Thủ tướng chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương
Ngày 4/7/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2023.
Hội nghị nhằm đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2023, tình hình triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội, tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, tình hình triển khai 3 Chương trình Mục tiêu Quốc gia, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm. Bên cạnh đó, các đại biểu góp ý vào Dự thảo Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, chúng ta đã đi được nửa chặng đường của năm 2023, đồng thời, cũng đi được nửa nhiệm kỳ 2021-2025. Tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, “nổi lên 6 cơn gió ngược”: Suy giảm kinh tế toàn cầu, lạm phát gia tăng…; đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Hậu quả của đại dịch Covid-19 còn kéo dài. Cạnh tranh địa chiến lược, chủ nghĩa bảo hộ, phân tách, phân mảnh, thiếu sự liên kết chặt chẽ. Các cuộc xung đột đe dọa an ninh lương thực, năng lượng toàn cầu. Các nước đang phát triển có khả năng thích ứng và sức chống chịu hạn chế trước những cú sốc từ bên ngoài. Biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh phức tạp, khó lường.
Ở trong nước, khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi; nền kinh tế có độ mở lớn nhưng quy mô còn khiêm tốn, năng lực cạnh tranh và sức chống chịu trước các cú sốc từ bên ngoài còn hạn chế, chịu tác động kép từ những yếu tố bên ngoài và bên trong; các vấn đề tồn đọng, kéo dài ngày càng bộc lộ rõ hơn; nhiều vấn đề phát sinh cần phải giải quyết; sức chống chịu của DN bị bào mòn trong bối cảnh chi phí tăng, đơn hàng giảm, thị trường quốc tế chưa có dấu hiệu phục hồi, cạnh tranh gia tăng.
Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự giám sát, đồng hành của Quốc hội, sự vào cuộc, phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng của các cơ quan trong hệ thống chính trị, sự đồng tình, ủng hộ tích cực của DN và người dân, sự hợp tác, hỗ trợ của bạn bè, đối tác quốc tế, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực chỉ đạo, điều hành, quản lý, thực hiện các hiệm vụ được giao kịp thời, hiệu quả hơn trong tình hình khó khăn.
Trong đó, đã tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách nhất hiện nay, tháo gỡ khó khăn cho DN, người dân, tạo công ăn, việc làm, sinh kế cho người dân, thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, giữ vững an ninh quốc phòng, thúc đẩy hội nhập quốc tế, đẩy mạnh công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao các cấp, ngành, địa phương đã quyết liệt thực hiện phương châm điều hành của năm 2023 là “Đoàn kết kỷ cuơng, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả”; vừa tập trung thực hiện nhiệm vụ thường xuyên ngày càng nhiều, yêu cầu ngày càng cao, vừa khắc phục các bất cập, tồn tại kéo dài nhiều nhiệm kỳ, nhiều năm, vừa xử lý các vấn đề phát sinh, khó lường, khó dự báo.
Nhờ đó, tình hình kinh tế- xã hội tháng 6 tiếp tục xu hướng tích cực, tốt hơn tháng 5 và quý II tốt hơn quý I trên nhiều lĩnh vực, đóng góp vào kết quả chung của 6 tháng năm 2023. Những mục tiêu lớn cơ bản đạt được, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm.
Bên cạnh đó, Thủ tướng nêu rõ, tình hình kinh tế - xã hội còn những hạn chế, bất cập, khó khăn, thách thức; trong đó, cần lưu ý 3 nhóm vấn đề lớn: Tăng trưởng kinh tế thấp hơn kịch bản đề ra; tình hình sản xuất kinh doanh, thị trường lao động, việc làm gặp nhiều khó khăn, cần nỗ lực hơn; tình hình kỷ luật kỷ cương có lúc chưa nghiêm, còn tình trạng cán bộ công chức viên chức sợ sai, né tránh trách nhiệm.
“Các đại biểu tập trung đánh giá khách quan, trung thực tình hình, nhất là những tồn tại, hạn chế, khó khăn, phân tích các nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, rút ra các bài học kinh nghiệm, đề xuất các quan điểm, định hướng, trọng tâm chỉ đạo điều hành, nhiệm vụ, giải pháp sát tình hình, khả thi, hiệu quả cao hơn trong tháng 7, Quý III và 6 tháng cuối năm, việc chuẩn bị Hội nghị Trung ương và kỳ họp Quốc hội vào cuối năm”- Thủ tướng nhấn mạnh.
