Print

Kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm 2023: Tăng trưởng chậm nhưng ổn định

Thứ Năm, 29 /06/2023 13:29

"Mặc dù kinh tế toàn cầu vẫn đang tiếp tục trải qua giai đoạn khó khăn, thách thức, song kinh tế-xã hội nước ta trong 6 tháng đầu năm 2023 vẫn đạt những kết quả tích cực như: Kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được đảm bảo, lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp…"- thông tin tại buổi họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế-xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2023.

GDP quý II gần thấp nhất trong 13 năm

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II/2023 ước tính tăng 4,14% so với cùng kỳ năm trước- dù vậy con số này chỉ cao hơn tốc độ tăng 0,34% của quý II/2020 trong giai đoạn 2011-2023. Tính chung 6 tháng đầu năm, GDP tăng 3,72%, chỉ cao hơn tốc độ tăng 1,74% của 6 tháng đầu năm 2020. Trong tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế, khu vực dịch vụ dù chỉ tăng 6,33%, nhưng đóng góp 78,85% mức tăng của nền kinh tế.

Trong đó, nhóm dịch vụ lưu trú và ăn uống có mức tăng cao nhất (15,14%); bán buôn, bán lẻ tăng 8,49%; vận tải, kho bãi tăng 7,18%; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,13%. Khu vực nông-lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,07%, đóng góp 9,28%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 1,13%, đóng góp 11,87%. Về cơ cấu nền kinh tế, khu vực nông-lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,32%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 36,62%; khu vực dịch vụ chiếm 43,25%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,81%.

Sản xuất nông- lâm nghiệp và thủy sản quý II và 6 tháng đầu năm 2023 phát triển ổn định. Sản xuất nông nghiệp diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi cho cây trồng sinh trưởng và phát triển. Sản lượng một số cây lâu năm chủ yếu tăng so với cùng kỳ năm trước. Chăn nuôi gia cầm phát triển ổn định do tình hình dịch bệnh được kiểm soát. Sản xuất lâm nghiệp đẩy mạnh công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng, thu hoạch gỗ đến kỳ khai thác. Hoạt động nuôi trồng thủy sản đạt kết quả khả quan do áp dụng mô hình nuôi tôm đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả cao.

Sản xuất công nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn khi đơn hàng giảm, sức cầu yếu, chi phí đầu vào tăng cao. Tốc độ tăng giá trị tăng thêm của sản xuất công nghiệp trong quý II ước tính đạt 1,61% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 0,44% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 0,37%.

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý II cũng cho thấy không ít DN vẫn khá lạc quan về triển vọng phát triển trong năm nay. Có 27,5% số DN đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn so với quý I; 36,7% số DN cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và 35,8% số DN đánh giá gặp khó khăn. Dự kiến trong quý III có 34,3% số DN đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý II; 38,3% số DN cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định và 27,4% số DN dự báo khó khăn hơn.

Sản xuất và dịch vụ tiếp tục đà phục hồi

Một trong những tín hiệu lạc quan của tháng 6/2023 là tình hình đăng ký DN có xu hướng tăng. Cụ thể, cả nước có 13,9 nghìn DN thành lập mới với số vốn đăng ký 138,7 nghìn tỷ đồng và 103,9 nghìn lao động, tăng 14,9% về số DN, tăng 33,7% về vốn đăng ký và tăng 39,2% về số lao động so với tháng 5. So với cùng kỳ năm trước, tăng 4,8% về số DN, tăng 14,6% về số vốn đăng ký và tăng 34,7% về số lao động.

Tuy nhiên, tính chung 6 tháng đầu năm 2023, những con số tương ứng chưa được như kỳ vọng. Theo đó, cả nước có 75,9 nghìn DN đăng ký thành lập mới với tổng số vốn 707,5 nghìn tỷ đồng và gần 509,9 nghìn lao động- tương ứng giảm 0,5% về số DN, giảm 19,8% về vốn đăng ký và giảm 1% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký bình quân một DN thành lập mới trong 6 tháng đầu năm đạt 9,3 tỷ đồng, giảm 19,4% so với cùng kỳ năm 2022. Nếu tính cả 958,7 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của gần 25,2 nghìn lượt DN tăng vốn, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm là 1.666,1 nghìn tỷ đồng, giảm 39% so với cùng kỳ năm trước.

Mặc dù vậy, trên bình diện chung, số DN gia nhập thị trường vẫn đang nhiều hơn số DN rút lui. Theo tính toán, bình quân một tháng có 19 nghìn DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động; đồng thời có 16,7 nghìn DN rút lui khỏi thị trường. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm có 60,2 nghìn DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm trước; 31 nghìn DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 28,9% và 8,8 nghìn DN hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 2,8%.

Cũng trong tháng 6, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 56,01 tỷ USD, tăng 3,6% so với tháng trước và giảm 14,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 316,65 tỷ USD, giảm 15,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 12,1% và nhập khẩu giảm 18,2%. Cán cân thương mại hàng hóa 6 tháng đầu năm ước tính xuất siêu 12,25 tỷ USD.

Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ ước đạt 8,8 tỷ USD, tăng 99,5% so với cùng kỳ năm 2022 (quý II ước đạt 4,4 tỷ USD, tăng 58,8%). Trong đó, dịch vụ du lịch đạt 4,3 tỷ USD (chiếm 48,4% tổng kim ngạch), gấp 6,5 lần so với cùng kỳ năm trước; dịch vụ vận tải đạt 2,7 tỷ USD (chiếm 30,9%), tăng 29,5%. Kim ngạch nhập khẩu dịch vụ ước đạt 12,9 tỷ USD (đã tính trong phí dịch vụ vận tải và bảo hiểm của hàng hóa nhập khẩu là 3,8 tỷ USD), giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng cho biết, chi phí tiêu dùng 6 tháng đầu năm tăng 2,68% so với cùng kỳ năm 2022; tích lũy tài sản tăng 1,15%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 10%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 13,2%. Thu NSNN giảm 7,8% so với cùng kỳ năm trước; chi NSNN tăng 12,9%, đảm bảo các nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh, quản lý nhà nước, thanh toán các khoản nợ đến hạn cũng như chi trả kịp thời cho các đối tượng theo quy định.

Theo bà Nguyễn Thị Hương- Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, bước sang quý III, kinh tế-xã hội nước ta tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; các biến động về kinh tế, chính trị của thế giới, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, thiên tai, biến đổi khí hậu và dịch bệnh bất thường, khó dự báo. Do đó, việc đạt được mục tiêu tăng trưởng trong năm 2023 là thách thức rất lớn, cần sự nỗ lực, quyết tâm rất cao, sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị-xã hội. Đặc biệt, các cấp, các ngành cần tăng cường dự báo, chủ động điều hành linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tiễn, nhất là kịp thời ứng phó trong mọi tình huống.

Thái An