Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Nga: Luôn tận tâm với sự nghiệp trồng người
Khi tiếp xúc, trò chuyện với cô Nguyễn Thị Thanh Nga, chúng tôi như bị cuốn hút và “không dễ” chuyển sang chủ đề khác. Bởi, đối với cô Nga, mọi việc như đều xoay quanh việc chăm lo cho học sinh, từ chuyện bữa ăn cho các em nhỏ ở trường mầm non bán trú, cho đến những việc lớn như chất lượng giáo dục, cơ sở vật chất trường học ở các địa phương…
Trước năm 2020, với đặc thù địa bàn rộng và số học sinh lớn, khiến việc thực hiện chính sách BHYT học sinh và công tác y tế trường học trên địa bàn huyện Thạch Hà gặp rất nhiều khó khăn, tỷ lệ học sinh tham gia BHYT hằng năm chỉ đạt bình quân dưới 90%, thậm chí có năm chỉ đạt 87%...
Kết quả thực hiện BHYT học sinh đã ảnh hưởng đến nhiệm vụ tuyên truyền chính sách, pháp luật BHYT trong trường học nói riêng và việc thực hiện chỉ tiêu bao phủ BHYT gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới của huyện nói chung. Đặc biệt, có nhiều em học sinh do không tham gia BHYT, nên khi bị ốm đau, tai nạn đã không được quỹ BHYT chi trả chi phí điều trị, tạo gánh nặng tài chính cho gia đình.
Với trách nhiệm của mình, trong hơn 4 năm làm công tác quản lý tại Phòng GD-ĐT huyện, cô Nguyễn Thị Thanh Nga luôn trăn trở tìm giải pháp tháo gỡ, khắc phục những khó khăn, hạn chế trên. Theo đó, đã chủ động phối hợp với các phòng, ban và các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách BHYT học sinh và công tác y tế trường học, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ dạy và học tại các nhà trường.
Điều mà cô Nga luôn trăn trở đó là làm sao để tạo được sự đồng thuận của người dân và phụ huynh trong việc chấp hành chủ trương, chính sách, pháp luật BHYT một cách tự giác; để cùng chung tay chăm sóc sức khỏe cho con em mình.
Chính vì thế, việc thực hiện chính sách BHYT học sinh trên địa bàn huyện Thạch Hà liên tục khởi sắc. Cụ thể: Năm học 2018-2019, huyện Thạch Hà chỉ đạt 87% học sinh tham gia BHYT; năm học 2019-2020 đạt 98,3%; năm học 2021-2022 đạt 99,9% và đến năm học 2022-2023 đã đạt 100% học sinh tham gia.
Thực hiện Nghị Quyết số 96/2018/NQ-HĐND ngày 18/7/2018 của HĐND tỉnh Hà Tĩnh về phát triển giáo dục mầm non và phổ thông tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo, kể từ năm 2019, huyện Thạch Hà đã chuyển nhiệm vụ y tế học đường và viên chức y tế ở các trường học về Trạm Y tế xã hoặc Trung tâm Y tế đa chức năng quản lý. Thời gian đầu chuyển giao, việc thực hiện nhiệm vụ y tế trường học còn nhiều lúng túng, nhưng với sự vào cuộc của ngành GD-ĐT huyện, chỉ một thời gian ngắn, hoạt động này đã dần đi vào nề nếp.
Đáng chú ý, các trường học có bếp ăn bán trú hằng ngày, luôn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; công tác sơ cứu ban cầu cho học sinh và tủ thuốc tại các nhà trường đã được thực hiện theo đúng quy định tại Thông tư liên tịch số 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT ngày 12/5/2016 của Bộ Y tế và Bộ GD-ĐT.
Ông Nguyễn Bá Hà- Phó Chủ tịch UBND, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT huyện Thạch Hà cho biết: Chính sự tâm huyết và trách nhiệm đó, nên trong nhiều năm qua, ngành GD-ĐT huyện Thạch Hà đã vươn lên, trở thành đơn vị dẫn đầu trong toàn tỉnh”.
Cũng theo ông Hà, với cương vị cán bộ quản lý, cô Nga còn có nhiều sáng kiến và luôn sâu sát, cụ thể với từng trường học, nhất là luôn quan tâm đến công tác chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ học sinh. Khi có cơ hội gặp gỡ, trao đổi công việc với các tổ chức, DN, cô luôn đặt vấn đề và đề nghị các nhà hảo tâm hỗ trợ thẻ BHYT cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Theo đó, từ năm 2019 đến nay, đã có trên 600 lượt học sinh trên địa bàn được tặng thẻ BHYT.
Bài: Thảo Hà
Đồ hoạ: Thanh An