Thông tin về tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, mặc dù còn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là tác động của tình hình thế giới, nhưng tình hình kinh tế- xã hội đã dần chuyển biến tích cực, nhiều chỉ tiêu, chỉ số quan trọng đã có bước tăng trưởng, tuy còn thấp nhưng đã cho thấy xu hướng tháng sau cao hơn tháng trước, quý II cao hơn quý I, góp phần cải thiện kết quả chung của cả 6 tháng đầu năm, tạo đà cho các tháng tiếp theo.
Kinh tế vĩ mô tháng 6 và 6 tháng cơ bản ổn định. Nhiều chỉ số quan trọng như tốc độ tăng trưởng, công nghiệp, dịch vụ, giải ngân vốn đầu tư công, thành lập doanh nghiệp, thu hút FDI, thị trường chứng khoán dần lấy lại được đà tăng trưởng, tháng sau cao hơn và tích cực hơn tháng trước, cho thấy tâm lý xã hội và niềm tin thị trường đã phục hồi tích cực, tạo tiền đề tốt cho thực hiện các công việc, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.
“Các vấn đề tồn đọng, vướng mắc tiếp tục được tập trung tháo gỡ, nhất là về thị trường bất động sản, trái phiếu DN, dự án đầu tư, bước đầu tạo chuyển biến tích cực, tác động khơi thông dòng tiền, nguồn lực của nền kinh tế, củng cố thêm niềm tin của DN, nhà đầu tư. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành cơ bản đã xác định được các khó khăn của DN, nền kinh tế; có nhiều giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ cụ thể, kịp thời, góp phần củng cố niềm tin của DN, nhà đầu tư, người dân”- Bộ trưởng Bộ KH-ĐT nhấn mạnh.
Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến cũng như kiến nghị, đề suất, đồng thời khẳng định, trong 6 tháng đầu năm, mặc dù tình hình thế giới và trong nước còn gặp nhiều khó khăn, nhưng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã rất quyết liệt tháo gỡ khó khăn, những điểm nghẽn, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội.
Đối với TP.HCM, Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi cho biết, trong 6 tháng đầu năm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành đã rất quyết liệt trong việc hoàn thiện thể chế, tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy các động lực, nhất là trong lĩnh vực đầu tư công. Nhờ đó, kinh tế- xã hội của TP.HCM đã có sự chuyển biến tích cực, nhất là trong Quý II.
Cụ thể, trong Quý II, các chỉ số sản xuất công nghiệp, doanh thu bán lẻ, tổng doanh thu xuất nhập khẩu… của TP.Hồ Chí Minh đều có sự chuyển biến tích cực, giúp cho kết quả chung 6 tháng đầu năm được cải thiện. Tổng doanh thu dịch vụ tăng 7,1%...
Bên cạnh đó, Thành phố cũng tập trung rất quyết liệt để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho DN. Đến nay, Thành phố đã giải quyết được trên 50% kiến nghị của DN nhà nước; 169/189 kiến nghị của 148 dự án bất động sản đã được tiếp nhận, có định hướng giải quyết và sẽ tập trung giải quyết trong thời gian sắp tới…
Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, tình hình kinh tế-xã hội của Thành phố đã phục hồi rõ rệt, các cân đối lớn cũng được đảm bảo. Trong đó, GRDP 6 tháng đầu năm tăng 5,97% (cả nước tăng 3,72%), đáng chú ý khối các ngành dịch vụ tăng 7,54%. Tính chung 6 tháng, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước thực hiện 220,1 nghìn tỷ đồng, đạt 62,4% dự toán và tăng 22,9% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 369 nghìn tỷ đồng, tăng 10,4%; khách du lịch đến Hà Nội tăng gấp 2,5 lần (trong đó khách quốc tế tăng gần 7 lần) so với cùng kỳ.
Đối với vướng mắc cần được giải quyết trong thời gian tới, lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương đã đề cập nhiều vấn đề, trong đó có vướng mắc tại các dự án cao tốc, thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, môi trường. Đặc biệt về tình hình thị trường bất động sản, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, thị trường tiếp tục gặp khó khăn, hạn chế về số lượng, dự án hoàn thành chỉ bằng 25% so cùng kỳ năm 2022. Số lượng dự án đang triển khai có 659 dự án chỉ đạt khoảng 95 % so với Quý II/2022, khó khăn này chủ yếu là do các DN bất động sản gặp khó khăn trong triển khai các thủ tục đầu tư và huy động vốn. Từ tình hình thực tế đó, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đề xuất những giải pháp trong thời gian tới, trong đó, Bộ Xây dựng cùng các Bộ, ngành tiếp tục hoàn thiện các văn bản pháp luật trình Quốc hội sắp tới như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai và các văn bản pháp luật có liên quan…
T.Hà