Print

Các địa phương cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề lao động và việc sửa đổi Luật BHXH

Thứ Ba, 04 /07/2023 15:54

Phát biểu tại cuộc họp Chính phủ với các địa phương, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đề nghị các địa phương quan tâm đến vấn đề ASXH, đặc biệt, quan tâm đến công tác tuyên truyền việc sửa Luật BHXH tới đây để NLĐ không rút BHXH một lần…

Tại phiên họp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn của các ĐBQH tại Kỳ họp thứ 5 vừa qua, chúng tôi đã trả lời rõ những vấn đề liên quan đến lao động, việc làm, nhân lực chất lượng cao, vấn đề BHXH. Trước khi tiến hành phiên chất vấn thì dây là vấn đề rất nóng, thế nhưng sau chất vấn tình hình đã dịu đi và có chuyển động tốt hơn.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng tán thành với các báo cáo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư về tăng trưởng kinh tế đã tạo cho ASXH, việc làm, thu nhập của người dân cơ bản được đảm bảo. Đến nay, quy mô lao động của Việt Nam vẫn duy trì được 52,2 triệu người (kể cả quy mô, chất lượng, đảm bảo cơ bản trong lĩnh vực lao động, việc làm) và ASXH, cũng như các chính sách được triển khai tương đối kịp thời, đặc biệt trong thiên tai, lũ bão… đã hỗ trợ kịp thời đến người dân để khắc phục hậu quả. Tỷ lệ thất nghiệp cho đến nay 2,3%, so với cùng kỳ năm 2022 thấp hơn, bình quân 6 tháng duy trì tỷ lệ thất nghiệp 2,27%- đạt yêu cầu và vượt trên ngưỡng mà chúng ta mong đợi.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, hiện có 2 vấn đề là tỷ lệ lao động, việc làm trong Quý II/2023 là thiếu việc làm 2,06%, trong đó đáng chú ý khu vực thành thị tỷ lệ thiếu việc làm là 1,66%- tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Tình trạng cắt giảm đơn hàng và thiếu việc làm diễn ra trong Quý II/2023 cao hơn so với quý 1, đặc biệt số cắt giảm, giãn việc làm, thiếu việc làm là trên 500.000 người. Trong đó, số thất nghiệp hẳn là 172.000 người, chủ yếu rơi vào khu vực FDI và miền Đông Nam Bộ nhiều hơn; thu nhập bình quân quý 2/2023 của NLĐ là 7 triệu đồng/tháng- tăng so với năm 2022 nhưng tốc độ tăng lại giảm đi. Đáng lưu ý, một số khu công nghiệp, khu miền đông Nam bộ tốc độ tăng thu nhập giảm mạnh nhất, thậm chí giảm đến 5 lần; nhưng một số địa bàn lại tăng rất nhanh như Thái Bình (tăng hơn 10%), Ninh Bình (tăng hơn 4%); khu vực Bắc Ninh, Bắc Giang lại có tình trạng giảm sút về thu nhập.

Về giải pháp trong thời gian tới, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, sẽ tập trung triển khai tốt chính sách ổn định thị trường lao động, tạo công an việc làm, đảm bảo an ninh trật tự, an sinh và an dân. Tập trung triển khai chính sách liên quan đến tiền lương, doanh nghiệp, bảo trợ xã hội, người nghỉ hưu, người có công… tất cả các chính sách này sẽ được triển khai trong tháng 7/2023 nên các địa phương cần đặc biệt quan tâm.

Liên quan đến sửa Nghị định 152, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt vấn đề này, và các nhà đầu tư nước ngoài cũng như các địa phương rất quan tâm nên tập trung sửa theo tinh thần Chỉ thị 09 của Ban Bí thư và Bộ luật Lao động năm 2019. Việc sửa đổi này trên tinh thần thông thoáng nhất cho cả 3 đối tượng là nhà quản lý- điều hành, các chuyên gia, còn NLĐ có yêu cầu chất lượng cao chúng ta quản lý theo nguyên tắc nhưng phải đảm bảo trên cơ sở quyền lợi nhà đầu tư gắn với trách nhiệm quản lý của chúng ta; thị trường lao động trong nước phải đảm bảo cân đối hài hòa. Vấn đề này đang được lấy ý kiến các địa phương và ngày 10/7 tới các địa phương gừi về và Bộ Tư pháp sẽ thẩm định sau đó tiến hành trình trong đúng tháng 7.

Điều đặc biệt quan tâm là thời gian tới một trong những vấn đề sẽ nổi lên liên quan đến hàng chục triệu lao động là vấn đề sửa Luật BHXH. Một trong những vấn đề này theo tinh thần Nghị quyết số 28 cái phức tạp nhất, khó khăn nhất chính là vấn đề BHXH một lần. Theo Điều 60 Luật BHXH năm 2014 và nếu duy trì tiếp theo Nghị quyết 93 thì Việt Nam đi hoàn toàn khác với thông lệ quốc tế và chúng ta có thể trước mắt ổn định cho người dân nhưng sẽ gây một hậu quả rất lớn về an sinh xã hội về lâu dài. Do đó, vấn đề này chúng tôi đã và đang đưa ra nhiều phương án khác nhau để tới đây trình Chính phủ, Quốc hội. Tuy nhiên, thời gian tới đây, các cơ quan tuyên truyền và các địa phương rất lưu ý vấn đề này, không tập trung tuyên truyền quá nhiều về vấn đề rút BHXH một lần vì đây chỉ là lợi ích trước mắt nhưng sẽ rất hại lâu dài cho đất nước và chúng tôi đang bàn với ngân hàng cùng một số cơ quan đưa ra chính sách khác thông thoáng hơn để NLĐ không rút BHXH một lần và có chính sách khác hỗ trợ.

Nguyệt Hà