Print

Afghanistan: Thợ thủ công làng gốm nỗ lực giữ gìn truyền thống hàng thế kỷ

Thứ Ba, 18 /07/2023 14:35

2 lần một tháng, Noor Agha Faqiri đốt lò tại xưởng gốm nhỏ của mình ở Qarya-e-Kulalan- ngôi làng cách thủ đô Afghanistan khoảng 50 km về phía Tây Bắc, để nung một mẻ gốm mới.

Noor Agha Faqiri là một trong số hàng chục thợ gốm còn giữ được nghề ở làng gốm Qarya-e-Kulalan (Istalif, Afghanistan) đẹp như tranh vẽ. Qarya-e-Kulalan từng rất phồn vinh, khách khứa tấp nập song do biến động chính trị (Taliban trở lại nắm quyền vào năm 2021-ND) và kinh tế khó khăn vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 dẫn đến doanh số bán hàng giảm mạnh, nhiều xưởng gốm trong làng phải ngừng sản xuất. Tuy nhiên, Faqiri vẫn quyết tâm gìn giữ công việc: "Tôi nghĩ không nên từ bỏ công việc kinh doanh mà cha mẹ, ông bà và tổ tiên mình đã gây dựng trong nhiều năm qua. Rất vui mừng vì các con tôi cũng có hứng thú với nghề gốm gia truyền của gia đình, dòng họ. Chúng nói với tôi rằng muốn duy trì và phát triển xưởng gốm trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào".

Afghanistan truyền thống làm đồ gốm hàng trăm năm nhưng Istalif nổi tiếng về chất lượng và tay nghề thủ công. Con phố chính của làng gốm Qarya-e-Kulalan từng có rất nhiều cửa hàng, giờ ít nhất đã đóng cửa gần một nửa vì ế ẩm. Những cửa hàng còn mở vẫn trưng bày bình hoa, chậu, bát đĩa… với tông màu lam ngọc, xanh ngọc và nâu đất rực rỡ, bắt mắt. Hầu hết khách hàng là khách du lịch trong nước. Từ Kabul, họ sẽ mất khoảng 90 phút lái xe, men theo những ngọn đồi hoặc dọc theo những con sông bao quanh để đến với ngôi làng tuyệt đẹp. Thương lái, doanh nhân bán buôn thỉnh thoảng xuất hiện với những đơn đặt hàng lớn hơn, chủ yếu dành cho khách sạn, homestay và resort trên khắp Afghanistan. "Tình hình hiện tại kém xưa rất nhiều. Trước đây, du khách nước ngoài khá nhiều. Và du lịch nội địa cũng rất phát triển vì Istalif nói chung, Qarya-e-Kulalan nói riêng là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng của Afghanistan do có thiên nhiên tươi đẹp và nhiều công trình kiến trúc cổ kính"- Abdul Hameed Mehran, 32 tuổi, thợ gốm, cho biết.

Đồ gốm ở Qarya-e-Kulalan vẫn được làm theo truyền thống. Trong nhiều thế kỷ, thợ gốm sẽ khai thác đất sét từ những ngọn núi quanh vùng, đặt lên bàn xoay được quay bằng chân và dùng đôi tay khéo léo để cho ra đời sản phẩm. Abdul Hameed Mehran cho biết, anh có thể làm được khoảng 70 đến 100 sản phẩm khác nhau mỗi ngày, tùy thuộc vào đơn hàng, sau đó xếp lên mái lò gốm để phơi khô bằng cách tự nhiên, trước khi đưa vào lò nung: "Tôi tự hào về công việc mà tôi đang làm”. Shah Agha Azimi, 25 tuổi, một khách hàng đến từ Kabul cho biết: “Vì tính chất công việc, tôi đến Qarya-e-Kulalan nhiều lần trong năm vì đồ gốm ở đây có chất lượng tốt và luôn được cập nhật mẫu mã mới. Thợ thủ công thì yêu nghề, họ rất sáng tạo trong công việc của họ".

Người dân địa phương cho biết, hiện chỉ còn khoảng 30 trong số 80 xưởng gốm gia đình vẫn còn hoạt động do nhiều lý do. Tuy nhiên, những người theo truyền thống như Noor Agha Faqiri không sợ sự cạnh tranh: "Khi tôi nhìn thấy các xưởng gốm dần dần đóng cửa, tôi cảm thấy đau lòng. Tôi muốn Qarya-e-Kulalan tấp nập như xưa, càng nhiều cửa hàng mở cửa càng tốt, có như vậy công việc kinh doanh của chúng tôi mới phát triển tốt hơn. “Buôn có bạn, bán có phường”, lúc ấy ra chợ mua bán thì vui, vào xưởng làm việc cũng thấy ấm lòng”.

Tùng Anh (Theo AsiaOne)