BHYT không vì mục tiêu lợi nhuận
Người tham gia BHYT theo hộ gia đình (trước ngày 1/7/2023) chỉ đóng 804.600 đồng, mà được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe suốt cả năm. BHYT là chính sách nhân văn sâu sắc, hoạt động theo nguyên tắc cộng đồng chia sẻ rủi ro, không vì mục đích lợi nhuận. Vì vậy, trên thực tế, có nhiều người không may ốm đau, bệnh tật chỉ tính một đợt điều trị bệnh đã được quỹ BHYT chi trả số tiền gấp cả ngàn lần số tiền đã đóng.
Tại Hà Nội, 5 tháng đầu năm 2023 có hàng trăm trường hợp người dân tham gia BHYT theo hộ gia đình có chi phí KCB từ trên 255 triệu đến 1,255 tỷ đồng/đợt, trong đó, được quỹ BHYT thanh toán từ trên 200 triệu đến 998 triệu đồng/đợt.
Điển hình là bệnh nhân N.T.P (Đội Cấn, quận Ba Đình) điều trị nhiễm khuẩn huyết tại BV Bạch Mai với tổng chi phí 1,255 tỷ đồng, trong đó được quỹ BHYT thanh toán 998,959 triệu đồng; Bệnh nhân N.N.Đ (Đại Mạch, huyện Đông Anh) điều trị viêm tụy tại BV Bạch Mai với tổng chi phí 676,168 triệu đồng, trong đó được quỹ BHYT thanh toán 540,246 triệu đồng; Bệnh nhân N.V.H (Hồng Phong, huyện Chương Mỹ) điều trị sốc nhiễm khuẩn, viêm phổi ARDS tại BV Quân y 103 với tổng chi phí 609,178 triệu đồng, trong đó được quỹ BHYT thanh toán 484,545 triệu đồng; Bệnh nhân L.Đ.T (Liên Hà, huyện Đông Anh) điều trị chảy máu tiêu hóa không đặc hiệu tại BV Bắc Thăng Long với tổng chi phí 533,665 triệu đồng, trong đó được quỹ BHYT thanh toán 423,932 triệu đồng; Hay bệnh nhân V.T.H (Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm) điều trị xuất huyết dưới màng nhện tại BV Bạch Mai với tổng chi phí 495,978 triệu đồng, trong đó được quỹ BHYT thanh toán 395,717 triệu đồng…
Theo BHXH TP.Hà Nội, hiện nay, toàn Thành phố đã có 7.735.829 người tham gia BHYT, tăng 253.336 người so với cùng kỳ năm 2022; tăng 18.720 người so với 31/12/2022, đạt tỷ lệ bao phủ 93,1% dân số. Trong đó, có 1.544.998 người tham gia BHYT hộ gia đình.
Để phục vụ chăm sóc sức khỏe cho người tham gia BHYT, năm 2023, BHXH TP.Hà Nội ký hợp đồng KCB BHYT với 187 cơ sở KCB với 611 điểm kết nối liên thông dữ liệu để thực hiện KCB. Nếu phân loại theo loại hình, có 145 cơ sở KCB công lập, 42 cơ sở KCB ngoài công lập. Nếu phân loại theo tuyến chuyên môn kỹ thuật, có 25 cơ sở KCB tuyến Trung ương, 48 tuyến tỉnh, 95 tuyến huyện (bao gồm TYT xã) và 19 cơ sở y tế cơ quan, đơn vị, trường học.
Chỉ tính 6 tháng đầu năm nay, Hà Nội đã có 5.881.747 lượt người KCB BHYT với tổng chi phí KCB BHYT hơn 10.342 tỷ đồng. Đáng nói, chi phí KCB BHYT đang trên đà gia tăng. So với cùng kỳ năm 2022, số lượt KCB đã tăng 27% và số chi phí KCB BHYT đã tăng 23,9% (tương đương tăng trên 1.994 tỷ đồng). Trong đó bệnh nhân ngoại tỉnh số lượt tăng 44,5%, chi phí tăng 29,6% (tương đương tăng 1.191 tỷ đồng).
Chi phí bình quân chung KCB BHYT trong 6 tháng đầu năm tại Hà Nội là trên 1,758 triệu đồng/lượt. Tính riêng, chi phí bình quân/lượt KCB ngoại trú là 601.177 đồng/lượt, nội trú là 8.105.966 đồng/lượt. Tỷ lệ chỉ định vào viện nội trú là 15,4%; ngày điều trị bình quân là 7,3 ngày.
Theo quy định, người tham gia BHYT theo hộ gia đình trước ngày 1/7/2023 chỉ đóng 804.600 đồng/năm, sau ngày 1/7/2023 mức đóng tăng lên 972.000 đồng/năm mà được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe 12 tháng. BHYT là chính sách nhân văn sâu sắc, hoạt động theo nguyên tắc cộng đồng chia sẻ rủi ro, không vì mục đích lợi nhuận. Vì vậy, mỗi người cần trang bị cho mình tấm thẻ BHYT đề phòng lúc rủi ro ốm đau, bệnh tật.
Theo kế hoạch, 6 tháng cuối năm, BHXH TP.Hà Nội phấn đấu sẽ phát triển thêm 264.563 người tham gia BHYT (tương đương 0,4% tỷ lệ bao phủ). BHXH TP.Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị liên quan, các cơ quan báo chí tăng cường tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức, tập trung nội dung về sự cần thiết, lợi ích, ý nghĩa nhân văn của chính sách BHYT. Khi người dân nâng cao nhận thức sẽ chủ động, tích cực tham gia.
Tại cuộc họp BCĐ thực hiện chính sách BHXH, BHYT TP.Hà Nội mới đây, bà Vũ Thu Hà – Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cũng yêu cầu: UBND các quận huyện, thị xã phải rà soát tình hình thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ BHXH, BHYT trên địa bàn, xây dựng các mô hình, giải pháp, thực hiện linh hoạt và chịu trách nhiệm chỉ đạo tổ chức thực hiện đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu BHXH, BHYT mà HĐND, UBND Thành phố đã giao. Tiếp tục xem xét hỗ trợ từ các nguồn viện trợ, nguồn xã hội hóa, các quỹ từ thiện…; kêu gọi, đề nghị các tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức chính trị xã hội, các nhà hảo tâm hưởng ứng phong trào tặng sổ BHXH, thẻ BHYT cho người có hoàn cảnh khó khăn…
Châu Anh