Print

Nhiều lợi ích từ ứng dụng công nghệ xác thực sinh trắc trong lĩnh vực BHXH, BHYT

Thứ Năm, 13 /07/2023 10:51

Là cơ quan thuộc Chính phủ chịu trách nhiệm thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHXH Việt Nam thường xuyên rà soát, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, đơn giản hóa các TTHC, ứng dụng công nghệ mới. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ tổ chức, cá nhân; đồng thời tăng cường hiệu quả quản lý của Ngành.

Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2023, BHXH Việt Nam đã triển khai tích cực, quyết liệt đẩy mạnh việc KCB BHYT bằng CCCD gắn chip và triển khai ứng dụng công nghệ xác thực sinh trắc trong lĩnh vực BHXH, BHYT. Số liệu thống kê cho thấy, hiện nay, toàn quốc đã có 12.504 cơ sở KCB triển khai KCB BHYT bằng CCCD gắn chip (đạt tỷ lệ 97,6% so với tổng số cơ sở KCB BHYT trên toàn quốc), với hơn 31 triệu lượt tra cứu thông tin BHYT qua CCCD gắn chip thành công phục vụ KCB BHYT.

Song song với việc triển khai KCB BHYT bằng CCCD gắn chip, BHXH Việt Nam vẫn đang tiếp tục triển khai sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID để KCB BHYT thay cho BHYT giấy (đến nay đã có gần 30 triệu tài khoản VssID, với hơn 4 triệu lượt sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên VssID phục vụ KCB BHYT). BHXH Việt Nam cũng đã phối hợp với Bộ Công an cung cấp thông tin người tham gia BHYT để tích hợp trên ứng dụng VNeID (ứng dụng định danh điện tử quốc gia) phục vụ nhu cầu theo dõi, sử dụng để đi KCB BHYT của người dân.

Trước đây, khi chưa triển khai KCB BHYT bằng CCCD gắn chip, người bệnh phải lưu trữ, xuất trình thẻ BHYT và giấy tờ tùy thân có ảnh (CMND, CCCD hoặc giấy phép lái xe...) để làm thủ tục KCB; nhân viên y tế cũng phải thao tác thủ công tiếp nhận và kiểm tra các loại giấy tờ trên của người bệnh để thực hiện các nghiệp vụ.

Tuy nhiên, hiện nay, với việc triển khai KCB BHYT bằng CCCD gắn chip, người bệnh chỉ cần xuất trình một loại giấy tờ tùy thân là thẻ CCCD gắn chip để làm thủ tục KCB, giúp đơn giản hóa giấy tờ, tiết kiệm thời gian cho người bệnh và nhân viên y tế khi làm thủ tục KCB BHYT. Cơ quan BHXH cũng giảm bớt chi phí in ấn thẻ BHYT, tăng tính chính xác và đồng bộ thông tin.

Đáng chú ý, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, BHXH Việt Nam đã phối hợp với Bộ Công an và các địa phương triển khai thí điểm ứng dụng công nghệ xác thực sinh trắc dựa trên thông tin sinh trắc được tích hợp trên CCCD gắn chip và trên dữ liệu của CSDL quốc gia về dân cư. Việc này giúp tăng tiện ích và tính chính xác cho người dân, hạn chế và ngăn chặn tiêu cực khi đóng, hưởng các chế độ BHXH, BHYT. Theo đó, đã triển khai thí điểm tích hợp công nghệ xác thực sinh trắc trong KCB BHYT tại Quảng Bình và Hà Nội.

Việc triển khai KCB BHYT bằng CCCD gắn chip tích hợp xác thực sinh trắc đã mang lại lợi ích cho cả người dân, cơ sở KCB và cơ quan BHXH. Theo đó, giúp người bệnh giảm thiểu tối đa thời gian, các loại giấy tờ. Cụ thể, trước đây làm thủ tục đăng ký KCB BHYT có thể mất 10 phút đến vài tiếng đồng hồ, song nay chỉ cần xác thực tại máy với quãng thời gian chỉ 6-15 giây trên một bệnh nhân.

