Có thật là trót lọt được hưởng, bị phát hiện “huề”?
Nhiều công nhân dù không có bệnh nhưng vẫn mua Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH (gọi tắt là GCN) để hợp thức chuyện nghỉ việc ở công ty và vẫn được thanh toán tiền cho ngày nghỉ việc. Họ vô tư nghĩ rằng trót lọt thì được hưởng, còn cùng lắm bị phát hiện thì “huề”. Nhưng nay họ buộc phải thay đổi lối suy nghĩ này.
DN nhiều bức xúc từ lâu
Để hợp thức hóa ngày nghỉ ở công ty, không bị trừ tiền chuyên cần, không bị trừ phép năm nhiều công nhân đã chọn giải pháp là mua GCN. Thời gian qua, tình trạng này phổ biến ở một số địa phương vùng Đông Nam bộ như Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM. Việc công nhân không ốm mà vẫn xin nghỉ rồi sau đó nộp GCN đã gây rất nhiều khó khăn cho DN trong việc sắp xếp lao động sản xuất, nhất là với các trường hợp nghỉ đột ngột DN “trở tay” không kịp. Thậm chí có người xin nghỉ ốm nhưng lại đồng thời đăng Facebook hoặc livestream đi du lịch.
GCN khống do công nhân mua tại một phòng khám
Ông Lê Nhật Trường, đại diện Công ty TNHH Pousung Việt Nam (tại Đồng Nai) bày tỏ sự bức xúc khi công nhân sử dụng GCN khống khiến cho quỹ BHXH bị thiệt hại, còn DN phải gồng gánh chi phí ngày công và không có cách xử lý khiến tình trạng này kéo dài và ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của DN.
“Một NLĐ đưa giấy tờ lên, họ muốn nghỉ một tuần thì 2 ngày đầu ghi đau bụng, 2 ngày sau nhức răng, 3 ngày sau hội chứng vai gáy; đặc biệt là hội chứng vai gáy rất khó xác định. Cứ có bệnh thì họ đưa giấy lên và chúng tôi phải giải quyết cho NLĐ. Thậm chí có chị công nhân trong công ty đưa lên Facebook số điện bán GCN, công nhân có nhu cầu muốn mua thì cứ liên hệ rất dễ dàng. Họ xem chuyện đó là rất bình thường, trong khi bản thân DN không thể kỷ luật họ. Chúng tôi chụp cả trang Facebook chị công nhân lại và đã phản ánh rất nhiều lần nhưng cũng không thể làm gì được.”, ông Trường chia sẻ.
GCN dùng để làm gì?
Theo quy định của Luật BHXH 2014 và Thông tư 56/2017/TT-BYT của Bộ Y tế quy định chi tiết thi hành Luật BHXH trong lĩnh vực y tế thì GCN là cơ sở để giải quyết các chế độ BHXH. GCN là loại giấy được cấp khi NLĐ nghỉ ốm. Tuy nhiên, không phải trường hợp nghỉ ốm nào cũng được cấp giấy. GCN phải do cơ sở KCB đã được cấp giấy phép hoạt động cấp. Người hành nghề làm việc tại cơ sở KCB này được ký GCN theo phân công của người đứng đầu cơ sở KCB đó.
Một cán bộ BHXH TP.HCM cho biết theo thực tế hồ sơ hưởng chế độ ốm đau, thai sản tiếp nhận thì phổ biến của GCN là hưởng chế độ ốm đau với các bệnh thông thường. GCN hưởng chế độ ốm đau trong trường hợp NLĐ hoặc con của NLĐ điều trị ngoại trú (theo khoản 1 Điều 100 Luật BHXH 2014). Trường hợp con bị ốm, cha hoặc mẹ có thể được nghỉ tối đa từ 15- 20 ngày tùy theo độ tuổi của con. Mỗi ngày nghỉ ốm như trên được quỹ BHXH chi trả 75% tiền lương.
