Print

WHO cảnh báo tiếp tục thận trọng với COVID-19

Thứ Tư, 28 /06/2023 20:36

Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại châu Âu, ngày 27/6, khuyến cáo nguy cơ từ COVID-19 còn hiện hữu khi khu vực này vẫn ghi nhận khoảng 1.000 ca tử vong liên quan mỗi tuần.

Ngày 5/5, WHO đã tuyên bố đại dịch COVID-19 không còn là tình trạng khẩn cấp về y tế gây lo ngại trên toàn cầu (PHEIC), vốn là mức cảnh báo cao nhất của tổ chức này. Tuy nhiên, Giám đốc khu vực châu Âu của WHO Hans Kluge nói rằng dù thế giới không còn trong tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng do COVID-19 nhưng nguy cơ từ căn bệnh này vẫn đang tiềm ẩn. Ông cảnh báo, hàng tuần WHO vẫn ghi nhận gần 1.000 ca tử vong mới liên quan virus SARS-CoV-2 trên toàn khu vực, thậm chí con số nói trên cũng chưa phản ánh đúng thực tế vì việc thống kê và báo cáo của các nước không còn được thường xuyên như trước.

Cùng với lời khuyến cáo, Hans Kluge thúc giục các nước cần đảm bảo tỷ lệ bao phủ vắc xin đạt ít nhất 70% đối với những nhóm dễ bị tổn thương.

Ông cũng trích dẫn ước tính của Văn phòng WHO tại châu Âu rằng cứ 30 người trong khu vực thì có 1 người mắc các triệu chứng dai dẳng liên quan Hội chứng COVID kéo dài (Long COVID) trong 3 năm qua, tương đương với khoảng 36 triệu người. Hội chứng này đến nay vẫn được cho là "một tình trạng phức tạp mà khoa học vẫn chưa hiểu được nhiều".

Giám đốc Kluge cho rằng chỉ khi giới chức y tế và các nhà khoa học phát triển phương pháp chẩn đoán và điều trị toàn diện đối với Long COVID thì nhân loại mới thực sự phục hồi sau đại dịch này. Ông kêu gọi cần nỗ lực nghiên cứu sâu rộng về Hội chứng.

WHO châu Âu cũng kêu gọi nâng cao cảnh giác trước sự bùng phát trở lại của bệnh mpox (đậu mùa khỉ) và nguy cơ từ các đợt nắng nóng cực đoan.

Trong một diễn biến liên quan, Văn phòng Giám đốc Tình báo quốc gia (ODNI) của Mỹ ngày 23/6 công bố một báo cáo được giải mật về cuộc điều tra nguồn gốc COVID-19 của các cơ quan tình báo nước này. Báo cáo dài 4 trang của ODNI cho hay cộng đồng tình báo Mỹ không thể loại trừ khả năng SARS CoV-2 xuất phát từ phòng thí nghiệm, nhưng họ cũng không thể tìm ra nguồn gốc COVID-19.

"Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) và một cơ quan khác vẫn không thể xác định nguồn gốc chính xác của đại dịch COVID-19, vì cả hai giả thuyết (liên quan tự nhiên và phòng thí nghiệm) đều dựa trên các giả định, hoặc gặp nhiều thách thức do các báo cáo có mâu thuẫn với nhau", trích báo cáo của ODNI.

Báo cáo nhấn mạnh, mặc dù nghiên cứu đã được tiến hành trên virus corona tại Viện Virus học Vũ Hán (WIV) ở Trung Quốc, các cơ quan tình báo Mỹ đã không tìm thấy bằng chứng về một sự cố cụ thể có khả năng đã dẫn đến sự bùng phát của COVID-19.

"Chúng tôi vẫn không thấy có dấu hiệu nào chứng tỏ các nghiên cứu trước đại dịch của WIV bao gồm SARS CoV-2... và cũng không có bằng chứng trực tiếp nào cho thấy một sự cố liên quan đến nghiên cứu cụ thể đã xảy ra, liên quan đến nhân viên WIV trước đại dịch, có thể đã gây ra COVID-19", báo cáo của ODNI nêu rõ.

Nguồn gốc COVID-19 từng là một chủ đề tranh luận nóng bỏng ở Mỹ ngay từ khi những ca nhiễm COVID-19 đầu tiên được báo cáo ở thành phố Vũ Hán của Trung Quốc vào cuối năm 2019. Hồi cuối tháng 2, Giám đốc Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) Christopher Wray thừa nhận có lúc cơ quan này đã đánh giá nguồn gốc của đại dịch "rất có thể là một sự cố phòng thí nghiệm tiềm tàng" ở thành phố Vũ Hán. Phía Trung Quốc khẳng định những tuyên bố như thế "không có chút đáng tin cậy nào".

Hoàng Dương