Print

Tiếp tục nghiên cứu các giải pháp đầu tư quỹ BHXH an toàn, bền vững và hiệu quả

Thứ Ba, 27 /06/2023 18:37

Chiều 27/6, tại Hà Nội, diễn ra Kỳ họp quý II năm 2023 của HĐQL BHXH. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc- Chủ tịch HĐQL chủ trì Kỳ họp. Tham dự Kỳ họp có Phó Chủ tịch thường trực HĐQL, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh; Phó Chủ tịch chuyên trách HĐQL Nguyễn Văn Cường; các Ủy viên HĐQL; các Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam: Trần Đình Liệu, Nguyễn Đức Hoà, Chu Mạnh Sinh; cùng đại diện một số đơn vị nghiệp vụ thuộc BHXH Việt Nam.

Phát biểu thông qua nội dung Kỳ họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc- Chủ tịch HĐQL nhấn mạnh, tại Kỳ họp này, HĐQL sẽ nghe báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2023, tình hình quản lý và điều hành của BHXH Việt Nam trong thời gian qua. Đồng thời, cùng nhau trao đổi, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; nêu ra các lưu ý cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo; cũng như các giải pháp, nhiệm vụ cần thực hiện từ nay đến cuối năm nhằm tiếp tục quản lý quỹ BHXH chặt chẽ, hiệu quả.

Theo đó, tại Kỳ họp này, các thành viên HĐQL thảo luận những vấn đề nổi bật như: Sửa đổi Khoản 3, Điều 7 Quyết định số 19 của Chính phủ về quyết toán chi phí liên quan đến quản lý BHXH, BHYT; hỗ trợ từ quỹ BH thất nghiệp; giải pháp khuyến khích người hưởng BHXH, BH thất nghiệp tiếp cận dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt; thực hiện rà soát tính pháp lý thu chi BHXH, BHYT qua DVC theo hướng đề xuất xây dựng, hoàn thiện luật nhằm đẩy mạnh ứng dụng CNTT; sắp xếp, xử lý tài sản BHXH; tình hình thực hiện các dự án đầu tư công; xây dựng CSDL, đẩy mạnh CCHC, chuyển đổi số; các khó khăn, vướng mắc trong góp ý sửa đổi Luật BHXH, Luật BHYT…; hoàn thiện Chiến lược ngành BHXH Việt Nam...

Báo cáo tại Kỳ họp, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh- Phó Chủ tịch thường trực HĐQL cho biết, tài liệu các nội dung cần xin ý kiến đã được Văn phòng HĐQL tổng hợp, báo cáo chi tiết gửi các thành viên HĐQL. Vì vậy, đề nghị các thành viên HĐQL góp ý theo từng nội dung cụ thể để BHXH Việt Nam tiếp tục tổ chức thực hiện nhiệm vụ hiệu quả, đạt được các mục tiêu đã đề ra trong năm 2023 và các năm tiếp theo.

Phó Chủ tịch chuyên trách HĐQL Nguyễn Văn Cường cũng báo cáo về các nội dung kỳ họp. Theo đó, thời gian qua, HĐQL đã rà soát chức năng, nhiệm vụ của mình trong Luật BHXH 2014 và các nghị định liên quan; từ đó đề xuất, xin ý kiến các thành viên cho ý kiến góp ý, sửa đổi các nội dung chưa phù hợp. Đồng thời, ông Nguyễn Văn Cường cũng nêu một số nội dung liên quan cơ chế tài chính của BHXH Việt Nam như sửa đổi trần đầu tư tối đa, có cơ chế chuyển đổi nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư quỹ; làm rõ hơn nữa chức năng uỷ quyền cho các tổ chức dịch vụ thu, chi; cũng như triển khai phần mềm hạch toán dòng tiền tự động.

