Cử tri vui mừng khi mức lương cơ sở tăng cao nhất từ trước đến nay
Nhiều cử tri vui mừng khi mức lương cơ sở tăng từ ngày 1/7/2023. Đặc biệt, đây là lần điều chỉnh tăng lương cao nhất từ trước tới nay, rất có ý nghĩa và cần thiết trong thời điểm này.
Tại Phiên họp thứ 24 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trình bày Báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 5 và tháng 6/2023, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, cử tri và nhân dân vui mừng, phấn khởi về tình hình kinh tế-xã hội trong nước tiếp tục ổn định và phát triển, kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát; tăng trưởng được thúc đẩy; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; lĩnh vực văn hoá, xã hội tiếp tục được chú trọng; đời sống của người dân tiếp tục được cải thiện; tình hình chính trị, xã hội ổn định; công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, nhất là đối ngoại cấp cao, ngoại giao kinh tế, uy tín và vị thế quốc tế của Việt Nam tiếp tục được củng cố, nâng lên…
“Đặc biệt, cử tri vui mừng khi mức lương cơ sở tăng từ ngày 1/7/2023- đây là lần điều chỉnh tăng lương cao nhất từ trước tới nay, mang ý nghĩa và cần thiết trong thời điểm này để kịp thời hỗ trợ NLĐ yên tâm làm việc sau đại dịch Covid-19, phù hợp với nguyện vọng của người dân và tình hình kinh tế-xã hội đất nước. Đây cũng là giải pháp nhằm đảm bảo thu nhập cho CBCCVC, NLĐ, góp phần giải quyết, khắc phục tình trạng CBCCVC xin nghỉ việc, chuyển việc trong thời gian vừa qua. Cử tri mong muốn giá cả hàng hóa tiêu dùng ổn định sau khi lương cơ sở tăng để cải thiện đời sống”- Trưởng ban Dân nguyện nhấn mạnh.
Cũng theo báo cáo, bên cạnh những kết quả đã đạt được, cử tri và nhân dân bày tỏ sự quan tâm, lo lắng trước tình trạng thiếu điện, cắt điện luân phiên; việc tiếp cận, thụ hưởng nhà ở xã hội còn nhiều hạn chế, giá bán còn cao, vượt quá khả năng tài chính của đa số NLĐ; tình hình khó khăn của nhiều DN do sụt giảm đơn hàng, NLĐ bị mất việc, ngừng việc, giảm việc xảy ra tại nhiều địa phương; tình trạng nguyên nhiên vật liệu, vật tư sản xuất nông lâm nghiệp, chi phí dịch vụ tăng, trong khi tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn…
Do đó, Ban Dân nguyện kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo một số nội dung cử tri quan tâm. Cụ thể: Bộ Công an khẩn trương hoàn thiện các quy định, đặc biệt là việc “làm sạch” dữ liệu để phục vụ kết nối, chia sẻ, khai thác CSDL quốc gia về dân cư; Bộ Xây dựng có cơ chế, chính sách, giải pháp đồng bộ để khuyến khích, đẩy mạnh đầu tư, phát triển nhà ở xã hội và đảm bảo giá nhà ở xã hội ở mức vừa phải để CBCCVC, NLĐ có thu nhập thấp có điều kiện mua nhà ở, ổn định cuộc sống; nghiên cứu, xem xét và ban hành quy định cấm hoặc hạn chế buôn bán, sử dụng thuốc lá điện tử tại Việt Nam…
Về kiến nghị và những băn khoăn, lo lắng của cử tri, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ, thực trạng phụ huynh xếp hàng thâu đêm để nộp hồ sơ cho con vào THPT gây băn khoăn, lo lắng trong dư luận. Thực trạng áp lực đối với học sinh thi vào lớp 10 ở Hà Nội và TP.HCM là thực trạng trong nhiều năm, thi vào THPT hiện nay khó hơn thi vào đại học. Do đó, Ủy ban Văn hoá-Giáo dục cần vào cuộc vấn đề này để làm rõ xem có tình trạng thiếu trầm trọng trường THPT công lập hay không? Giải pháp để giải quyết vấn đề này trên thực tế như thế nào?...
Trong khi đó, theo Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng, trong tháng 5 và tháng 6, đặc biệt là sau Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội, Bộ Công an đã nhận được rất nhiều ý kiến, đề nghị, kiến nghị, phản ánh của công dân và cử tri. Bộ đã yêu cầu xác minh, kiểm tra, có văn bản trả lời những tất cả các thắc mắc, kiến nghị của cử tri, đạt tỷ lệ phản hồi 100%. Việc thực hiện 3 Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi triển khai chậm, chưa đạt yêu cầu. Chính vì vậy, cơ quan hữu quan cần tập trung rà soát, thúc đẩy, ưu tiên triển khai 3 Chương trình MTQG, đặc biệt là ở vùng Tây Nguyên, nhằm góp phần phát triển kinh tế-xã hội gắn liền với đảm bảo an ninh, quốc phòng.
Đối với việc thực hiện kết nối, liên thông CSDL, thực hiện xác thực điện tử, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, các cấp, các ngành đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, phối hợp chặt chẽ để thực hiện tốt công tác này. Tuy nhiên, việc triển khai gặp nhiều khó khăn khi cơ sở vật chất hạn chế, các CSDL chưa đồng bộ, chưa toàn diện… Thời gian tới, Bộ Công an sẽ nỗ lực hơn nữa để đẩy nhanh tiến độ kết nối, liên thông, đảm bảo yêu cầu phát triển, ứng dụng CNTT để giảm thiểu TTHC, đem lại lợi ích cho người dân.
Nguyệt Hà