Print

Vai trò quan trọng của việc phát triển BHXH, BHYT khu vực Tây Nguyên

Thứ Hai, 19 /06/2023 14:55

Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị về Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Tây Nguyên đã xác định: vùng Tây Nguyên có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước.

Phát triển Tây Nguyên nhanh, bền vững là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và là nhiệm vụ xuyên suốt, trọng tâm, có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển của các địa phương trong vùng và cả nước. Chính vì vậy, việc đảm bảo ASXH, trụ cột là BHXH, BHYT cũng đóng vai trò cực kỳ quan trọng.

Cà phê là cây trồng chủ lực phát triển kinh tế khu vực Tây Nguyên

Vùng Tây Nguyên bao gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng. Theo thống kê, dân số toàn vùng là trên 6 triệu người, trong đó, đông dân nhất là tỉnh Đắk Lắk với trên 1,9 triệu, Gia Lai có trên 1,56 triệu, Lâm Đồng có trên 1,32 triệu; Đăk Nông có trên 664.000 người, Kon Tum có trên 568.000 người.

Về quy mô LLLĐ, theo niên giám thống kê, Tây Nguyên có trên 3,5 triệu lao động từ 15 tuổi trở lên. Đắk Lắk cũng là địa phương đang có được số lao động trong độ tuổi lớn nhất trong vùng với trên 1,12 triệu; bên cạnh đó là Gia Lai với trên 915.000 người, Lâm Đồng với trên 778.900…

Về kinh tế, Tây Nguyên là vùng sản xuất một số sản phẩm nông sản chủ lực quy mô lớn, chiếm tỷ trọng cao, nhất là cây công nghiệp, cây ăn quả. Du lịch trong vùng cũng có bước phát triển khá, hình thành các chuỗi phát triển du lịch liên vùng, du lịch sinh thái- văn hóa hấp dẫn. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân trong giai đoạn vừa qua đạt gần 8%/năm.

Tình hình kinh tế- xã hội của vùng phát triển đã tạo thuận lợi đáng kể cho việc phát triển BHXH, BHYT. Cụ thể, tính đến hết năm 2022, tổng số người tham gia BHYT trong cả vùng đạt trên 5,29 triệu; bao phủ khoảng 90,48% dân số. Tỷ lệ tham gia BHXH đạt gần 15% LLLĐ, con số cụ thể là 435.956 người.

Xét ở từng địa phương, Lâm Đồng đang là tỉnh có tỷ lệ bao phủ BHYT tốt nhất với 93,11% dân số; tiếp theo đó là Kon Tum (92,75%), Đắk Nông (92%). Xét về quy mô thực tế số BHYT, Đắk Lắk hiện đang có trên 1,65 triệu người tham gia; tiếp theo đó là Gia Lai và Lâm Đồng lần lược có số tham gia là 1,3 và 1,2 triệu người.

Về BHXH, Kon Tum là địa phương đang có tỷ lệ tham gia BHXH tích cực nhất với khoảng 19,55% LLLĐ; sau đó là Gia Lai (17%), Lâm Đồng (15,27%). Xét về số người tham gia BHXH, Đắk Lắk có thế mạnh về phát triển kinh tế hơn, LLLĐ quy mô lớn hơn và cũng đang là địa phương có số người tham gia BHXH lớn nhất với 125.377 người. Bên cạnh đó là Lâm Đồng hiện đang có 108.722 người đang tham gia BHXH; Gia Lai có 96.063 người.

Như vậy, quy mô số người tham gia BHXH, BHYT từng tỉnh thuộc vùng Tây Nguyên cũng khá tương xứng với quy mô dân số, LLLĐ và thế mạnh phát triển kinh tế.

Minh Đức