Print

11 gia đình hiếm muộn đặc biệt khó khăn được miễn 100% chi phí "tìm con yêu”

Thứ Bảy, 24 /06/2023 22:01

BV Nam học và Hiếm muộn Hà Nội đã công bố và trao quyết định 11 ca thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) miễn phí 100% và các chương trình xét duyệt miễn phí khác trong khuôn khổ Chương trình Tuần lễ vàng– Ươm mầm hạnh phúc 2023.

Lễ công bố được BV Nam học và Hiếm muộn Hà Nội tổ chức trực tiếp và trực tuyến trên website, Fanpage của BV tối ngày 24/6/2023. Theo đó, BV chính thức nhận hồ sơ xét duyệt các gói hỗ trợ này từ ngày 19/4- 14/5/2023. Sàng lọc hàng trăm hồ sơ đăng kí xét duyệt của các cặp vợ chồng đến từ khắp các địa phương trên cả nước, cán bộ chuyên trách của BV cũng đã có các chuyến khảo sát, thẩm định thực tế tại từng gia đình nộp hồ sơ xét duyệt TTTON miễn phí để đảm bảo công bằng, thiết thực và nhân văn.

Theo kế hoạch, có 10 trường hợp được chọn TTTON miễn phí sẽ được BV hỗ trợ 100% chi phí thực hiện TTTON (bao gồm chi phí xét nghiệm, kích trứng, chọc trứng, tạo phôi, trữ phôi, chuyển phôi…), tương đương 100 triệu đồng tuỳ từng trường hợp. Đây là năm thứ 5 liên tiếp BV triển khai hỗ trợ miễn phí 100% chi phí thực hiện TTTON cho 10 cặp vợ chồng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Trong các ca được TTTON miễn phí từ năm 2019 đến nay, 90% các gia đình đã có tin vui và sinh con khỏe mạnh với 46 em bé chào đời, các gia đình còn lại đang chờ chuyển phôi cũng như nhận được sự hỗ trợ, theo dõi, hỗ trợ sát sao từ BV.

Đặc biệt, trong chương trình năm nay, Hội đồng chuyên môn BV Nam học và Hiếm muộn Hà Nội quyết định trao tặng thêm một gói hỗ trợ miễn phí 100% chi phí thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) cho gia đình chị Nguyễn Thị Hằng (1987) và anh Đinh Quang Tài (1985), quê ở xã Lâm Trung Thủy, Đức Thọ, Hà Tĩnh, nâng tổng số gia đình nhận hỗ trợ 100% chi phí thực hiện TTTON năm 2023 lên 11 gia đình. Đây là trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bố anh Tài tham gia kháng chiến và chịu ảnh hưởng chất độc màu da cam, 2 người anh của anh Tài đã mất do bị di chứng của chất độc hóa học này. Vợ chồng anh Tài bị khuyết tật vận động, đi lại khó khăn. Hiện tại, vợ chồng anh Tài sống cùng bố mẹ trong căn nhà nhỏ được xây dựng cơi nới nhờ vào chi phí họ hàng giúp đỡ. Kinh tế gia đình phụ thuộc chủ yếu vào tiền trợ cấp gần 5 triệu đồng/tháng do Nhà nước hỗ trợ. Bố mẹ già đau ốm quanh năm, số tiền trợ cấp ít ỏi không đủ trang trải cuộc sống nên anh Tài phải xin việc và đi làm cách nhà 14km để có thêm tiền lo cho gia đình. Kết hôn năm 2022 nhưng đến nay vợ chồng anh Tài vẫn chưa có con, song hoàn cảnh kinh tế quá khó khăn nên chưa thể đến BV thăm khám...

Hay trường hợp gia đình chị Hồ Thị Chính và anh Lê Đức Huy (Gio Linh, Quảng Trị), kết hôn từ năm 2018 nhưng đến nay vẫn chưa có con. Vợ chồng chị Chính sinh sống bằng nguồn thu nhập từ công việc làm thuê cạo mủ cao su (cạo 1000 gốc chị Chính được trả công 300.000 đồng) và đồng lương ít ỏi của anh Huy ở xã (hơn 2 triệu đồng/tháng). Chị Chính là em út trong gia đình có ba anh chị bị nhiễm chất động da cam (hai người đã qua đời). Dành dụm được số tiền ít ỏi, hai vợ chồng đi chạy chữa nhiều nơi để mong có con, từng thực hiện Thụ tinh nhân tạo- Bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI) năm 2021 nhưng không thành công... Trường hợp khác là gia đình chị Vi Thị Diện (1994) và anh Lương Văn Dược (1992), người dân tộc Thái (Thanh Hóa) cũng đặc biệt khó khăn với hành trình tìm con két dài gần 1 thập kỷ. Kết hôn từ năm 2014 đến nay nhưng vợ chồng anh chị vẫn chưa có con, kinh tế gia đình quá khó khăn là rào cản lớn trên hành trình chạm tay đến giấc mơ bế bồng con yêu... Gia đình cặp vợ chồng dân tộc Tày là chị Nguyễn Thị Mới (1995) và anh Lộc Xuân Anh (1995) quê Hà Giang cũng có hoàn cảnh gia đình thuộc diện hộ cận nghèo tại địa phương. Kết hôn năm 2020, vợ chồng chị Mới hiếm muộn gần 4 năm nhưng do điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn nên chưa có tiền đi thăm khám chạy chữa...

Ngoài ra, có rất nhiều gói hỗ trợ một phần chi phí sẽ được dành tặng cho những trường hợp cần can thiệp các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản chuyên sâu, phức tạp như sàng lọc phôi mang gen bệnh lý di truyền; vi phẫu tinh hoàn tìm tinh trùng-MicroTESE; nội soi thăm dò buồng tử cung...

ThS.BS.Lê Thị Thu Hiền, Giám đốc chuyên môn BV cho biết, trong quá trình thăm khám, BV tiếp nhận rất nhiều ca khó, hiếm muộn do nhiều nguyên nhân như vợ chồng mang gen bệnh lý hiếm, người chồng vô tinh, vợ chồng hiếm muộn lâu năm, sảy thai nhiều lần… Việc can thiệp hỗ trợ sinh sản cho những trường hợp này, cụ thể là thực hiện TTTON đòi hỏi thêm những kỹ thuật, quy trình phức tạp và tốn kém hơn so các trường hợp thông thường. Tuy kinh phí thực hiện các kỹ thuật không quá lớn nhưng sẽ tạo thêm áp lực cho bệnh nhân trong quá trình tìm kiếm đứa con của mình. Do đó, mở rộng các gói hỗ trợ này, BV mong muốn san sẻ phần nào áp lực kinh tế cho các gia đình với nhiều hoàn cảnh, nhiều nguyên nhân hiếm muộn khác nhau.

Các chuyên gia cũng chia sẻ: sự ra đời của các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản hiện đại như vi phẫu tinh hoàn tìm tinh trùng– MicroTESE, xét nghiệm di truyền tiền làm tổ, nội soi thăm dò buồng tử cung hay nuôi cấy và theo dõi phôi tự động nhờ tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) hỗ trợ đánh giá và lựa chọn chuyển phôi tối ưu… đã giúp nhiều trường hợp hiếm muộn tưởng chừng như vô vọng, cuối cùng cũng có được quả ngọt...

Thái An