Báo động tỷ lệ tự tử ở học sinh Trung Quốc
Tỷ lệ tự tử của thanh thiếu niên ở Trung Quốc tăng gấp 4 lần trong hơn một thập niên do phải chịu áp lực lớn về thành tích học tập.
Theo nghiên cứu mới được công bố trên China CDC Weekly- tạp chí chính thức của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc, trong 11 năm từ 2010 đến 2021, số trẻ em từ 5-14 tuổi chết vì tự tử đã tăng khoảng 0,2 lên 0,8/100.000 người hàng năm. Con số này đã giảm 7% trong năm 2017 nhưng sau đó lại tăng lên gần 20% trong 4 năm sau đó.
Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, tỷ lệ tự tử ở thanh niên Trung Quốc độ tuổi 15-24 giảm 6,8% mỗi năm trong khoảng thời gian từ năm 2010 đến năm 2017. Tuy nhiên, con số lại tăng lên 19,6% trong 4 năm tiếp theo tính đến 2021- năm có dữ liệu mới nhất. Mức tăng tuy nhỏ về số lượng tuyệt đối, nhưng trái ngược với mức giảm 5,3% hàng năm trong giai đoạn 2010-2021 ở tất cả nhóm tuổi nhờ chương trình sức khỏe tâm thần tại Trung Quốc.
"Những phát hiện này cho thấy các biện pháp can thiệp ngăn chặn tự sát mà chính phủ Trung Quốc thực hiện có thể không giải quyết thỏa đáng nhu cầu của tất cả các nhóm tuổi"- các nhà nghiên cứu cho biết. Họ chỉ ra sức ép học tập là một trong những lý do khiến tỷ lệ tự tử tăng.
Nhiều phụ huynh và giáo viên Trung Quốc tin rằng "thành tích học tập ở trường quan trọng hơn bất kỳ điều gì khác" và điều này tạo "sức ép rất lớn với giới trẻ", che khuất các vấn đề liên quan sức khỏe tâm thần của các em. Sự cạnh tranh gay gắt để học tốt ở trường khiến cho không ít thanh thiếu niên bị chứng rối loạn tâm thần nghiêm trọng, dẫn đến nguy cơ tự tử gia tăng.
Theo cuộc khảo sát quốc gia năm 2022 ở Trung Quốc, một nửa số người mắc chứng rối loạn trầm cảm là học sinh- sinh viên.
Giới nghiên cứu kêu gọi các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc ưu tiên phát triển chương trình ngăn ngừa tự tử cho trẻ em và thanh thiếu niên, như chương trình hướng tới xác định, đánh giá, quản lý và theo dõi sớm những cá nhân bị ảnh hưởng bởi hành vi tự sát. Các nhà khoa học cũng đề xuất một số chiến lược như hạn chế khả năng tiếp cận các phương tiện dùng để tự tử, hợp tác với giới truyền thông để khuyến khích đưa tin có trách nhiệm về tự tử cũng như thúc đẩy các kỹ năng sống lành mạnh ở thanh thiếu niên.
Các đề xuất trên được đánh giá là phù hợp với mục tiêu của Liên Hợp Quốc là giảm 1/3 tỷ lệ tử vong sớm do các bệnh không lây nhiễm vào năm 2030, trong đó tỷ lệ tự tử là một chỉ số. Theo dữ liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm trên toàn cầu có hơn 700.000 người tự tử.
Nghiên cứu đăng trên China CDC Weekly cũng chỉ ra, dù tỷ lệ tự tử chung ở Trung Quốc giảm từ 10,88 xuống 5,25/100.000 trong giai đoạn 2010 đến 2021, nhưng chỉ số này tăng lên trong năm 2019 khi Trung Quốc chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Theo giới chuyên gia, tỷ lệ tự tử tăng trong năm đó có thể liên quan đến trầm cảm và lo lắng tăng cao trong thời kỳ đại dịch.
"Nhiều cá nhân bị cô lập xã hội, lo sợ nhiễm virus, căng thẳng dai dẳng và khó khăn tài chính. Tất cả những điều đó đều có liên quan đến nguy cơ tự tử tăng"- các nhà khoa học lý giải.
Hoàng Dương