Print

Điều tra, khởi tố các hành vi trốn đóng BHXH, BH thất nghiệp

Chủ nhật, 25 /06/2023 10:21

Đây là một trong những nội dung tại Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 5 vừa được Quốc hội thông qua.

Theo Nghị quyết, Quốc hội yêu cầu rà soát, hoàn thiện chính sách, pháp luật về giáo dục nghề nghiệp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm gắn với thị trường lao động theo hướng mở, liên thông, hiện đại, hội nhập và thích ứng. Tiếp tục hoàn thiện chính sách đào tạo nghề, ưu tiên cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, đồng bào DTTS, NKT và các đối tượng yếu thế.

Đến năm 2025, nâng chất lượng đào tạo của một số trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4, trong đó một số nghề tiếp cận trình độ các nước phát triển trên thế giới; phấn đấu nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt từ 28% đến 30%; thu hút 40- 45% học sinh tốt nghiệp THCS, THPT vào đào tạo trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp; đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho khoảng 25% lực lượng lao động; tỷ lệ lao động là người DTTS qua đào tạo nghề đạt 45%; tỷ lệ lao động có các kỹ năng số trình độ cơ bản đạt 80%.

Hoàn thiện chính sách, pháp luật để tạo nhiều cơ hội việc làm cho NLĐ, hạn chế tình trạng sa thải lao động, nhanh chóng đưa NLĐ quay trở lại thị trường lao động, khắc phục những hạn chế của chính sách BH thất nghiệp. Thúc đẩy tạo việc làm bền vững, SDLĐ hiệu quả thông qua các chương trình, đề án, chính sách tín dụng hỗ trợ tạo việc làm; sớm có giải pháp giảm dần tỷ lệ lao động làm việc trong khu vực phi chính thức. Trong quý III/2023, ban hành định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá dịch vụ tư vấn, giới thiệu việc làm sử dụng nguồn từ quỹ BH thất nghiệp. Theo dõi, thống kê đầy đủ, chính xác, kịp thời diễn biến của nền kinh tế và thị trường lao động để chủ động có giải pháp hỗ trợ kịp thời, bảo đảm an sinh xã hội, giảm bớt khó khăn cho NLĐ, người SDLĐ.

Đồng thời, Chính phủ hoàn thiện chính sách, pháp luật về BHXH, bảo đảm mở rộng, khuyến khích NLĐ, người SDLĐ tham gia BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân; khắc phục hiệu quả tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH và các hành vi gian lận, trục lợi khác, hạn chế tình trạng hưởng BHXH một lần; bảo đảm công tác quản lý, đầu tư quỹ BHXH an toàn, bền vững và hiệu quả. Đến năm 2025, phấn đấu đạt khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH; khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BH thất nghiệp. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền chính sách, ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong quản lý nhà nước và tổ chức thực hiện chính sách, chế độ về BHXH. Trong năm 2023, chỉ đạo rà soát, thống kê đầy đủ, giải quyết dứt điểm vướng mắc đối với số chủ hộ kinh doanh cá thể đã tham gia BHXH bắt buộc, các trường hợp thu, chi BHXH không đúng quy định, bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHXH; chủ động rà soát để kịp thời phát hiện, đề xuất giải pháp xử lý, giải quyết các trường hợp phát sinh khác chưa được pháp luật về BHXH quy định. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BH thất nghiệp theo đúng quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án Nhân dân tối cao chỉ đạo các cơ quan khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, nghiêm minh các hành vi trốn đóng BHXH, BH thất nghiệp theo đúng quy định của Bộ luật Hình sự, Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP ngày 15/8/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và các quy định của pháp luật có liên quan, bảo vệ quyền lợi của NLĐ.

Liên quan chính sách dân tộc, Quốc hội yêu cầu Chính phủ sớm hoàn thành việc rà soát, tổng hợp, sửa đổi, bổ sung danh sách thôn ĐBKK, xã khu vực I, II, III giai đoạn 2021- 2025; lập danh sách các xã đạt chuẩn NTM, các xã, thôn chia tách, sáp nhập hoặc cần phải điều chỉnh tên gọi, gắn với lộ trình sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đến năm 2025; trên cơ sở đó, đề xuất giải pháp cụ thể đối với việc phân định vùng đồng bào DTTS và miền núi theo trình độ phát triển, bảo đảm phù hợp với thực tiễn và các quy định hiện hành. Trong năm 2023, ban hành và triển khai thực hiện các quy định về cơ chế, chính sách đặc thù giải quyết ngay những khó khăn, vướng mắc từ việc phân định lại các thôn ĐBKK, xã thuộc khu vực I, II, III và các xã khó khăn, ĐBKK được công nhận đạt chuẩn NTM từ năm 2021 đến nay bị dừng thụ hưởng các chính sách hỗ trợ ASXH…

V.Thu