Print

Ca phẫu thuật “thần tốc” cứu sống bệnh nhân vỡ tim

Thứ Tư, 05 /07/2023 16:20

Một chuỗi báo động đỏ được khởi động khẩn cấp với sự tham gia của những “đôi tay vàng” trong “làng tim mạch” đã giành giật lại được cuộc sống cho nam thanh niên bị vỡ tim ngay sau giấc ngủ…

Đêm 05/6/2023, bệnh nhân T. được chuyển đến Đơn vị Hồi sức Cấp cứu C1- Viện Tim mạch (BV Bạch Mai) trong tình trạng sốt 38 độ C; đau ngực nhẹ, nhịp tim nhanh… Siêu âm cấp cứu tại giường, các bác sĩ tim mạch thấy khối phình sau thành thất trái, khối phình rất mỏng, mỏng đến mức có thể vỡ bất cứ lúc nào. Bệnh nhân được các bác sĩ của Đơn vị Hồi sức C1- Viện Tim mạch theo dõi sát sao và chỉ định làm thêm một loạt xét nghiệm thăm dò khác.

Mới ngoài 30 tuổi, anh T. không có tiền sử bệnh tật và vẫn chơi thể thao đều đặn. Trước khi đến viện 5 ngày, anh T. xuất hiện các cơn ho, khạc đờm trắng đục và có sốt cao 39˚C kèm đau rát họng. Test Covid-19 thì âm tính nên đã loại trừ nguyên nhân sốt do Covid-19. Thấy sốt và tình trạng cơ thể mệt nhiều, anh T. đã đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh để kiểm tra. Tại đây, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân T. có phình ở thành sau thất trái, theo dõi viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn và chuyển lên BV Bạch Mai.

7h15’ ngày 6/6/2003, trong khi đang giao ban thì PGS.TS.Tạ Mạnh Cường- Phó Viện trưởng Viện Tim mạch- Trưởng đơn vị Hồi sức C1 nhận được báo cáo, bệnh nhân T. đột ngột ngừng thở, ngừng tim, mất hoàn toàn ý thức. Chỉ số trên các phương tiện theo dõi cho thấy bệnh nhân đã rơi vào tình trạng “chết lâm sàng”… Với kinh nghiệm hơn 30 năm trong nghề, PGS.TS.Cường nhận định đây là tình huống nguy kịch khẩn cấp. Lập tức, ông lao về bệnh phòng, trực tiếp chỉ huy khởi động hệ thống báo động đỏ toàn Viện. Trong chớp mắt, Kíp cấp cứu ngừng tuần hoàn được khởi động, bệnh nhân được ép tim hỗ trợ về hô hấp để duy trì huyết áp. Kíp can thiệp của C1 cũng lập tức được huy động. Máy siêu âm tại giường khẩn cấp được đẩy đến bên bệnh nhân. Kết quả siêu âm cho thấy khối phồng đã vỡ. Đây là nguyên nhân khiến bệnh nhân “chết lâm sàng”.

Nhận định đây là tình huống “vỡ tim” phải mổ mở gấp để giải áp lực máu tràn buồng tim, PGS.TS.Cường đã liên hệ khẩn cấp với TS.BS.Dương Đức Hùng- Trưởng Đơn vị Phẫu thuật tim mạch C8- Viện Tim mạch. Sau thông tin hội chẩn cấp cứu qua điện thoại, kíp mổ được triển khai nhanh chóng và trực tiếp TS.BS.Dương Đức Hùng tiến hành ca phẫu thuật. Chỉ sau 5 phút, lồng ngực của bệnh nhân đã được mở, các chèn ép tim đã được giải tỏa, tuần hoàn ngoài cơ thể đã được thiết lập để duy trì các chức năng sống cơ bản cho người bệnh. Đánh giá thương tổn cho thấy khối phình đã vỡ, máu ào ra và chèn ép tim khiến bệnh nhân mất huyết áp, ngừng tim, chết lâm sàng. Là phẫu thuật viên dày dặn kinh nghiệm trong việc xử trí mạch máu, TS.BS.Hùng đã tiến hành khâu tạm chỗ vỡ để cầm máu tạo điều kiện hồi sức cho tim đập lại. Sau 3 tiếng căng thẳng, các phẫu thuật viên của C8 đã tạo hình lại buồng tim đã vỡ.

Chia sẻ về quá trình tiến hành ca phẫu thuật, TS.BS.Hùng cho biết: “Kiểm tra, đánh giá lại thương tổn của bệnh nhân thì thấy một phần của buồng thất trái bị giãn mỏng và mỏng đến mức vỡ. Có thể nhận định, đây là một thương tổn nặng, khó xử lý, tỷ lệ tử vong cực kỳ cao, đặc biệt là mổ trong tình trạng tối cấp cứu và bệnh nhân đã có ngừng tim trước mổ. Thứ nhất, do bệnh lý phức tạp, diễn biến đột ngột và ảnh hưởng đến hệ thống tuần hoàn, bệnh nhân nhanh chóng rơi vào tình trạng mất huyết áp. Thứ hai, tỷ lệ tử vong cao do vấn đề xử trí rất khó và đòi hỏi phải triển khai hết sức nhanh và tính chuyên khoa cao thì mới có khả năng xử lý được. Mọi việc triển khai đúng tính chất “cướp thời gian” tức là chỉ cho phép trong vài phút”.

Chuyên gia này giải thích thêm, khi tim ngừng đập, chỉ trong vòng 4- 6 phút, não đã có thể tổn thương vĩnh viễn hoặc chết não. Vỡ tim sẽ gây chảy máu, sốc tim, suy tim nặng. Tỷ lệ tử vong do bệnh vỡ tim lên đến 90%. Chưa kể, nếu không được mổ mở, giải ép kịp thời cho “trái tim vỡ” thì áp lực khiến máu không bơm lên não thì chỉ khoảng 5- 6 phút, bệnh nhân sẽ mất não. Nếu có cứu được thì người bệnh cũng chỉ sống cuộc đời “thực vật”... Trường hợp của bệnh nhân T., bệnh nhân đã bị ngừng tim từ dưới C1, các bác sĩ đã phải tiến hành ép tim (CPR) đồng thời đẩy lên phòng mổ của C8. Không lãng phí một phút nào, toàn bộ kíp bác sĩ nội tim mạch, ngoại tim mạch, bác sĩ chẩn đoán hình ảnh, hệ thống trực cấp cứu online… đã dốc toàn lực, chạy đua với thời gian để “cướp” người bệnh từ tay tử thần.

Sau ca mổ “thần tốc’, bệnh nhân T. được chuyển sang khu hồi sức của C8. Lúc này lại phát sinh một mối lo khác. Đó là không biết tình trạng não của bệnh nhân tổn thương ra sao, sau một thời gian ngừng tuần hoàn khá dài. May mắn, chỉ sau 3 ngày, bệnh nhân đã tỉnh lại. Sau 5 ngày, bệnh nhân có thể ngồi dậy nói chuyện. Bệnh nhân T. cho biết, tưởng chừng như mới thiếp đi vài giây nhưng thực tế thì anh đã hôn mê trên giường hồi sức tích cực của Đơn vị Phẫu thuật tim mạch, Viện Tim mạch, BV Bạch Mai gần 100 tiếng đồng hồ…

Thái An