Print

Ngôi làng nhỏ ở Thái Lan trên tuyến đầu chống biến đổi khí hậu

Thứ Hai, 03 /07/2023 13:03

Vào mỗi buổi sáng, Jiranan Chorsakul, Cholthee Chorsakul, Peeraphab Butrthong và Napat Ploykhow, 4 học sinh độ tuổi 11-12, đứng thẳng hàng, tự hào hát quốc ca khi lá cờ Thái Lan được kéo lên tại khuôn viên trường học của các em, tọa lạc trên một dải đất bao quanh bởi biển.

Các em là những học sinh cuối cùng còn lại tại một ngôi trường ở Ban Khun Samut Chin, ngôi làng ven biển cách Thủ đô Bangkok chưa đầy 10 km, đang dần dần biến mất vì nước biển. Ban Khun Samut Chin giờ chỉ còn khoảng 200 người dân bám trụ tại làng, đây là một ví dụ minh họa cho tương lai bấp bênh của vô số cộng đồng ven biển trên khắp thế giới, khi biến đổi khí hậu làm tan chảy các sông bang, tảng băng, khiến mực nước biển dâng cao. “Em từng có rất nhiều bạn”- em Jiranan Chorsakul, 11 tuổi, chia sẻ- “Từ mẫu giáo đến hết Tiểu học, bao giờ lớp em cũng có khoảng hơn 20 bạn, song các bạn dần dần theo gia đình chuyển đi chỗ khác. Hiện tại em cảm thấy hơi cô đơn và mong muốn trường có thêm học sinh mới theo học".

4 học sinh Jiranan Chorsakul, Cholthee Chorsakul, Peeraphab Butrthong và Napat Ploykhow đang trong một lớp học tại Ban Khun Samut Chin (Thái Lan)

Tại một ngôi chùa Phật giáo, đang được chống đỡ bằng hệ thống cột để tránh sự xâm lấn của Vịnh Bangkok, Trưởng làng Wisanu Kengsamut cho biết, khoảng 2km đất liền của làng đã bị biển vùi lấp trong khoảng thời gian 60 năm qua: “Phía sau tôi từng là một ngôi làng và một khu rừng ngập mặn. Trước đây, dân làng và những người hành hương có thể dễ dàng đi bộ từ làng đến ngôi đền này nhưng bây giờ thì không. Dân làng buộc phải di chuyển ngày càng sâu vào đất liền, ngày càng xa ngôi đền. Đến bây giờ, vài dấu hiệu nhắc nhở đến sự tồn tại của ngôi làng là một số cây cột điện cũ nhô lên khỏi mặt nước”.

Các chuyên gia về khí hậu của LHQ cảnh báo, mực nước biển đã tăng từ 15-25 cm kể từ năm 1900 và tốc độ tăng đang rất nhanh, đặc biệt là ở một số quốc gia nhiệt đới như Thái Lan. Nếu xu hướng ấm lên tiếp tục, mực nước đại dương có thể tăng thêm gần 1m xung quanh các đảo ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương vào cuối thế kỷ này. Việc này sẽ ảnh hưởng nặng nề đến Thái Lan. Ước tính có khoảng 17% dân số quốc gia này, tương đương khoảng 11 triệu người, đang sống ven biển và mưu sinh phụ thuộc vào đánh bắt cá hoặc dịch vụ du lịch.

Bức ảnh chụp từ trên không cho thấy, một ngôi trường (dưới) và ngôi đền (trên) giữa mênh mông nước ở Ban Khun Samut Chin

Ông Danny Marks, chuyên gia môi trường, thuộc Đại học Dublin (Ireland), nhận định: “Ban Khun Samut Chin là một lời cảnh báo sống động về “một thế giới bị tàn phá bởi biến đổi khí hậu. Chúng ta có thể coi đây là một mô hình thu nhỏ rõ ràng về rủi ro mà mực nước biển dâng gây ra cho đời sống con người, đặc biệt là ở các quốc đang phát triển".

Xói mòn nghiêm trọng tại Ban Khun Samut Chin trở nên trầm trọng hơn do quản lý môi trường địa phương chưa thực sự hiệu quả và triều cường do biến đổi khí hậu gây ra. Nước ngầm bị khai thác quá mức. Rừng ngập mặn dày đặc- đóng vai trò như một “rào cản tự nhiên” để chống sóng- bị phá hủy để nhường chỗ cho các trang trại nuôi tôm. Và các con đập ở thượng nguồn sông Chao Phraya, con sông chảy qua Thủ đô Bangkok và xả gần ngôi làng, đã làm chậm quá trình lắng đọng trầm tích trong vịnh.

Một ngư dân còn trụ lại ở Ban Khun Samut Chin

Những năm gần đây, Ban Khun Samut Chin hợp tác với một dự án nghiên cứu của Đại học Chulalongkorn (Thái Lan) để khắc phục xói mòn bằng cách sử dụng hệ thống cột tre- bê tông và trồng lại rừng ngập mặn để đất. Nhưng về lâu dài, những biện pháp này có lẽ không đủ để chống lại sức mạnh của thiên nhiên và ngôi làng có thể biến mất hoàn toàn.

Hiện tại, chính quyền Ban Khun Samut Chin vẫn đang trong nỗ lực bảo tồn những gì còn lại của ngôi làng. Họ vận hành một chương trình du lịch homestay, hy vọng hiệu ứng của các chuyến du lịch sinh thái sẽ mang lại kinh phí, cũng như thu hút sự chú ý của công chúng về cuộc chiến “sinh tồn” với biến đổi khí hậu của họ.

Với góc nhìn của người trẻ tuổi, em Jiranan Chorsakul cho biết, em và 3 bạn học đang nỗ lực nghiên cứu hệ sinh thái địa phương và học cách xác định thực vật, động vật, với hi vọng một ngày nào đó có thể trở thành hướng dẫn viên du lịch. Bên cạnh đó, Jiranan còn có dự định khác: Ngoài ra, tôi còn muốn trở thành giáo viên, để có thể truyền đạt kiến thức cho những học sinh khác. Tôi muốn dạy ở trường này, nếu trường vẫn còn ở đây khi tôi tốt nghiệp".

Tùng Anh (Theo Bangkok Post)