Print

Nước Pháp lại rơi vào bạo loạn- đâu là nguồn cơn?

Thứ Ba, 04 /07/2023 07:34

Nguyên nhân của tình trạng bất ổn ở Pháp hiện nay được cho là sâu xa hơn tầm với của truyền thông và cảnh sát dẹp loạn.

"Không có công lý thì không thể có hòa bình!" là khẩu hiệu mà người Pháp gốc Ảrập và gốc Phi sử dụng trong các cuộc biểu tình đang diễn ra nóng bỏng. Các cuộc bạo loạn lớn đã nổ ra gần Paris rồi lan ra toàn quốc sau khi cảnh sát Pháp bắn một thiếu niên 17 tuổi vì tội không vâng lời.

Viên cảnh sát bắn thanh niên 17 tuổi tên là Nahel M đã bị bắt hôm thứ Ba và khai mình nổ súng để tự vệ. Một đoạn video ghi lại thời điểm xảy ra vụ tấn công thể hiện viên cảnh sát bắn ở cự ly vô định qua cửa sổ của một chiếc xe Mercedes đang khởi hành, cho thấy vị này đã lạm dụng quyền hạn. Tuy nhiên, thông tin cho biết Nahel M từng có tiền án và là "một người hung hăng".

Video vụ việc đã được đăng tải lên mạng xã hội và lan truyền với tốc độ chóng mặt. Vài giờ sau đó, hàng nghìn thanh niên chủ yếu là nam giới, với nhiều người trong số đó ở tuổi vị thành niên, đã tham gia các cuộc bạo loạn dữ dội ở nhiều nơi. Marseille bốc cháy. Lyon rơi vào hỗn loạn khi những người biểu tình đốt cháy xe hơi và nhiều tòa nhà. Tòa thị chính, đồn cảnh sát, trường học ở Paris và các vùng ngoại ô Toulouse, Lille, Clermont-Ferrand bị phá hoại. Đụng độ bùng nổ hàng loạt ở Bordeaux, Grenoble, Saint-Etienne... Tại một số nơi khác, người biểu tình cướp xe tải, cửa hàng và nhà kho.

Chính phủ buộc phải phản ứng. Xe bọc thép được triển khai trong khi các sự kiện công cộng lớn như các buổi trình diễn ca nhạc đã bị hủy bỏ. Tổng thống Emmanuel Macron đã phải cắt ngắn lịch trình tại hội nghị thượng đỉnh của Liên minh châu Âu (EU) tại Brussels để trở về Paris và chủ trì cuộc họp chống khủng hoảng.

Vụ Nahel M gợi nhớ lại sự kiện năm 2005 ở Pháp khi hai thiếu niên gốc Ảrập bị điện giật trong lúc trốn ở một trạm biến áp để tránh sự truy bắt của cảnh sát. Cái chết của họ đã đẩy xã hội Pháo vào tình trạng chia rẽ nghiêm trọng về chủng tộc.

Theo giới phân tích, vấn đề càng bén rễ sâu hơn trong những năm qua do tình trạng di cư không kiểm soát được. Pháp đã trở thành một quốc gia mà những người di cư coi là của họ: Họ không đồng hóa, họ không tuân theo các quy tắc và không nghe lời cảnh sát, thậm chí họ cho rằng cảnh sát Pháp và những người thực thi pháp luật xâm phạm quyền của họ.

Tổng thống Macron tuyên bố các mạng xã hội, đặc biệt là TikTok, là nguyên nhân sâu xa khiến bạo lực leo thang. Trực tiếp giải quyết các nền tảng, Macron yêu cầu xóa “nội dung nhạy cảm” và kiểm tra nhiều hơn về bản chất của nội dung được xuất bản. Thứ Sáu tuần trước, Twitter bắt đầu chặn các tài khoản người dùng ở Pháp đăng hình ảnh và video về các cuộc bạo loạn.

Nhưng liệu các cuộc bạo loạn trên đường phố có thể được kiểm soát ngay lập tức và vĩnh viễn bằng cách triển khai xe bọc thép, kiểm duyệt mạng xã hội hoặc bằng cách gây áp lực lên cha mẹ của trẻ vị thành niên? 

Câu hỏi này đến nay còn bỏ ngỏ. Vấn đề di cư và hội nhập ở Pháp được quản lý tốt hơn so với ở Đức hoặc Áo nhưng có vẻ như nước này vẫn nhắm mắt làm ngơ trước vấn đề khác biệt chủng tộc. Không có cuộc thảo luận mở nào được tổ chức về chủ đề này. Cũng không có nghiên cứu thống kê về chủng tộc. Sự kết hợp của tất cả các yếu tố đó có thể đưa quốc gia đến bờ vực bùng nổ xã hội. 

Chính phủ Pháp dự tính áp đặt tình trạng khẩn cấp. Với lệnh giới nghiêm sau nhiều năm bị phong toả cùng hàng loạt vụ bắt giữ trong bạo loạn dẫn đến các nhà tù quá tải, Pháp đang trên bờ vực suy yếu tinh thần về nhiều mặt. Tuy nhiên, sự gắn kết xã hội tại nước này được đánh giá là vẫn tương đối vững chắc.

Câu trả lời ở đây có lẽ là chính phủ Pháp phải nắm rõ được những ưu tiên nằm ở đâu trong tương lai gần. Các câu hỏi về các vấn đề xã hội thường gây ra những bước ngoặt chính trị- đặc biệt là ở Pháp.

Hoàng Dương