Print

Bình Dương: Người tham gia BHXH đạt tỷ lệ cao trong lực lượng lao động

Thứ Sáu, 23 /06/2023 14:47

Ngày 23/6, Đoàn Giám sát của HĐQL BHXH do ông Trần Đình Liệu- Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam làm Trưởng đoàn đã thực hiện giám sát tình hình thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Tham gia Đoàn Giám sát tại UBND tỉnh Bình Dương có Lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam, Tổng LĐLĐ Việt Nam.

Báo cáo Đoàn Giám sát, đại diện UBND tỉnh Bình Dương cho biết, dân số toàn tỉnh hiện có khoảng 2,7 triệu người (trong đó dân số ngoài tỉnh chiếm khoảng 46%); lực lượng lao động khoảng 1,3 triệu người. BHXH tỉnh Bình Dương hiện đang quản lý thu hơn 20.200 đơn vị với gần 1 triệu lao động tham gia BHXH bắt buộc (trong đó tỷ lệ lao động thuộc khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm 61%, DN khu vực tư nhân trong nước là 32%, DN Nhà nước, hành chính sự nghiệp và khối khác là 7%). Tình hình lao động tại Bình Dương hàng năm dịch chuyển rất lớn (khoảng 60% tổng số lao động đang tham gia), mà nguyên nhân chính là do 80% là người lao động ngoài tỉnh; cơ cấu ngành nghề là công nghiệp nhẹ với số đông là lao động phổ thông thuộc các ngành nghề: dệt, may mặc, giày da, chế biến gỗ…

Phó Tổng giám đốc Trần Đình Liệu phát biểu tại buổi giám sát

Thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách BHXH, thời gian qua, BHXH tỉnh Bình Dương đã báo cáo, tham mưu cho Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND tỉnh xây dựng kế hoạch và chương trình hành động triển khai thực hiện; phối hợp với các Sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, cấp huyện trong tổ chức thực hiện pháp luật về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh cụ thể hóa bằng hệ thống các văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, BHXH tỉnh phối hợp chặt chẽ với Bưu điện tỉnh tổ chức các Hội nghị tuyên truyền, phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện; phối hợp với ngành Thuế để rà soát dữ liệu tham gia của đối tượng BHXH bắt buộc... song song với việc mở rộng hệ thống đại lý thu BHXH, BHYT đến từng khu phố, ấp; giao chỉ tiêu phát triển đối tượng cho từng viên chức, nhân viên.

Đến nay, mặc dù đã gần hết 6 tháng của năm 2023 nhưng nhiều DN trên địa bàn Bình Dương vẫn chưa có đơn hàng sản xuất nên số người tham gia còn giảm nhiều so với cuối năm 2022. Trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế thế giới, đến nay nhiều DN trên địa bàn vẫn chưa có đơn hàng sản xuất nên số người tham gia còn giảm hơn 40.000 người so với cuối năm 2022, tương ứng khoảng 4%.

Đại diện LĐLĐ tỉnh Bình Dương chia sẻ khó khăn của NLĐ

Ông Mai Hùng Dũng- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, các DN xuất khẩu ở Bình Dương bị ảnh hưởng nhiều bởi tình hình kinh tế. Trong đó, đơn hàng mới không có, nhiều đơn hàng cũ bị hủy, dẫn đến nhiều DN phải cắt giảm lao động, đặc biệt DN ngành gỗ, giày da, may mặc, là những ngành hàng chủ yếu ở Bình Dương, đang bị ảnh hưởng nhiều nhất. Một số DN giảm quy mô, giải thể hoặc tạm dừng sản xuất kinh doanh, cắt giảm nhân sự, không tuyển dụng nhân sự. Số lao động nghỉ không lương, mất việc làm tăng cao với hơn 36.000 người.