Về việc chi trả các chế độ BHXH qua tài khoản cá nhân ATM, ông Nguyễn Văn Cường thông tin, hiện nay BHXH Việt Nam đã thực hiện nhiệm vụ này ở khu vực đô thị đạt trên 60%, nhưng chỉ tiêu chung của toàn quốc mới đạt khoảng 40%, vì vậy dư địa thực hiện mục tiêu này còn lớn. “Thời gian tới, cùng với việc nâng cấp hệ thống CNTT, triển khai Đề án 06, trong đó ứng dụng VNeID của Bộ Công an có tích hợp tất cả CSDL, trong đó có tích hợp CSDL của BHXH Việt Nam, thì việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt sẽ có bước phát triển nhanh. Từ nay, cần phấn đấu mỗi năm tăng thêm 10% để đạt 90% vào năm 2030. Tuy nhiên, việc chi trả các chế độ cho đối tượng trước năm 1995 và các tỉnh miền núi với hạ tầng CNTT còn thấp, nên sẽ gặp một số khó khăn, cần phải nghiên cứu để có giải pháp, lộ trình phù hợp”- ông Cường kiến nghị.

Về phát triển người tham gia BHXH theo Nghị quyết số 28-NQ/TW, đến năm 2025 phải phấn đấu đạt khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 2,5% lực lượng lao động trong độ tuổi, khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BH thất nghiệp và 55% số NLĐ sau khi nghỉ hưu được hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH; chỉ số đánh giá mức độ hài lòng về BHXH đạt 85%. Do đó, HĐQL yêu cầu BHXH Việt Nam tiếp tục rà soát và bám sát các chỉ tiêu, có kế hoạch, lộ trình triển khai để đạt được các chỉ tiêu trên. “Hiện nay, qua quá trình giám sát, một số tỉnh nếu tính tốc độ để đạt được là rất khó khăn, có tỉnh cần đạt bình quân mỗi năm trên 6% để về đích trong năm 2025”- ông Nguyễn Văn Cường thông tin thêm.

Ngoài ra, ông Cường cũng kiến nghị một số cơ chế đầu tư quỹ BHXH, phương án đầu tư năm 2023; cũng như công tác chuẩn bị cho gói hỗ trợ NLĐ gặp khó khăn từ quỹ BH thất nghiệp. Bên cạnh đó, đề xuất Chủ tịch HĐQL giao Văn phòng HĐQL BHXH xây dựng các quy định, quy trình cụ thể liên quan đến công tác kiểm tra, giám sát của HĐQL BHXH tại các địa phương để tạo thuận lợi và nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động này.

Tại Kỳ họp, các thành viên HĐQL đã đánh giá về tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ của BHXH Việt Nam; đồng thời cho ý kiến cụ thể vào từng nội dung báo cáo của BHXH Việt Nam. Các thành viên đã đánh giá cao kết quả BHXH Việt Nam đạt được trong thời gian qua, trong đó có nhiều lĩnh vực được đẩy mạnh như: Chuyển đổi số, ứng dụng CNTT, đi đầu trong cải cách TTHC, triển khai các DVC trực tuyến...

Tuy nhiên, các thành viên HĐQL cũng nhận định, hiện còn không ít khó khăn, thách thức trong thực hiện nhiệm vụ của ngành BHXH Việt Nam thời gian tới. Đáng chú ý, thị trường lao động suy giảm, tình trạng thất nghiệp hiện đang có xu hướng gia tăng sẽ ảnh hưởng lớn tới việc thực hiện chính sách BHXH, BH thất nghiệp. Bên cạnh đó, tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHYT và rút BHXH một lần vẫn tiếp diễn phức tạp, để lại nhiều hệ lụy, khiến nhiều NLĐ không đủ điều kiện nhận lương hưu, ảnh hưởng đến an sinh xã hội lâu dài…