GCN đối với chế độ thai sản, đối với trường hợp điều trị ngoại trú nếu lao động nữ đi khám thai, sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu, phá thai bệnh lý hoặc NLĐ thực hiện biện pháp tránh thai (theo khoản 2 Điều 101 Luật BHXH 2014). Với trường hợp NLĐ sảy thai, thông thường sảy thai dưới 5 tuần tuổi bác sĩ cho nghỉ khoảng 10 ngày; trên 5 tuần tuổi thường nghỉ 15- 20 ngày. Với chế độ thai sản, ngày nghỉ ốm NLĐ được quỹ BHXH chi trả 100% ngày lương kể cả ngày lễ và ngày nghỉ vẫn được tính hưởng chế độ trợ cấp.
Nhìn chung, việc quyết định số ngày nghỉ bác sĩ phải căn cứ vào loại bệnh và tình trạng sức khỏe của người bệnh nhưng tối đa không quá 30 ngày cho một lần cấp GCN. Chế độ ốm đau điều trị ngoại trú được chi trả 75% tiền lương cho mỗi ngày nghỉ; riêng chế độ thai sản được chi trả 100% tiền lương cho mỗi ngày nghỉ ốm và rơi vào ngày lễ, ngày nghỉ vẫn được thanh toán.
Mức xử lý sẽ như thế nào?
Căn cứ theo quy định hiện hành, tại khoản 1 Điều 40 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, về xử lý đối với hành vi vi phạm quy định về lập hồ sơ để hưởng chế độ BHXH, thì người mua GCN sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Vi phạm quy định về lập hồ sơ để hưởng chế độ BHXH thì bị phạt tiền từ 1-2 triệu đồng đối với hành vi kê khai không đúng sự thật hoặc sửa chữa, tẩy xóa làm sai sự thật những nội dung có liên quan đến việc đóng, hưởng BHXH, nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Khám xét tại phòng khám làm khống GCN
Trường hợp đối tượng mua GCN là tổ chức thì mức phạt tiền bằng 2 lần mức phạt nêu trên. Ngoài ra, theo khoản 3 Điều 40 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, người mua GCN có trách nhiệm nộp lại cho cơ quan BHXH số tiền đã nhận.
Mua GCN khống được xác định là hành vi vi phạm pháp luật và mức độ nặng có thể bị xử lý hình sự. Tùy vào tính chất và mức độ vi phạm mà người có hành vi mua GCN để sử dụng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội gian lận BHXH tại Điều 214 Bộ Luật Hình sự 2015.
Trong trường hợp NLĐ có hành vi dùng GCN khống nếu chiếm đoạt tiền BHXH từ 10 triệu đồng hoặc gây thiệt hại từ 20 triệu đồng trở lên đủ để cấu thành tội gian lận BHXH thì có thể bị phạt tiền từ 20 đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm tùy tính chất, mức độ vi phạm. Trường hợp nặng nhất sẽ bị phạt tù lên đến 10 năm.
Có ai mua GCN bị xử lý chưa?
Ngày 23/6, Công an huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) đã hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ vụ án sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức sang Viện kiểm sát cùng cấp đề nghị truy tố 8 bị can là công nhân tại 2 DN ở huyện Nhơn Trạch, theo khoản 1, Điều 341, Bộ luật Hình sự.
Theo kết luận điều tra, với mục đích khi nghỉ làm nhưng không bị mất tiền chuyên cần, không mất ngày nghỉ phép năm nên các công nhân đã mua giấy tờ giả.Từ 12/2021 đến tháng 2/2022, những công nhân này mua "Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH" của một người không rõ lai lịch qua mạng xã hội.
Sau khi mua được giấy, các bị can trên nộp về phòng nhân sự của công ty mình làm việc để xin nghỉ việc theo chế độ được hưởng BHXH. Tuy nhiên, nhóm người này chưa nhận được tiền chi trả nghỉ ốm từ cơ quan BHXH thì đã bị Cơ quan CSĐT Công an huyện Nhơn Trạch phát hiện, xử lý.
Trước đó, Công an TP.Biên Hòa, Đồng Nai đã khởi tố vụ án và tạm giam 19 người gồm bác sĩ, nhân viên y tế và người môi giới để điều tra tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Trong đó, những người này được xác định làm khống GCN để bán cho công nhân.
Như vậy, không chỉ người bán giấy, người môi giới mà người mua giấy cũng có thể vướng vòng lao lý. Cho nên NLĐ không thể cứ vô tư suy nghĩ rằng mua GCN trót lọt sẽ được hưởng, còn không khi bị phát hiện thì “huề”.
Trần Đức