Theo BHXH tỉnh Bình Dương, trước tình hình trên, BHXH tỉnh đã chủ động chỉ đạo cán bộ nghiệp vụ nắm bắt thông tin về tình hình hoạt động của DN. Đồng thời, phối hợp cùng các đơn vị có liên quan khảo sát tại các DN và nghe các DN chia sẻ khó khăn xoay quanh một số vấn đề như: Vốn lưu động của các DN thiếu hụt nghiêm trọng do khách hàng gặp khó khăn nên chậm thanh toán hoặc đơn hàng đã hoàn thành nhưng khách hàng yêu cầu lùi thời gian xuất hàng so với kế hoạch dự kiến ban đầu, làm cho hàng hóa của DN bị ứ đọng, tồn kho nhiều. Các DN gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn vay, do lãi suất tăng cao; DN không còn tài sản đảm bảo cho việc cầm cố, thế chấp; phương án kinh doanh của DN không ổn định, vì chưa có đơn hàng xuất khẩu mới. Do các đơn hàng giảm mạnh, nên các DN phải tổ chức lại sản xuất, giảm giờ làm việc, ngừng việc, tạm hoãn, chấm dứt hợp đồng lao động…

Mặc dù gặp khó khăn, song báo cáo của UBND tỉnh Bình Dương cũng cho thấy có một số điểm sáng hy vọng. Theo báo cáo tình hình phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh Bình Dương thì giai đoạn 2021-2025, hàng năm tỉnh tạo thêm được khoảng 35.000 việc làm. Đặc biệt, việc đẩy mạnh thu hút đầu tư và mở rộng diện tích KCN (khởi công xây dựng KCN VSIP III với quy mô 1.000 ha, KCN Nam Tân Uyên mở rộng, Nhà máy của Tập đoàn LEGO đến từ Đan Mạch với vốn đầu tư 1 tỷ USD…) sẽ tạo thêm nhiều việc làm trong thời gian tới, thu hút nhiều lao động đến làm việc tại địa phương. Trường hợp kinh tế phục hồi, số lao động tham gia BHXH mới có thể đạt khoảng 50.000 người/năm.

Ngoài ra, việc thực hiện các chính sách hỗ trợ cũng giúp tỉnh Bình Dương phủ lưới an sinh. BHXH tỉnh đã phối hợp với UBMTTQ Việt Nam tỉnh Bình Dương để kêu gọi các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh hỗ trợ kinh phí và tổ chức tặng thẻ BHYT cho người dân có hoàn cảnh khó trên địa bàn tỉnh. Kết quả, tính đến cuối năm 2022 đã huy động được tổng số tiền gần 3,6 tỷ đồng để tặng 13.356 thẻ BHYT và 500 sổ BHXH cho người có hoàn cảnh khó khăn.

Ông Lê Đình Quảng trao đổi về việc phát triển người tham gia BHXH

Ông Lê Đình Quảng- Phó Trưởng Ban Chính sách- Pháp luật Tổng LĐLĐ Việt Nam đánh giá tỉnh Bình Dương có một số mặt nổi trội trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT. Trong đó tỷ lệ phát triển đối tượng tham gia BHXH rất cao, năm 2022 có hơn 84% người thuộc lực lượng lao động tham gia BHXH; sự phối hợp trong thực hiện BHXH, BHYT giữa các ngành trên địa bàn cũng khá tốt. Bên cạnh đó, ông Quảng cũng đề nghị tỉnh Bình Dương cần lưu tâm đề cập đến những vấn đề nóng trên địa bàn hiện nay như tình hình nhận BHXH một lần...

Ông Dương Văn Hào- Trưởng Ban Quản lý Thu, Sổ, Thẻ (BHXH Việt Nam) nhận định, tỉnh Bình Dương nằm trong top 5 các địa phương thu BHXH cao của cả nước, đặc biệt việc thu hút các DN FDI đầu tư diễn ra rất mạnh mẽ. Tỉnh Bình Dương cũng là một trong những địa phương đi đầu trong ứng dụng CNTT, việc CCHC trong lĩnh vực BHXH cũng được thực hiện khá tốt. Đối với việc giảm sút người tham gia BHXH tại Bình Dương trong những tháng đầu năm 2023, ông Hào đề nghị địa phương tiếp tục quan tâm chỉ đạo phát triển đối tượng, thực tế vẫn còn không ít DN chưa tham gia BHXH đầy đủ cho NLĐ. Ngoài ra, tình trạng nợ đọng, lạm dụng trục lợi BHXH, BHYT cũng phổ biến và cần phải đẩy mạnh phòng ngừa, phát hiện từ sớm để xử lý kịp thời.

