đề án 06, NHNN và các ngân hàng, các tổ chức trung gian thanh toán đã và đang tích cực triển khai việc ứng dụng, kết nối, chia sẻ và khai thác thông tin dữ liệu dân cư trong tất cả các hoạt động nghiệp vụ ngân hàng, đặc biệt là thanh toán và tín dụng nhằm đẩy mạnh phát triển TTKDTM, chuyển đổi số trong nền kinh tế”- ông Phạm Tiến Dũng nhấn mạnh.

Đồng tình, ông Phạm Anh Tuấn- Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN, cho rằng dữ liệu là đặc biệt quan trọng trong hoạt động của ngành ngân hàng. Việc kết nối dữ liệu giúp ngân hàng hiểu biết sâu sắc về hành vi của khách hàng, giúp bán chéo sản phẩm, đồng thời góp phần ngăn chặn hành vi gian lận lừa đảo, tăng cường công tác thông tin bảo mật…

Đánh giá hạ tầng thanh toán đã phát triển mạnh mẽ, bình quân thanh toán 40 tỉ USD/ngày, ông Tuấn cho rằng để thúc đẩy TTKDTM trong thời gian tới, NHNN đang kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác thực làm sạch dữ liệu. Bên cạnh đó, NHNN đang trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định về TTKDTM nhằm tạo ra hành lang pháp lý để thúc đẩy TTKDTM thời gian sắp tới. NHNN cũng đang sửa Thông tư hướng dẫn về cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Đặc biệt, ngành ngân hàng nâng cấp hạ tầng thanh toán quốc gia để phục vụ TTKDTM.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ- Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho biết Sở đã có nhiều giải pháp để khuyến khích các tiểu thương bằng chuyển đổi hệ thống thanh toán, xây dựng hệ thống thanh toán. Nhờ các tiện ích trong thanh toán mà hiện nay tại các chợ, việc TTKDTM khá phổ biến. Người bán và mua đều thấy thuận lợi hơn khi sử dụng các phương thức TTKDTM.

Ở góc độ bán lẻ, ông Nguyễn Anh Đức- Tổng Giám đốc Saigon Co.op, Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam - cho biết hiện nay tốc độ chuyển đổi của thanh toán không tiền mặt đang diễn ra nhanh chóng nhưng vẫn chưa thể theo kịp với tốc độ tăng trưởng của thị trường bán lẻ. Theo đó, 61% tỉ lệ người tiêu dùng Việt đã từng mua hàng qua livestream (cao nhất Đông Nam Á), 100% người mua hàng qua kênh này TTKDTM. Những con số này là dấu hiệu cho thấy sự thích ứng của người Việt đối với hình thức thanh toán mới, sẵn sàng chấp nhận một xã hội KDTM.

“Vấn đề hiện nay của Việt Nam là cần cải thiện cơ sở hạ tầng, đồng bộ các hệ thống thanh toán, quy định của pháp luật cũng phải nghiêm khắc hơn. Phần lớn người dân nông thôn vẫn có thói quen dùng tiền mặt do ngại tiếp xúc công nghệ, sợ rủi ro. Vì vậy, cần có những tác động mang tính chất chiều sâu hơn”- ông Nguyễn Anh Đức đề xuất.

T.Hà