Print

Xây dựng Luật BHYT (sửa đổi): Cần sát thực tiễn, có tầm nhìn mang tính dự báo

Thứ Ba, 27 /06/2023 13:27

Sáng 27/6, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh chủ trì cuộc họp với các đơn vị nghiệp vụ của BHXH Việt Nam để nghe báo cáo về các nội dung góp ý hồ sơ đề nghị xây dựng Luật BHYT (sửa đổi).

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật BHYT- gọi tắt là Luật BHYT (sửa đổi) đang được Bộ Y tế lấy ý kiến sau nhiều lần sửa đổi, hiện đang tập trung vào 3 chính sách chính sau: Mở rộng bền vững đối tượng và quyền lợi của người tham gia BHYT; nâng cao hiệu quả quản lý và điều hành BHYT, trách nhiệm của cơ sở KCB, cơ quan BHXH; đảm bảo thống nhất, đồng bộ, chính xác, khả thi.

Dự thảo luật lần này có nhiều điểm mới so với dự thảo được Bộ Y tế xây dựng và lấy ý kiến từ năm 2020. Các nội dung được điều chỉnh trong dự thảo luật cũng thống nhất với một số điểm mới trong các luật liên quan như: Luật KCB, Luật Cư trú...

Theo đó, chính sách thứ nhất về mở rộng bền vững đối tượng và quyền lợi của người tham gia BHYT đề cập đến 4 nội dung cụ thể, đó là: Mở rộng bền vững đối tượng tham gia BHYT; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia BHYT; mở rộng phạm vi quyền lợi BHYT; mở rộng hình thức thanh toán trực tiếp.

Chính sách thứ hai về nâng cao hiệu quả quản lý và điều hành BHYT, trách nhiệm của cơ sở cung ứng dịch vụ y tế, cơ quan BHXH thể hiện trong một số quy định sau: Quy định rõ thẩm quyền và trách nhiệm giải quyết tranh chấp về BHYT; nâng cao hiệu quả giám định và kiểm soát thanh toán BHYT; thể hiện chính sách bảo hộ của Nhà nước với quỹ BHYT.

Chính sách thứ ba về đảm bảo thống nhất, đồng bộ, chính xác, khả thi của các quy định trong văn bản luật cũng đưa ra một số điểm mới. Cụ thể như: Nêu khái niệm BHYT hộ gia đình theo Luật Cư trú; thủ tục KCB BHYT được sửa đổi phù hợp với quy định của pháp luật về định danh và xác thực điện tử; bổ sung chức năng của tổ chức BHXH trong đề xuất, tham gia xây dựng chính sách; giao Chính phủ quy định chi tiết về hợp đồng KCB.

Tại cuộc họp, các đơn vị nghiệp vụ của BHXH Việt Nam đã phân tích những điểm mới, các nội dung sửa đổi trong dự thảo luật mới nhất của Bộ Y tế, đặc biệt là trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan BHXH trong thực hiện chính sách BHYT. Từ thực tế thực hiện chính sách, các đơn vị nghiệp vụ cũng dự báo những tác động ban đầu mà các điểm sửa đổi, bổ sung của dự thảo luật đang đặt ra...

Quan điểm được BHXH Việt Nam nhấn mạnh, đó là việc sửa đổi, bổ sung Luật BHYT phải đảm bảo nâng tầm hiệu quả quản lý, thực hiện hiệu quả chính sách BHYT; xác định rõ ràng vai trò, vị trí của từng chủ thể, cơ quan tham gia thực hiện chính sách. Do đó, Luật BHYT (sửa đổi) cần được xây dựng, phản biện dựa trên các bằng chứng và kinh nghiệm thực hiện chính sách trong thực tế, dự báo được các tình huống phát sinh trong tình hình mới...

Theo Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh, các ý kiến đóng góp của BHXH Việt Nam với Ban soạn thảo nhằm hướng tới xây dựng và thực hiện chính sách BHYT bền vững, công bằng. Cụ thể, dự thảo Luật BHYT (sửa đổi) cần đề ra các giải pháp mở rộng độ bao phủ BHYT có hiệu quả và phù hợp với thực tế. Đối với các điểm mới được sửa đổi, bổ sung cần có đánh giá cụ thể, đầy đủ tác động đến thực tế thực hiện chính sách BHYT cả trong hiện tại và dự báo dài hạn. Đây là điều kiện cần thiết để Luật BHYT (sửa đổi) đáp ứng kỳ vọng được xây dựng sát với thực tế, nâng tầm hiệu quả quản lý…

Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh cũng lưu ý, đối với vấn đề luôn được quan tâm trong thực hiện chính sách BHYT là chi trả chi phí KCB BHYT, đề nghị trong dự thảo luật cần làm rõ nội hàm công tác giám định chi phí KCB BHYT mà ngành BHXH Việt Nam đang thực hiện. Khái niệm hoạt động này cần được quy định cụ thể trong luật, phản ánh đúng nhiệm vụ, chức năng của cơ quan BHXH, đó là kiểm soát chi phí KCB BHYT trên cơ sở kiểm tra, kiểm soát, đối chiếu các yêu cầu thanh toán của cơ sở KCB với các quy định pháp luật, nhằm xác định chi phí thanh toán, quyết toán theo chế độ BHYT.

Thái An