Print

Chính sách đặc thù là thời cơ, điều kiện giúp TP.HCM tháo gỡ khó khăn, phát huy lợi thế để phát triển

Thứ Hai, 10 /07/2023 14:34

“Nghị quyết 98 cho phép thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù là thời cơ, điều kiện giúp TP.HCM tháo gỡ khó khăn, phát huy lợi thế để phát triển”- đó là đánh giá của ông Nguyễn Văn Nên- Bí thư Thành ủy TP.HCM tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 10, HĐND TP.HCM khóa X, vừa diễn ra sáng nay (10/7).

Theo ông Nguyễn Văn Nên, Kỳ họp thứ 10 có ý nghĩa quan trọng, mang tính lịch sử với HĐND TP.HCM, bởi toàn hệ thống chính trị đang chuẩn bị tâm thế, nguồn lực để triển khai Nghị quyết 98. Đây là thời cơ, điều kiện thuận lợi để thành phố tháo gỡ khó khăn, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế và huy động các nguồn lực nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.

Kỳ họp HĐND TP.HCM khóa X

Trước đó, Nghị quyết 98 được Quốc hội thông qua hôm 24/6, trao cho thành phố một số cơ chế, chính sách đặc thù ở nhiều lĩnh vực như: Đầu tư hạ tầng, tài chính ngân sách, xây dựng-quy hoạch, thu hút nhà đầu tư chiến lược, tổ chức bộ máy... Trong đó, TP.HCM được áp dụng trở lại hình thức BT (xây dựng-chuyển giao) cho dự án mới, BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao) trên đường hiện hữu.

HĐND TP.HCM cũng được quyết định và điều chỉnh mức, tỷ lệ thu phí, lệ phí chưa có trong danh mục của Luật Phí, lệ phí (trừ phí, lệ phí Tòa án, các loại phí thuộc nguồn thu ngân sách Trung ương). Ngân sách thành phố được hưởng 100% số tăng từ các khoản thu này; HĐND Thành phố cũng được trao quyền quyết định bố trí ngân sách để chi thu nhập tăng thêm cho CBCCVC... theo hiệu quả công việc.

“Trong các nội dung về cơ chế, chính sách đặc thù, HĐND Thành phố được giao nhiều nhiệm vụ lớn, nhiều vấn đề quan trọng. Do đó, các đại biểu cần phát huy trách nhiệm và kinh nghiệm trong từng lĩnh vực để thảo luận, đóng góp sát thực tế, ra những nghị quyết với chất lượng cao nhất. Mỗi cán bộ phải có tinh thần dấn thân, quyết liệt. Công tác giám sát của HĐND Thành phố lần này làm sao để không có chỗ đứng cho những người đùn đẩy, né tránh, nếu để xảy ra là trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu. Thí điểm thì không thể nào tránh khỏi rủi ro. Vì vậy, công tác giám sát phải làm sao kịp thời ngăn chặn, không để xảy ra những rủi ro lớn"- Bí thư Thành ủy TP.HCM nhấn mạnh.

Các đại biểu thảo luận bên lề kỳ họp

Theo báo cáo của UBND TP.HCM, 6 tháng đầu năm nay, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn tăng 3,55%. Các lĩnh vực công nghiệp, thương mại-dịch vụ, du lịch tiếp tục phục hồi, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 1,9%; có 9 ngành dịch vụ tăng 4,92%. Thu ngân sách ước thực hiện đạt hơn 227.000 tỷ đồng (đạt 48,5% dự toán), chi ngân sách tăng 70,9%, trong đó chi đầu tư phát triển tăng 90,4%.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 7,1%, tổng doanh thu du lịch ước đạt trên 80.000 tỷ đồng (tăng 62,7%), khách du lịch nội địa đến thành phố đạt trên 16 triệu lượt (tăng 48%), khách quốc tế trên 1,9 triệu lượt (tăng 306%) so với cùng kỳ. Các dự án trọng điểm, hạ tầng giao thông kết nối quan trọng được tập trung hoàn thiện thủ tục để khởi công xây dựng như: Dự án Vành đai 3 TP.HCM; dự án cải tạo kênh Tham Lương-Bến Cát-Rạch Nước Lên…

Theo bà Nguyễn Thị Lệ- Chủ tịch HĐND TP.HCM, bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế thành phố vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro do chịu tác động của tình hình thế giới như: Một số ngành công nghiệp chủ lực tăng trưởng thấp; sản xuất kinh doanh của DN còn gặp nhiều khó khăn, trong đó có việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng còn hạn chế; giải ngân vốn đầu tư công dù có chuyển biến nhưng tỷ lệ còn thấp (đạt 23%), nên chưa tạo động lực kích cầu đầu tư; thị trường lao động thiếu ổn định, giảm, thiếu việc ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Vì vậy, theo bà Lệ, trong khuôn khổ 2,5 ngày, Kỳ họp của HĐND TP.HCM sẽ thảo luận, xem xét và quyết định nhiều vấn đề quan trọng về kinh tế, xã hội của thành phố trong thời gian tới. Trong đó, đáng chú ý là thảo luận triển khai Nghị quyết 98 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù cho TP.HCM.

Phạm Thọ