Print

Việt Nam hoan nghênh mọi sáng kiến hướng đến mục tiêu phát triển bền vững

Thứ Sáu, 30 /06/2023 18:16

Chiều 30/6, tại Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tiếp Tổng Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) Gilbert F.Houngbo.

Tại buổi tiếp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao việc Tổng Giám đốc ILO sang thăm Việt Nam; đồng thời cho rằng, chuyến thăm là cơ hội tuyệt vời để ILO và Bộ LĐ-TB&XH, Chính phủ Việt Nam trao đổi cụ thể các nội dung hợp tác, giải pháp để giải quyết hài hoà bài toán lao động trong giai đoạn hiện nay, cũng như những sáng kiến giải quyết các vấn đề, thách thức toàn cầu hiện nay.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trao đổi với Tổng Giám đốc ILO Gilbert F.Houngbo

Chủ tịch Quốc hội cũng đánh giá ILO luôn là đối tác rất quan trọng, tin cậy của Việt Nam. Văn phòng ILO tại Việt Nam qua các thời kỳ đều có những đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam, đặc biệt là lĩnh vực lao động, việc làm. Trong đó, ILO đã hỗ trợ Việt Nam rất nhiều trong quá trình xây dựng hệ thống pháp luật về lao động, nhất là quá trình xây dựng Bộ luật Lao động đầu tiên (năm 1994), đến các lần sửa đổi vào năm 2012 và năm 2019.

Đặc biệt, tại Bộ luật Lao động năm 2019, Quốc hội Việt Nam đã quyết định nâng tuổi nghỉ hưu đáng kể so với mức thực hiện trước đó, đạt được sự đồng thuận cao và tạo được sự yên tâm, không gây ra sự xáo trộn nào về mặt xã hội. Đây là kinh nghiệm mà Việt Nam đã đúc rút được từ sự chia sẻ của ILO và các nước trong thực hiện lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu. ILO cũng đã hỗ trợ Việt Nam trong việc xây dựng các dự thảo nghị quyết của Trung ương liên quan đến cải cách chính sách tiền lương và BHXH; nghiên cứu, phê chuẩn các Công ước cơ bản của ILO.

Chủ tịch Quốc hội khẳng định, phát triển bền vững trên các trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường luôn là chủ trương nhất quán của Việt Nam. Về lao động, Việt Nam chủ trương xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ. Nhà nước giữ vai trò điều phối giữa giới chủ (đại diện là Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam- VCCI) và NLĐ (đại diện là Tổng LĐLĐ Việt Nam). Hiện nay, Việt Nam cũng đang đẩy mạnh cơ cấu lại mô hình tăng trưởng, thực hiện 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực. Quốc hội đã phê duyệt 3 Chương trình MTQG về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chụp ảnh lưu niệm với đại diện ILO

Trong đại dịch Covid-19, vai trò của Quốc hội, Chính phủ Việt Nam thể hiện rất rõ qua các chính sách hỗ trợ NLĐ và người SDLĐ. Quốc hội đã ban hành một nghị quyết đặc biệt, có tính chất như luật- cho phép Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền địa phương được áp dụng một số biện pháp đặc thù, đặc cách, đặc biệt để chủ động phòng chống dịch, tạo thuận lợi cho NLĐ và người SDLĐ. Quốc hội Việt Nam cũng thông qua các gói hỗ trợ với tổng giá trị lên tới 8,4% tổng GDP để hỗ trợ nền kinh tế, người dân, NLĐ và DN. Vì vậy, trong khi hầu hết các nước đều tăng trưởng âm, thì Việt Nam vẫn duy trì được mức tăng trưởng dương gần 3%, năm 2022 là 8,02%, năm 2033 tuy có giảm nhưng dự kiến vẫn đạt khoảng 6,5%, lạm phát ở mức khoảng 4%.

Nêu rõ sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội cho biết, bất cứ sáng kiến khu vực hay toàn cầu nào hướng đến mục tiêu này, Việt Nam đều rất hoan nghênh và ủng hộ. Hiện nay, Quốc hội Việt Nam đang tập trung mọi nỗ lực để xây dựng hệ thống pháp luật, thể chế kiến tạo phát triển, nhất là phải phục vụ cho hai công cuộc chuyển đổi rất quan trọng thời gian tới là chuyển đổi năng lượng công bằng và chuyển đổi số. Việt Nam cũng đang phấn đấu đưa tỷ trọng đóng góp của kinh tế số trong GDP đạt khoảng 20% vào năm 2025 và 30% vào năm 2030.

Tổng Giám đốc ILO Gilbert F.Houngbo cảm ơn những chia sẻ rất toàn diện, sâu rộng của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam; đồng thời cho rằng, nếu Việt Nam cân nhắc tích cực để trở thành một trong những nước tiên phong tham gia thực hiện sáng kiến của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về Chương trình thúc đẩy toàn cầu về việc làm và an sinh xã hội hướng tới chuyển đổi công bằng và Liên minh toàn cầu về chuyển dịch công bằng, thì đây sẽ là cơ hội rất tốt để kết nối các nguồn lực hỗ trợ, thực hiện các mục tiêu cân bằng lợi ích về mặt xã hội và kinh tế.

Tổng Giám đốc ILO dẫn chia sẻ của đại diện các tổ chức của Liên hợp quốc về một trong những thách thức đang gặp phải, đó là một số dự án hợp tác phát triển đang bị lãng phí nguồn lực do sự chậm trễ trong thủ tục đầu tư. Qua đó, bày tỏ mong muốn Việt Nam thúc đẩy tháo gỡ vấn đề này.

Vũ Thu