Tại buổi giám sát, Đại diện Sở LĐ-TB&XH Bình Dương chia sẻ về tình trạng trục lợi quỹ BHXH khá phổ biến ở nhiều DN trên địa bàn. Trong khi đó, cơ quan chức năng thanh kiểm tra thì một số DN đối phó bằng nhiều hình thức, không thực hiện đầy đủ quyền lợi cho NLĐ. Về phí NLĐ cũng có tình trạng trục lợi, tình trạng NLĐ đang đi làm nhưng vẫn nộp hồ sơ hưởng BH thất nghiệp rất nhiều và chưa có giải pháp hiệu quả để chấn chỉnh. Ngoài ra, tình trạng mượn hồ sơ tư pháp của NLĐ hiện có rất nhiều và chưa thống kê chính xác được, tình trạng này vẫn kéo dài. Sở LĐ-TB&XH đã tiếp nhận nhiều đơn thư của NLĐ song chưa có giải pháp xử lý dứt điểm được.

Đại diện Công an tỉnh Bình Dương phát biểu tại buổi giám sát

Ông Đặng Tấn Đạt- Trưởng ban Chính sách- Pháp luật, LĐLĐ tỉnh Bình Dương cũng bức xúc cho rằng cần có sự chia sẻ với NLĐ đối với việc mượn hồ sơ. Theo ông Đạt đối với những vụ việc trước đây là chuyện quá khứ, cũng không thể cứ đổ hết lỗi cho NLĐ vì thực tế DN có biết chuyện này nhưng làm lơ. Vì vậy, cần có giải pháp phù hợp chứ ra tòa để xử lý thì rất phức tạp và hầu như không thể giải quyết được; riêng với các trường hợp sau này mượn hồ sơ thì quyết ngăn chặn sớm không cho xảy ra nữa. Ngoài ra, đại diện LĐLĐ tỉnh Bình Dương cũng bày tỏ sự bức xúc đối với tình trạng DN nợ đọng BHXH đã đẩy NLĐ vào con đường khó khăn, không hưởng được các chế độ liên quan…

Đối với tình trạng DN vi phạm về BHXH, chậm đóng BHXH, Đại diện Công an tỉnh Bình Dương cho biết, thực hiện Quy chế phối hợp, thời gian qua Công an và BHXH tỉnh đã mời các đơn vị làm việc. PA03 Công an tỉnh Bình Dương sẽ tiếp tục xác minh các hình thức vi phạm, trong đó có thể đưa ra xử lý hình sự đối với các trường hợp trục lợi quỹ BHXH.

Đại diện các đơn vị của BHXH Việt Nam phát biểu ý kiến

Thời gian qua, BHXH Bình Dương đã tăng cường xử lý dữ liệu để tiến hành thanh tra chuyên ngành, đột xuất; kiểm tra liên ngành, chuyên ngành; lập biên bản làm việc về nợ BHXH đối với những đơn vị chậm đóng kéo dài; phối hợp với ngành Công an mời các đơn vị chậm đóng làm việc, lập biên bản cam kết thanh toán. Kết quả sau 1 năm thực hiện Quy chế phối hợp từ tháng 6/2022 đến nay, hai ngành đã phối hợp làm việc, lập biên bản đối với 498 đơn vị nợ (tổng lao động là 17.327 người) trên địa bàn toàn tỉnh, tổng số tiền nợ là 168,4 tỷ đồng, thu hồi được số tiền nợ 81,9 tỷ đồng (có 344/498 đơn vị khắc phục tiền nợ), đạt tỷ lệ thu hồi là 48,67%.

