Print

Hàn Quốc: Báo động thiếu bác sĩ nhi khoa

Thứ Sáu, 07 /07/2023 10:12

Tình trạng thiếu bác sĩ nhi khoa ở Hàn Quốc đang khiến các bệnh viện nước này không có đủ nhân lực, gia tăng rủi ro đối với sức khỏe của trẻ nhỏ.

Theo Viện Seoul, một tổ chức tư vấn hành chính công, số phòng khám và bệnh viện nhi ở Seoul đã giảm 12,5% trong 5 năm tính đến năm 2022, xuống chỉ còn 456. Cùng khoảng thời gian này, số phòng khám tâm thần tăng 76,8% và các trung tâm gây mê tăng 41,2%.

Bác sĩ nhi khoa Song Jong-geun khám bệnh cho một em bé tại phòng khám nhi của ông ở Seoul

Nguyên nhân là tỷ lệ sinh ở Hàn Quốc giảm xuống 0,78 vào năm 2022, mức thấp nhất từ trước tới nay. Cùng với đó, sự thất bại của hệ thống bảo hiểm trong việc thích ứng với thực tế khiến cho các khoa nhi thiếu hụt nguồn lực, trong khi các bác sĩ không muốn làm việc trong một lĩnh vực mà họ nghĩ là không có tương lai.

Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc đã thừa nhận những hạn chế trong hệ thống và khẳng định các biện pháp đang được thực hiện để giải quyết vấn đề. Theo dữ liệu của Bộ, các bệnh viện chỉ có thể đảm bảo dịch vụ cho 16,3% bác sĩ nhi trong nửa đầu năm nay, giảm từ con số 97,4% hồi năm 2013.

Đối với các bậc cha mẹ, tình trạng thiếu bác sĩ nhi khoa đồng nghĩa với thời gian chờ đợi để điều trị cho em bé bị bệnh sẽ lâu hơn. "Chúng tôi đã phải đợi tới hai tuần mới được điều trị. Tôi thực sự rất lo ngại", Lee Bomi, một phụ nữ 35 tuổi có con trai bị ốm tại một bệnh viện ở ngoại ô thủ đô Seoul than thở với phóng viên Reuters.

Bác sĩ Song Dae-jin làm việc tại bệnh viện Guro thuộc Đại học Hàn Quốc lo ngại tình trạng thiếu y bác sĩ có thể khiến dịch vụ chăm sóc khẩn cấp của bệnh viện này bị tê liệt trong thời gian tới. "Với tốc độ này, chúng tôi sẽ không thể tồn tại hết năm nay. Bệnh nhẹ ngày một ngày hai không chữa thì không sao nhưng bệnh nặng không thăm khám, không cấp cứu kịp thời thì hậu quả khôn lường", bác sĩ Song nói.

Hồi tháng 5, một bé trai 5 tuổi bị nhiễm trùng đường hô hấp đã tử vong sau khi không tìm được giường bệnh. Vụ việc đã làm dấy lên sự phẫn nộ của công chúng. "Bệnh nhân qua đời trong khi chạy qua lại nhiều phòng cấp cứu. Chết không phải do bệnh nghiêm trọng, điều đó thực sự bi kịch", Phó Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện Nhi Hàn Quốc Choi Yong-jae thốt lên.

Các bác sĩ cho biết, chi phí thấp là vấn đề đặc biệt đối với khoa nhi ở Hàn Quốc vì hệ thống bảo hiểm của nước này chưa được sửa đổi để thích ứng với thực tế số bệnh nhân nhỏ tuổi ngày càng ít đi.

Chủ tịch Hiệp hội Nhi khoa Hàn Quốc Lim Hyun-taek phản ánh: "Ở nước ngoài, chính phủ trả đủ tiền để duy trì bệnh viện kể cả khi chỉ có 20 bệnh nhân mỗi ngày. Nhưng chi phí cho mỗi lần điều trị ở Hàn Quốc vào khoảng 10 USD nên các phòng khám phải tiếp nhận khoảng 80 bệnh nhân/ngày thì mới đủ chi phí vận hành".

Tại Australia, chi phí tư vấn tiêu chuẩn ban đầu của bác sĩ nhi khoa là 335 AUD, trong khi tại Mỹ, chi phí theo dõi tại Bệnh viện Nhi đồng toàn quốc là 208 USD/giờ.

Bộ Y tế Hàn Quốc cho biết, một loạt biện pháp đã được đưa ra trong năm nay về chi phí và bồi thường bảo hiểm để bù đắp cho "những hạn chế" đang tồn tại. Bộ cũng đã đề xuất lập thêm các trung tâm do nhà nước hỗ trợ và có các yêu cầu đối với các bệnh viện lớn để duy trì khoa nhi điều trị khẩn cấp.

"Có bác sĩ nói rằng những biện pháp này là không đủ để đối phó với những khó khăn. Chính phủ vẫn có kế hoạch thực hiện đều đặn và tiếp tục bổ sung các biện pháp đã công bố", Bộ này cho biết trong một thông báo.

Theo dữ liệu từ Dịch vụ Đánh giá và Đánh giá Bảo hiểm Y tế Hàn Quốc, bác sĩ nhi khoa là bác sĩ được trả lương thấp nhất ở Hàn Quốc, thấp hơn 57% so với mức lương trung bình của các bác sĩ nói chung.

Sowha- bệnh viện nhi đồng lâu đời nhất của Hàn Quốc- gần đây đã quyết định dừng điều trị vào chiều thứ Bảy và Chủ nhật lần đầu tiên sau 77 năm do thiếu nhân viên y tế. Một số bệnh viện khác giảm bớt điều trị vào ban đêm và đóng cửa phòng cấp cứu trẻ em. Tình hình đáng báo động đến mức một số cặp vợ chồng than phiền rằng thực trạng khiến họ không muốn nghĩ đến việc sinh con bất chấp những nỗ lực của chính phủ nhằm đảo ngược tỷ lệ sinh.

Lee Ju-yul, Giáo sư quản lý y tế tại Đại học Namseoul, chỉ ra việc không phân bổ nguồn lực cho dịch vụ chăm sóc trẻ em đã làm suy yếu tác động của số tiền "khủng" được chi cho việc tăng tỷ lệ sinh. "Chúng tôi phải lấy một phần ngân sách để các bậc cha mẹ cảm thấy không gặp khó khăn gì với việc chăm sóc sức khỏe khi họ sinh con", ông giải thích.

Sam Nguyễn