Print

Thế giới trải qua ngày nóng kỷ lục

Thứ Tư, 05 /07/2023 20:01

Theo dữ liệu mới được Trung tâm Dự báo Môi trường quốc gia Mỹ (NCEP) công bố, thế giới vừa trải qua ngày nóng chưa từng thấy hôm 3/7, khi nhiệt độ tăng cao trên toàn cầu.

NCEP cho biết họ đã ghi nhận nhiệt độ trung bình toàn cầu vào ngày này là 17,01 độ C, cao hơn so với mức kỷ lục 16,92 độ C trước đó vào tháng 8/2016.

"Đó không phải là một cột mốc quan trọng mà chúng ta nên ăn mừng. Đó là bản án tử hình đối với con người và hệ sinh thái", nhà khoa học khí hậu Friederike Otto bình luận.

Cảnh báo nguy hiểm được đưa ra trong bối cảnh nhiều bang miền nam nước Mỹ vẫn chìm trong tình trạng nắng nóng gay gắt. Corpus Christi, một thành phố ở bang Texas, đã báo cáo mức nhiệt cao kỷ lục vào tháng 6 là 51 độ C. Nhiệt độ tương tự cũng được ghi nhận ở Oklahoma, Arkansas, Missouri và Louisiana.

Trong khi đó, Trung Quốc cũng hứng chịu một đợt nắng nóng kéo dài. Tháng 6 vừa qua, thủ đô Bắc Kinh đã trải qua tổng cộng 14 ngày có nhiệt độ vượt ngưỡng 35 độ C, tương đương mức kỷ lục được ghi nhận vào tháng 7/2000. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Khí tượng Trung Quốc ước tính mỗi tháng, trung bình nước này có 4,1 ngày ghi nhận nhiệt độ vượt quá 35 độ C, mức cao nhất kể từ khi quốc gia tỷ dân bắt đầu thu thập dữ liệu vào năm 1961. Cơ quan này khuyến cáo người dân thủ đô Bắc Kinh cùng nhiều khu vực khác nên ở trong nhà nếu nhiệt độ ngoài trời trên 35 độ C.

Hàng loạt quốc gia khác ở châu Á cũng trải qua các đợt nắng nóng với nhiệt độ cao kỷ lục trong những tuần gần đây. Theo Cơ quan Khí tượng Ấn Độ (IMD), nhiệt độ dự kiến sẽ hạ nhẹ trong vài ngày tới nhưng khủng hoảng khí hậu sẽ gây ra các đợt sóng nhiệt dài hơn và thường xuyên hơn trong tương lai. Theo các chuyên gia, sóng nhiệt tại Ấn Độ đang tạo ra những gánh nặng chưa từng có đối với ngành nông nghiệp, kinh tế và hệ thống y tế công cộng của nước này, kéo lùi nỗ lực phát triển của Ấn Độ.

"Sẽ có hàng triệu người bị ảnh hưởng", TS.Chandni Singh- chuyên viên cấp cao của Viện Nghiên cứu Định cư Con người Ấn Độ cho rằng số người tử vong do nắng nóng tùy thuộc vào mức độ ứng phó của hệ thống y tế. "Nhưng chắc chắn là chúng ta sẽ tiến gần tới giới hạn về khả năng sống sót vào giữa thế kỷ".

Một số nơi thuộc Bắc Phi ghi nhận nhiệt độ lên tới 50 độ C. Ngay cả Nam Cực, khu vực đang trong mùa Đông, gần đây cũng trải qua nhiệt độ tương đối dễ chịu là 8,7 độ C, phá vỡ kỷ lục của tháng 7. Theo kênh RT của Nga, kỷ lục nhiệt độ cao mới vừa được thiết lập tại ngôi làng Oymyakon, nơi có người sinh sống lâu dài lạnh nhất thế giới. Cụ thể, nhiệt độ tại ngôi làng nằm ở vùng Yakutia xa xôi này, hay Cộng hòa Sakha, lên tới 32 độ C vào ngày 3/7- vượt qua kỷ lục trước đó là 30,5 độ C được thiết lập vào cùng ngày vào năm 1949.

Oymyakon là một trong những nơi lạnh nhất ở Bắc bán cầu, từng ghi nhận nhiệt độ âm 67,7 độ C vào năm 1933. Bất chấp điều kiện thời tiết khắc nghiệt, ngôi làng này có dân số thường trú khoảng 500 người.

Biến đổi khí hậu đặt ra một mối đe dọa đặc biệt nghiêm trọng đối với Cộng hòa Sakha vì phần lớn cơ sở hạ tầng tại đây được xây dựng trên băng vĩnh cửu. Các chuyên gia cảnh báo rằng sự tan băng có thể dẫn đến sự phân nhánh kinh tế và xã hội lớn trong khu vực.

Các nhà khoa học nhận định nhiệt độ toàn cầu tăng lên đang làm trầm trọng thêm tình hình thời tiết khắc nghiệt trên toàn thế giới. Biến đổi khí hậu cùng với kiểu thời tiết El Nino được cho là nguyên nhân gây ra nhiệt độ cao bất thường. Nhà nghiên cứu Zeke Hausfather thuộc nhóm phân tích dữ liệu nhiệt độ Berkeley Earth khuyến cáo, hiện tượng thời tiết bất thường đang diễn ra chỉ là những sự kiện đầu tiên trong hàng loạt kỷ lục mới có thể xảy ra trong năm nay.

Hoàng Dương