Trong lĩnh vực BHYT, trao đổi với Đoàn giám sát, đại diện Sở Y tế và 2 cơ sở y tế trên địa bàn Bình Dương cho biết có một số vướng mắc, tồn tại trong thực hiện chính sách BHYT. Trong đó, có vấn đề thanh quyết toán, tạm ứng; một số cơ sở y tế vượt định mức, vượt tổng mức thanh toán... đến nay chưa được giải quyết dứt điểm.

Chia sẻ về tình hình thực hiện chính sách BHYT trên địa bàn tỉnh Bình Dương, ông Nguyễn Trung Quý- Phó Ban thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) cho rằng còn có những vấn đề tồn tại cần được quan tâm. Thống kê ở các cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn về nhiều chỉ số cho thấy có những bất thường. Một số cơ sở KCB có chi phí bình quân/lượt khám và chi phí bình quân/đợt điều trị tăng cao so với các năm, tỷ lệ chi phí tăng cao hơn nhiều so với tỷ lệ tăng số lượt. Một số nơi có tỷ lệ chi một số nhóm dịch vụ y tế bất thường, chẳng hạn tỷ lệ tái nhập viện rất cao, trong đó 10 đơn vị có người bệnh tái nhập viện cao nhất tỉnh thì có đến 8 đơn vị y tế tư nhân. Thống kê cho thấy có hàng loạt bệnh nhân tái nhập viện chỉ sau 1 ngày, 3 ngày. Theo ông Quý, tốc độ mở rộng y tế tư nhân diễn ra rất mạnh mẽ song cũng cần xem xét đến góc độ chất lượng KCB có tương xứng hay chưa.

Phát biểu tại buổi giám sát, ông Mai Hùng Dũng- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, 6 tháng đầu năm 2023 là thời điểm khó khăn nhất của Bình Dương trong nhiều năm trở lại đây khi tăng trưởng kinh tế thấp nhất từ trước đến nay. Các năm trước tỉnh phát triển thêm hàng chục ngàn lao động mỗi năm thì nay có dấu hiệu giảm sút lao động. Trong lĩnh vực BHYT, ông Dũng bày tỏ mong muốn HĐQL BHXH quan tâm đến một số vướng mắc, khó khăn, nhất là các tồn đọng về quỹ BHYT, một số cơ sở y tế vượt định mức… chưa được xử lý.

Ông Mai Hùng Dũng- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương phát biểu

Kết luận buổi làm việc, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu khẳng định HĐQL sẽ tập hợp những vướng mắc của địa phương để có xử lý. Đồng thời, địa phương cũng cần lưu ý những tồn tại, bất cập trong quản lý, sử dụng nguồn kinh phí KCB tại các cơ sở KCB BHYT; vấn đề thực hiện dự toán, tổng mức chi phí KCB BHYT. Trong thực hiện chính sách y tế, địa phương cân đối mạng lưới y tế, tăng cường y tế cơ sở, tránh tình trạng y tế tập trung quá nhiều ở một khu vực mà các khu vực khác lại không được đầu tư. Trong công tác quản lý quỹ BHYT, đề nghị ngành y tế, BHXH, công an địa phương cần tăng cường kiểm soát, tránh để xảy ra những vụ việc như các phòng khám tại Đồng Nai trong thời gian vừa qua...

Đối với việc bao phủ lưới an sinh, Phó Tổng Giám đốc cho rằng Bình Dương có nguồn lực ở địa phương rất lớn. Vì vậy cần chú trọng hơn nữa chính sách hỗ trợ về BHYT với người yếu thế, người neo đơn khó khăn, người cao tuổi, gia đình có mức sống trung bình... Bên cạnh đó, cần tăng cường truyền thông về BHXH, BHYT, đặc biệt BHXH địa phương cần chủ động phối hợp với LĐLĐ truyền thông tại cơ sở, DN, nhất là phối hợp với công đoàn cơ sở để tư vấn, đối thoại với DN, với NLĐ để tháo gỡ vướng mắc từ cơ sở…

Trần Đức