Vì vậy, đề nghị BHXH Việt Nam cần có đánh giá tổng thể, chi tiết về những vấn đề này, đưa ra các giải pháp, trong đó phát huy hơn nữa vai trò của các đoàn thể từ Trung ương đến địa phương trong tiếp cận tuyên truyền, vận động người dân, NLĐ tham gia BHXH, BHYT một cách bền vững. Đặc biệt, cần hướng tới các nhóm còn nhiều “dư địa” như nông dân, xã viên HTX; tham gia tích cực hơn nữa vào quá trình xây dựng, sửa đổi Luật BHXH, Luật BHYT để có căn cứ pháp lý, hạn chế các bất cập, vướng mắc trong thực hiện chính sách; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phối hợp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm…

Phát biểu kết luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc- Chủ tịch HĐQL BHXH đánh giá cao công tác chuẩn bị cho Kỳ họp của Văn phòng HĐQL và BHXH Việt Nam với thông tin, dữ liệu đầy đủ để các thành viên HĐQL kịp thời nghiên cứu và có những ý kiến đóng góp tích cực, hiệu quả. Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng nhất trí với những ý kiến của các thành viên HĐQL và yêu cầu Văn phòng HĐQL tiếp thu, tổng hợp để gửi các thành viên và đơn vị liên quan nghiên cứu, triển khai.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của chính sách BHXH, BHYT, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc yêu cầu, thời gian tới, toàn ngành BHXH Việt Nam cần tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, vượt qua khó khăn, phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ được Chính phủ giao và kế hoạch mà HĐQL đã ban hành. Theo đó, đối với lĩnh vực đầu tư quỹ cần tiếp tục nghiên cứu các giải pháp trên nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả. Trong ứng dụng CNTT và chuyển đổi số cần tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, trong đó xây dựng CSDL ngành BHXH Việt Nam gắn với chia sẻ, kết nối liên thông với CSDL dân cư theo nguyên tắc “sống, sạch, đủ, chính xác”, qua đó góp phần quản lý, điều hành, phát hiện các gian lận, trùng lắp trong đóng hưởng BHXH, BHYT.

Bên cạnh đó, cần chuẩn bị tốt cơ sở hạ tầng CNTT, xây dựng các giải pháp vận động, khuyến khích người nhận các chế độ BHXH, BH thất nghiệp qua phương thức thanh toán không dùng tiền mặt theo chỉ đạo của Chính phủ, phấn đấu đến hết năm 2025 tăng 10% người sử dụng và đạt mục tiêu 90% chi trả chế độ an sinh qua thanh toán không dùng tiền mặt vào năm 2030. Đồng thời, tiếp tục đóng góp ý kiến xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật BHXH, BHYT, đặc biệt quan tâm nghiên cứu, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để góp ý sửa Luật BHXH, Luật BHYT, tạo thuận lợi trong triển khai thực hiện thời gian tới và đáp ứng yêu cầu thực tiễn xã hội.

Về dự toán ngân sách và thanh quyết toán, BHXH Việt Nam cần thực hiện công khai, đảm bảo sự minh bạch; xây dựng dự toán sát với tình hình thực tế và có báo cáo thường xuyên về HĐQL để các thành viên theo dõi, nắm bắt. Đối với thanh quyết toán chi phí KCB cần chủ động nghiên cứu và đưa ra các giải pháp giải quyết những tồn tại để xử lý sớm, tránh kéo dài; nội dung vượt thẩm quyền của BHXH Việt Nam cần báo cáo ngay các cơ quan có thẩm quyền.

“Đặc biệt, xây dựng giải pháp ngăn ngừa trục lợi BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; tăng cường vận động phát triển người tham gia BHXH, BHYT trong bối cảnh khó khăn; thông qua việc thực hiện chế độ, chính sách để đánh giá “sức khoẻ” DN và NLĐ, những tác động đến ngành BHXH Việt Nam nói riêng, an sinh xã hội nói chung. Qua đó, xây dựng các giải pháp đảm bảo hoàn thành được các mục tiêu, nhiệm vụ đã đặt ra, góp phần đảm bảo an sinh xã hội...”- Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.

Thủy Hà