Theo thống kê, với 10.115 lượt xác thực sinh trắc thành công trong thời gian triển khai thí điểm, giúp tiết kiệm chi phí TTHC cho người bệnh khoảng 268 triệu đồng. Với 170 triệu lượt KCB BHYT hàng năm, nếu triển khai đầy đủ, trong tương lai có thể tiết kiệm cho người bệnh 4.500 tỷ đồng mỗi năm. Bên cạnh đó, còn giúp đảm bảo công bằng trong việc lấy số thứ tự KCB; máy tự động tiếp đón tích hợp xác thực sinh trắc, số thứ tự đăng ký KCB trong một buổi được cấp duy nhất một lần theo mã thẻ BHYT và thông tin xác thực sinh trắc của người bệnh, nên đảm bảo được nguyên tắc công bằng là "đến trước, khám trước".

Đối với các cơ sở KCB cũng giảm bớt nhân viên y tế phải trực tại bộ phận đón tiếp; giảm tải thời gian, áp lực, hiện tượng quá tải người bệnh đăng ký KCB BHYT, đặc biệt là trong các giờ cao điểm, tập trung đông bệnh nhân. Khi triển khai máy tiếp đón tự động, trung bình một buổi, cơ sở KCB tiết kiệm được tổng thời gian tiếp đón từ khoảng 1 đến 1,5 giờ.

Còn đối với cơ quan BHXH sẽ khắc phục được tình trạng mượn thẻ BHYT; tiết kiệm chi phí in ấn thẻ BHYT. Đồng thời, giúp nâng cao tính chính xác và năng lực quản lý dựa trên dữ liệu có sẵn; tạo điều kiện tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trên môi trường điện tử; hạn chế gian lận, trục lợi trong KCB BHYT... Qua đó giúp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về KCB BHYT và đảm bảo tốt hơn quyền lợi của người tham gia BHYT.

BHXH Việt Nam còn triển khai thí điểm tích hợp công nghệ xác thực sinh trắc trong tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC tại bộ phận "Một cửa" của BHXH tỉnh Bình Dương và BHXH quận Đống Đa (Hà Nội). Theo đó, khi đến nộp hồ sơ, người dân sẽ được cán bộ “Một cửa” hướng dẫn đến quầy sinh trắc trước khi thực hiện quy trình nộp hồ sơ. Cán bộ tiếp nhận hồ sơ sẽ thực hiện đối chiếu hồ sơ và sinh trắc vân tay với CCCD gắn chip. Trường hợp sinh trắc thành công, cán bộ tiếp nhận hồ sơ thực hiện lưu lại thông tin để đảm bảo trong quá trình xử lý và tra cứu hồ sơ sau này được dễ dàng.

Trong quá trình thí điểm, các cơ quan BHXH đã thực hiện sinh trắc cho trên 16.000 người đến nộp hồ sơ, qua đó đã phát hiện 3 trường hợp nghi ngờ sử dụng thẻ CCCD giả để làm hồ sơ hưởng BHXH một lần (tại Bình Dương). BHXH tỉnh Bình Dương đã báo cáo với cơ quan chức năng để thực hiện các bước xem xét, xác minh và xử lý theo thẩm quyền. Đồng thời, đã có văn bản báo cáo BHXH Việt Nam, UBND tỉnh, Công an tỉnh và một số sở, ngành liên quan để theo dõi, chỉ đạo; cũng như thông báo rộng rãi đến BHXH các tỉnh để quan tâm, lưu ý và cảnh giác trước tình hình giả mạo giấy tờ tùy thân.

Ngoài các lợi ích tương tự như trong công khác KCB BHYT, việc triển khai ứng dụng xác thực sinh trắc trong tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC còn giúp cơ quan BHXH đảm bảo xác thực được thẻ CCCD thật/giả, xác thực danh tính của người dân khi đến nộp và giải quyết hồ sơ (nhất là các hồ sơ đề nghị cấp lại sổ BHXH, đề nghị giải quyết hưởng BHXH một lần có số tiền chi trả tương đối lớn...); phát hiện kịp thời và hạn chế tình trạng gian lận, giả mạo giấy tờ tùy thân để trục lợi quỹ BHXH, BHYT.

Việc thí điểm thành công và triển khai mở rộng ứng dụng công nghệ xác thực sinh trắc mang lại ý nghĩa rất quan trọng đối với không chỉ ngành BHXH Việt Nam, mà có thể đúc rút kinh nghiệm, tạo nền tảng để hiện đại hóa và phòng chống trục lợi trong các khâu giao dịch giữa người dân với các tổ chức ở quy mô quốc gia, trong đó có các cơ quan nhà nước.

Thủy Hà