Print

Hướng dẫn mới về chế độ dinh dưỡng cho người nhiễm Covid-19

Thứ Sáu, 30 /06/2023 13:27

Bộ Y tế vừa ra Quyết định 2671/QĐ-BYT về việc ban hành Hướng dẫn Chẩn đoán và điều trị Covid-19. Một trong những nội dung đáng chú ý là chế độ dinh dưỡng cho người nhiễm Covid-19.

Theo đó, chế độ dinh dưỡng cho người nhiễm Covid-19 phải tuân theo nguyên tắc chung là phải cung cấp đủ năng lượng, các chất dinh dưỡng, nước để nâng cao thể trạng, miễn dịch; dinh dưỡng qua đường miệng cho người bệnh còn ăn uống được bằng thức ăn thông thường và bổ sung tối thiểu 1 bữa phụ bằng sữa/súp dinh dưỡng chuẩn/cao năng lượng, đạm cao; dinh dưỡng qua sonde sớm (trong vòng 48 tiếng ngay sau khi kiểm soát được huyết động) ở người bệnh nặng để duy trì chức năng tiêu hóa và miễn dịch của ruột; dinh dưỡng tĩnh mạch sớm khi dinh dưỡng tiêu hóa có chống chỉ định hoặc khi không đạt đủ nhu cầu năng lượng, đạm; bổ sung vitamin, vi lượng với tối thiểu liều cơ bản để đảm bảo chuyển hóa tế bào, miễn dịch.

Với người nhiễm Covid-19 không triệu chứng/mức độ nhẹ/trung bình, Bộ Y tế khuyến cáo nên ăn 3 bữa chính trong ngày bằng thức ăn thông thường (cơm, cháo, súp…) phù hợp. Duy trì 1-2 bữa phụ (200-250 ml/bữa phụ) với sữa/súp dinh dưỡng (dạng lỏng, dùng ngay, chai, hộp) chuẩn (1 ml = 1 kcal) hoặc cao năng lượng (1 ml = 1,25-1,5 kcal), lượng đạm cao (tối thiểu 4g protid/100 kcal) để tăng thêm năng lượng, đạm, nâng cao thể trạng, miễn dịch, ngừa hạ đường huyết. Ngoài ra, người bệnh phải đảm bảo đủ nước (khoảng 2-2,5l/ngày), nhiều hơn nếu có sốt cao, thở nhanh, tiêu chảy; trường hợp cần thiết, có thể bù dịch bằng Oresol. Lưu ý, trường hợp người bệnh bị suy dinh dưỡng cần ăn 2 bữa phụ/ngày, còn không suy dinh dưỡng có thể ăn 1 bữa phụ/ngày.

Với người nhiễm Covid-19 mức độ nặng/nguy kịch, cần thực hiện dinh dưỡng qua ống thông sớm (trong vòng 48 tiếng) sau khi huyết động ổn định, không nên dùng syringe để bơm thức ăn vì làm tăng nguy cơ hít sặc, kém dung nạp thức ăn. Nên thận trong trong dinh dưỡng qua ống thông cho người bệnh hồi sức được kiểm soát được huyết động với vận mạch liều cao, ECMO, nằm sấp. Ví dụ, ngày đầu có thể cung cấp 50ml × 4- 6 bữa/cữ ăn bằng sữa/súp dinh dưỡng chuẩn/cao năng lượng, đạm cao (tối thiểu 4,5g/100kcal) (giàu đạm peptide nếu có suy chức năng tiêu hóa), nhỏ giọt 10g/phút hoặc 10ml/giờ trong 24 tiếng; đồng thời, bổ sung tổng glucose (tiêu hóa và tĩnh mạch) # 2g/kg/ngày; 0,8g acid amin/kg/ngày (tiêu hóa, tĩnh mạch). Vào các ngày sau đó, tăng dần thể tích, tốc độ cho dinh dưỡng qua ống thông, nếu người bệnh dung nạp tốt và điều chỉnh dinh dưỡng tĩnh mạch phù hợp theo tình trạng bệnh lý và nhu cầu dinh dưỡng. Trong dinh dưỡng tĩnh mạch toàn phần/bổ sung chiếm phần lớn, ưu tiên dùng túi 3 ngăn (ngoại vi, trung tâm); túi dinh dưỡng tĩnh mạch 3 ngăn truyền trung tâm nên dùng loại 1000ml có 1200kcal, 56 protid/AA.

Liên quan đến chế độ dinh dưỡng cho người nhiễm Covid-19, tại Quyết định 2671/QĐ-BYT, Bộ Y tế còn khuyến cáo về phòng ngừa biến chứng liên quan dinh dưỡng. Cụ thể, phòng ngừa hội chứng nuôi ăn lại (Refeeding syndrome, RS) trước khi bắt đầu và trong quá trình nuôi dưỡng ở người bệnh Covid-19 bệnh mức độ trung bình/nặng, hồi sức; phòng ngừa/điều trị RS.

Tùng Anh