Print

Tăng mức đóng BHYT theo lộ trình phù hợp với khả năng cân đối NSNN và chi trả người dân

Thứ Bảy, 24 /06/2023 16:11

Quốc hội yêu cầu tăng mức đóng BHYT theo lộ trình phù hợp với khả năng cân đối của NSNN và khả năng chi trả của người dân; nghiên cứu mở rộng danh mục dịch vụ KCB, danh mục thuốc, thiết bị y tế, vật tư y tế ở y tế cơ sở do quỹ BHYT chi trả tương ứng với mức tăng BHYT…

Chiều 24/6/2023, Quốc hội thông qua Nghị quyết giám sát chuyên đề về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng với 475/480 đại biểu tán thành (96,15% tổng số đại biểu).

Nghị quyết nêu rõ, đến ngày 31/12/2022, cả nước đã huy động được khoảng 230.000 tỷ đồng trực tiếp phục vụ công tác phòng, chống dịch và thực hiện các chính sách ASXH. Cụ thể NSNN là 186.400 tỷ đồng và viện trợ, tài trợ khoảng 43.600 tỷ đồng, trong đó đã huy động trên 11.600 tỷ đồng vào Quỹ Vắc-xin phòng Covid-19 để mua, nhập khẩu vắc-xin, hỗ trợ nghiên cứu, sản xuất vắc-xin phòng Covid-19; mua và tiếp nhận 259,3 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19, trong đó viện trợ, tài trợ gần 160 triệu liều, riêng viện trợ của Chính phủ các nước gần 150 triệu liều, trị giá khoảng 24.000 tỷ đồng.

Cùng với đó, đã miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất cho DN, hộ kinh doanh khoảng 451.000 tỷ đồng; giảm, hạ lãi suất cho vay đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khoảng 50.000 tỷ đồng; miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán qua ngân hàng khoảng 13.000 tỷ đồng; hỗ trợ trên 47.200 tỷ đồng từ Quỹ BHXH, Quỹ BH thất nghiệp cho NLĐ và người SDLĐ bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, việc ban hành văn bản để cụ thể hóa một số biện pháp đặc biệt, đặc cách, đặc thù quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 có nơi, có lúc chưa kịp thời, chưa đầy đủ, chưa thống nhất dẫn đến bị động, lúng túng, thiếu đồng bộ trong tổ chức thực hiện. Việc quản lý, sử dụng, thanh toán, quyết toán kinh phí phòng, chống dịch từ ngân sách nhà nước trong và sau giai đoạn cao điểm phòng, chống dịch còn chậm trễ, chưa giải quyết kịp thời, dứt điểm những khó khăn, vướng mắc phát sinh.

Tại Nghị quyết, Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện một nhiệm vụ và giải pháp như khẩn trương nghiên cứu, trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới Luật BHYT, Luật Dược, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Luật về thiết bị y tế, Luật ATTP và các luật liên quan đến y tế cơ sở, y tế dự phòng và tình trạng khẩn cấp. Xây dựng, hoàn thiện các đề án thực hiện nhiệm vụ được giao tại các văn kiện của Đảng liên quan đến lĩnh vực y tế cơ sở, y tế dự phòng. Bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng; các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành về mua sắm thuốc, thiết bị, vật tư y tế, hóa chất bảo đảm thống nhất với Luật Đấu thầu và Luật Giá.

Đồng thời, Chính phủ cũng khẩn trương rà soát, tổng hợp, phân loại và ban hành các văn bản hướng dẫn theo thẩm quyền để xử lý dứt điểm các tồn đọng, vướng mắc trong quản lý, sử dụng và thanh, quyết toán các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó tập trung xử lý việc thanh toán, quyết toán chi phí dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 theo khối lượng thực tế phát sinh đối với dịch vụ xét nghiệm theo cơ chế đặt hàng nhưng chưa có đơn giá đặt hàng hoặc chưa có hợp đồng đặt hàng.

Việc mua sắm thuốc, hóa chất, sinh phẩm, thiết bị, vật tư y tế và hàng hóa khác với số lượng cao hơn nhu cầu thực tế để dự phòng trường hợp dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp, phát sinh; việc sử dụng số thuốc, hóa chất, sinh phẩm, thiết bị, vật tư y tế đã mua từ NSNN cho KCB Covid-19 mà người bệnh không phải trả tiền chuyển sang khám KCB thông thường do người bệnh hoặc quỹ BHYT chi trả theo quy định hiện hành; vướng mắc trong thanh toán, quyết toán đối với việc mua sắm thuốc, hóa chất, sinh phẩm, thiết bị, vật tư y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 đã thực hiện dưới các hình thức tạm ứng, vay, mượn, huy động và tiếp nhận tài trợ, viện trợ từ ngày 1/1/2020 đến 31/12/2022.

Quốc hội cũng yêu cầu tăng mức đóng BHYT theo lộ trình phù hợp với khả năng cân đối của NSNN và khả năng chi trả của người dân; nghiên cứu mở rộng danh mục dịch vụ KCB, danh mục thuốc, thiết bị y tế, vật tư y tế ở y tế cơ sở do quỹ BHYT chi trả tương ứng với mức tăng BHYT. Giải quyết triệt để những vướng mắc trong việc thanh toán, quyết toán chi phí KCB BHYT…

V.Thu