Print

Gần 3 tỷ người trên thế giới sẽ phải di cư vì vấn đề khí hậu

Thứ Hai, 03 /07/2023 14:24

Nhà khí hậu học người Nga Alexei Kokorin cho rằng, theo kịch bản biến đổi khí hậu xấu nhất, gần 3 tỷ người- tương đương khoảng 30% dân số thế giới- sẽ phải di cư vì vấn đề khí hậu vào cuối thế kỷ này.

Còn trong kịch bản tốt nhất, ông Kokorin cho hay sẽ có 10% người phải di cư vì lí do tương tự. Chuyên gia Kokorin cho rằng, nỗ lực của các quốc gia nhằm đạt được mức trung hòa carbon sẽ giúp tránh được kịch bản tiêu cực. Nhưng ngay cả khi các sự kiện diễn ra thuận lợi, một phần dân số thế giới sẽ buộc phải di cư do thiếu nước sạch.

Trung hòa carbon là một trong những điều kiện để thực hiện Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Mỹ và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) dự định đạt được mức trung hòa carbon vào năm 2050, với Nga và Trung Quốc là vào năm 2060, còn Ấn Độ là vào năm 2070.

Ông Kokorin cũng cho rằng người Nga về hưu bắt đầu tính đến biến đổi khí hậu khi chọn nơi sinh sống. Ông chỉ ra những khu vực của Nga hiện nổi tiếng là có cuộc sống thân thiện với khí hậu. Một ví dụ minh họa là những người từ Chukotka trước đây từng cố gắng đến vùng Krasnodar khi họ nghỉ hưu.

Trong những năm gần đây, họ lại đến các tỉnh Omsk và Novosibirsk khi Krasnodar giớ đây quá nóng đối với họ. Điều đó cho thấy con người đã điều chỉnh nơi cư trú của họ vì khí hậu. Theo ông Kokorin, nhiệt độ mùa Hè ở Krasnodar có thể tăng lên trên 40°C, mức có hại cho những người lớn tuổi đã sống ở miền Bắc trong nhiều năm.

Vừa qua, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) của LHQ đã dự báo rằng trong vòng 5 năm, nhiệt độ toàn cầu có thể đạt mức cao kỷ lục. Điều này là do hoạt động phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính và sự thay đổi pha của các dòng hải lưu từ La Nina sang El Nino.

Tổng Thư ký LHQ António Guterres cho biết: “Cần cảnh báo sớm và hành động để cứu sống nhiều người. WMO sẽ đưa ra các hành động mới để đảm bảo mọi người trên Trái đất được bảo vệ bởi hệ thống cảnh báo sớm trong vòng 5 năm”.

WMO sẽ dẫn đầu nỗ lực và đưa ra kế hoạch hành động vào tháng 11/2022 tại Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP27) năm nay ở Ai Cập. Ông Guterres nhấn mạnh việc cảnh báo sớm và hành động sớm và cho rằng phải đầu tư bình đẳng vào khả năng thích ứng và khả năng phục hồi. Điều đó bao gồm thông tin cho phép dự đoán các cơn bão, sóng nhiệt, lũ lụt và hạn hán.

Báo cáo gần đây nhất của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) nêu rõ những gì mọi người đang phải hứng chịu do mỗi đợt tăng nhiệt toàn cầu càng làm tăng thêm tần suất và cường độ của các hiện tượng thời tiết cực đoan.

Ông Guterres cho biết, không thể chấp nhận được rằng, một phần ba dân số thế giới- chủ yếu sống ở các quốc gia kém phát triển nhất (LDCs) và các quốc đảo nhỏ đang phát triển (SIDS - vẫn không có hệ thống cảnh báo sớm. Tại châu Phi, điều đó thậm chí còn tồi tệ hơn, khi 60% người dân không được bảo hiểm.

Biến đổi khí hậu đã trở thành một vấn đề rõ ràng hơn ở tất cả các nơi trên thế giới, dẫn đến thời tiết ngày càng khắc nghiệt, bao gồm các đợt nắng nóng gay gắt, hạn hán và cháy rừng. Trong khi đó, sự gia tăng độ ẩm trong khí quyển đang dẫn đến lượng mưa rất lớn và lũ lụt gây chết người, trong khi sự ấm lên của đại dương đang thúc đẩy các cơn bão nhiệt đới mạnh hơn và mực nước biển dâng cao.

Tổng Thư ký LHQ cho biết: “Chúng ta phải tăng cường khả năng dự báo cho tất cả mọi người và xây dựng năng lực hành động của họ. Chúng ta hãy nhận ra giá trị của cảnh báo sớm và hành động sớm như những công cụ quan trọng để giảm thiểu rủi ro thiên tai và hỗ trợ thích ứng với khí hậu”.

Theo một báo cáo thống kê thảm họa năm 2021 của WMO, trong 50 năm qua, trung bình mỗi ngày, một thảm họa liên quan đến khí hậu và nước xảy ra cướp đi sinh mạng của 115 người và gây thiệt hại lên tới 202 triệu USD mỗi ngày. Mặc dù, số lượng thiên tai được ghi nhận đã tăng gấp 5 lần trong giai đoạn đó, nhưng việc cải thiện cảnh báo sớm và quản lý thiên tai đã cứu được mạng sống của nhiều người.

Giám đốc WMO Petteri Taalas cho biết, ngày càng có nhiều thảm họa do biến đổi khí hậu đang gây nguy hiểm cho việc thực hiện một số lượng lớn các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs). Ông nhấn mạnh việc tăng cường đầu tư vào các dịch vụ cảnh báo sớm khí hậu và cơ sở hạ tầng liên quan đang ngày càng trở nên quan trọng hơn đối với việc thích ứng với khí hậu. Theo ông, cần phải đầu tư 1,5 tỷ USD trong 5 năm tới để cải thiện chất lượng của các dịch vụ và cơ sở hạ tầng liên quan, đặc biệt là ở các nước LDC và SIDS.

Hệ thống cảnh báo sớm tích hợp về lũ lụt, hạn hán, sóng nhiệt hoặc bão cảnh báo mọi người về thời tiết nguy hiểm sắp tới và thông báo cho các chính phủ, cộng đồng và cá nhân để chuẩn bị ứng phó và giảm thiểu tác động của chúng. Sử dụng các mô hình máy tính tiên tiến, chúng cung cấp khả năng giám sát thời gian thực trên đất liền và trên biển.

Ngoài việc hiểu được các nguy cơ bão sắp xảy ra, một hệ thống cảnh báo sớm toàn diện cũng phải bao gồm các bài học kinh nghiệm từ các sự kiện trong quá khứ, để cải thiện khả năng ứng phó trong tương lai.

Thủy Hà