Print

Ngành năng lượng toàn cầu phát thải CO2 cao kỷ lục

Thứ Năm, 29 /06/2023 08:25

Mức phát thải CO2 từ ngành năng lượng thế giới đã được ghi nhận ở mức cao kỷ lục trong năm 2022- một xu hướng đi ngược lại những cam kết mà các nước đã nhất trí trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015.

Cảnh báo trên được đưa ra trong một nghiên cứu công bố ngày 26/6 có tựa đề Đánh giá Thống kê về Năng lượng Toàn cầu, do Viện Năng lượng có trụ sở tại Anh tiến hành với sự tham vấn của Hãng tư vấn quản lý toàn cầu của Mỹ Kearney và công ty kiểm toán quốc tế toàn cầu KPMG. Trong nghiên cứu, các tác giả cũng đề cập những tác động "tồi tệ chưa từng có" do biến đổi khí hậu.

"Mức phát thải CO2 từ việc sử dụng năng lượng, quá trình công nghiệp, hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch và khí metan... tiếp tục tăng ở mức cao mới và đạt 0,8% trong năm 2022", báo cáo cho biết.

Từ các số liệu thống kê, nghiên cứu chỉ ra mức tiêu thụ năng lượng sơ cấp (năng lượng gốc) đã tăng khoảng 1% trong năm 2022 so với mức của năm 2021, và tăng tương đương gần 3% so với năm 2019 - thời điểm trước khi xảy ra đại dịch Covid-19. Nhiên liệu hóa thạch vẫn chiếm chủ đạo với mức tiêu thụ chiếm đến 82% cho dù các nguồn năng lượng tái tạo đã được đưa vào sử dụng.

Nhu cầu tiêu thụ năng lượng trong hoạt động vận tải tiếp tục gia tăng mặc dù mức tiêu thụ của Trung Quốc thấp "đáng kể" do tác động của chính sách "Không Covid" mà nước này đưa ra.

Chủ tịch Viện Năng lượng Juliet Davenport cảnh báo ngành năng lượng đang có xu hướng đi "ngược lại" các mục tiêu mà Hiệp định Paris đã đặt ra. Bà chỉ ra năm 2022 đã chứng kiến một số tác động tồi tệ nhất từ trước đến nay do biến đổi khí hậu, chẳng hạn tình trạng lũ lụt nghiêm trọng đã khiến cuộc sống của hàng triệu người ở Pakistan bị ảnh hưởng trong khi nắng nóng kỷ lục hoành hành khắp châu Âu và Bắc Mỹ. Một phân tích do Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu thực hiện kết luận năm 2022 là “một năm khí hậu cực đoan”.

"Bất chấp sự tăng trưởng mạnh mẽ trong việc sử dụng năng lượng gió và mặt trời để sản xuất điện, mức phát thải khí nhà kính do tiêu dùng năng lượng hóa thạch trên phạm vi toàn cầu gia tăng trở lại. Chúng ta vẫn đang đi ngược lại những cam kết mà Hiệp định Paris đề ra", bà nói.

Theo ông Richard Forrest, Chủ tịch Viện nghiên cứu chuyển đổi năng lượng thuộc hãng Kearney, sự gia tăng phát thải khí nhà kính cho thấy "sự cần thiết phải hành động khẩn trương để đưa thế giới quay trở lại lộ trình đáp ứng được các mục tiêu của Hiệp định Paris".

Các nước Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 đã cam kết đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050, đồng thời đặt mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu không quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Biến đổi khí hậu là vấn đề được quan tâm từ lâu nhưng đến nay các nước vẫn chưa có hành động thật sự mang đến bước ngoặt. Vào những năm 1800, các nhà khoa học đã phát hiện hiệu ứng nhà kính gây nên tình trạng ấm nóng toàn cầu, và khí phát thải carbon dioxide (CO2) được tạo ra qua quá trình đốt than có thể làm gia tăng hiệu ứng này. Đến thập niên 1970, các nhà nghiên cứu tiến hành đo đạc khí phát thải và cảnh báo nhiệt độ Trái đất có thể ấm lên từ 0,5 đến 5 độ C vào giữa thế kỷ 21.

50 năm sau, đại đa số các nhà khoa học nhất trí rằng nhiệt độ trung bình toàn cầu đã cao hơn 1 độ C so với thời điểm cuối thập niên 1800 và gia tăng với tỷ lệ 0,2 độ C trong mỗi thập niên kể từ 1970. 

Hoàng Dương