Print

Eurostat: Thanh thiếu niên châu Âu phải đối mặt với nguy cơ nghèo đói cao

Thứ Ba, 27 /06/2023 16:18

Một nghiên cứu của Cơ quan thống kê của Liên minh châu Âu (Eurostat) cho thấy, thanh thiếu niên, trẻ em châu Âu phải đối mặt với nguy cơ nghèo đói cao hơn so với toàn bộ dân số lục địa này. Theo số liệu năm 2021, khoảng 20% người trong độ tuổi 15-29 có nguy cơ rơi vào cảnh nghèo đói, con số này là 17% đối với dân số EU nói chung. Kể từ năm 2010, tỷ lệ nghèo có nguy cơ của nhóm tuổi 15-29 vẫn cao hơn tỷ lệ chung của dân số.

Đặc biệt, Đan Mạch ghi nhận sự khác biệt lớn nhất, với 25,6% thanh thiếu niên, trẻ em có nguy cơ nghèo đói vào năm 2021 so với 12,3% tổng dân số. Ở chiều ngược lại, Latvia, Malta, Estonia, Croatia và Cộng hòa Séc có tỷ lệ trẻ em và thanh niên có nguy cơ nghèo đói thấp nhất châu Âu. Năm 2021, Romania (23,1%), Bulgaria (18,7%) và Hy Lạp (14,2%) có tỷ lệ thanh niên trong độ tuổi 15-29 thiếu thốn nghiêm trọng về vật chất và xã hội cao nhất (đối với dân số châu Âu nói chung, tỷ lệ này là khoảng 6%). Bên cạnh đó, 11/26 thành viên Liên minh châu Âu (EU) có tỷ lệ thanh thiếu niên, trẻ em có nguy cơ nghèo đói dưới 3%, bao gồm: Luxembourg, Ba Lan, Thụy Điển, Síp, Cộng hòa Séc, Hà Lan, Croatia, Slovenia, Phần Lan, Áo và Estonia.

Theo khảo sát của YPulse- một Nền tảng dành cho giới trẻ cho biết, lạm phát, chi phí năng lượng tăng, tăng trưởng thu nhập chậm và một số vấn đề về chuỗi cung ứng toàn cầu là những nguyên nhân ảnh hưởng đến “mức sống, cũng như thói quen chi tiêu, của giới trẻ châu Âu”, khiến tình trạng mất an ninh lương thực, nghèo đói và vô gia cư trở thành vấn đề nghiêm trọng hơn. Nhiều người trẻ châu Âu đang phải quen với việc thu nhập chỉ đáp ứng một số nhu cầu cơ bản trong cuộc sống của họ thay vì tất cả nhu cầu như trước đây.
Còn đối với trẻ em, Tổ chức cứu trợ Save the Children thông tin, tính đến tháng 3/2023, có hơn 200.000 trẻ em châu Âu phải đối mặt với nguy cơ nghèo đói, nâng tổng số trẻ em châu Âu có nguy cơ nghèo đói lên gần 20 triệu trẻ em. Hay nói cách khác, cứ 4 trẻ em thì có 1 có nguy cơ nghèo đói, phần lớn là do chi phí sinh hoạt tăng cao và tác động của đại dịch Covid-19. Cũng theo số liệu của Save the Children, năm 2021, có khoảng 2 triệu trẻ em Đức phải chịu cảnh nghèo đói. Romania và Tây Ban Nha ghi nhận số liệu thống kê tồi tệ nhất về trẻ em có nguy cơ nghèo đói hoặc “bị bỏ lại phía sau” lần lượt là 33,4% và 41,5%. Tỷ lệ này ít nghiêm trọng hơn ở Phần Lan và Đan Mạch với tỷ lệ 13,3% và 14%.

Ngoài ra, Save the Children lưu ý đặc biệt, cuộc xung đột ở Ukraine đã khiến giá lương thực tăng cao, ngày càng nhiều hộ gia đình khó đảm bảo nhu cầu lương thực hơn, ảnh hưởng trực tiếp đến trẻ em. Save the Children cảnh báo, “trẻ em có nguồn gốc di cư, người tị nạn, người xin tị nạn, không có giấy tờ tùy thân và không có thân nhân đi cùng là những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất”; “trẻ em sống trong hộ gia đình đơn thân, chỉ có cha hoặc mẹ, trong hộ gia đình đông con có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em khuyết tật, trẻ em dân tộc thiểu số cũng có nguy cơ nghèo đói cao”.

Để giải quyết vấn đề nghèo đói ở thanh thiếu niên, trẻ em châu Âu, Ủy ban Châu Âu (EC) và UNICEF bắt đầu một cam kết kéo dài 3 năm có tên là Chương trình Bảo đảm Trẻ em châu Âu Giai đoạn III tại 7 quốc gia trên khắp lục địa (Chương trình đã kết thúc vào tháng 4/2023). Nhấn mạnh tác động của Chương trình, UNICEF công bố: “Tại Bulgaria, Croatia, Hy Lạp và Italia, Chương trình đã tiếp cận được hơn 30.000 thanh thiếu niên, trẻ em và 16.000 người chăm sóc đối phó thuộc các nhóm dễ bị tổn thương, chẳng hạn như trẻ em khuyết tật, trẻ em sống trong hộ gia đình nghèo, trẻ em sống trong cơ sở chăm sóc và giáo dục đặc biệt, trẻ em tị nạn và di cư. Thanh thiếu niên, trẻ em tham gia Chương trình đã nhận được sự hỗ trợ dưới nhiều hình thức; trong đó có “chăm sóc, giáo dục mầm non; giáo dục, hoạt động thể chất và dinh dưỡng tại trường học; chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ kinh tế, các dịch vụ chăm sóc và bảo vệ hộ gia đình”.

Thông qua cam kết của các tổ chức và các Chính phủ, hy vọng rằng tình trạng nghèo đói ở thanh thiếu niên, trẻ em châu Âu có thể giảm bớt và thế hệ tương lai của châu Âu sẽ có một cuộc sống đủ đầy cả về tinh thần, vật chất, không bị nghèo đói đe dọa.

Tùng Anh (Theo UNICEF)