Print

Kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Thứ Tư, 19 /07/2023 10:22

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, tồn kho tăng, xuất khẩu giảm, nhiều DN thiếu đơn hàng, phải xem xét lại quy mô sản xuất, giảm sản lượng... thì ưu tiên kích cầu tiêu dùng là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết, 6 tháng đầu năm, xuất khẩu sang Mỹ giảm 22,6%, sang Hàn Quốc giảm 10,2%, sang EU giảm 10,1%, sang ASEAN giảm 8,7%, sang Nhật Bản giảm 3,3%... Nguyên nhân là sự suy giảm của kinh tế toàn cầu dẫn tới nhu cầu của các thị trường này sụt giảm.

Chuyên gia kinh tế cho rằng, các cấu phần trong tổng cầu, bao gồm cả tiêu dùng trong nước, thị trường nước ngoài và đầu tư đều suy yếu. Ông Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội nhấn mạnh, khi tổng cầu suy giảm, hệ lụy tới nền kinh tế là rất lớn, không chỉ ảnh hưởng tới xuất nhập khẩu, mà quan trọng hơn, tác động tiêu cực đến động lực cho sản xuất- kinh doanh, qua đó ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế. Các số liệu thống kê về sự sụt giảm trong sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu và đặc biệt là tốc độ tăng trưởng thấp 3,72% trong nửa đầu năm 2023 đã chứng minh điều này.

Theo ông Nguyễn Bích Lâm- nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, khi xuất khẩu sản phẩm chưa dễ phục hồi, thì bên cạnh đẩy mạnh xúc tiến thương mại nhằm vực dậy các ngành xuất khẩu, cần quan tâm thúc đẩy xuất khẩu dịch vụ. Một trong những dịch vụ có thể thúc đẩy xuất khẩu chính là dịch vụ du lịch. Xuất khẩu dịch vụ du lịch thường chiếm trên 70% giá trị xuất khẩu của nền kinh tế, vì thế, đẩy mạnh xuất khẩu lĩnh vực này sẽ tác động tích cực tới nền kinh tế.

Bà Lê Việt Nga- Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho hay, giai đoạn vừa qua, kênh xúc tiến thương mại là công cụ hiệu quả cho việc triển khai mục tiêu dài hạn cũng như ngắn hạn cho thị trường trong nước.

Với tiềm năng rất lớn, để phát triển thị trường nội địa, Bộ Công Thương đã triển khai kịp thời và hiệu quả các chương trình kích cầu tiêu dùng trong nước thông qua: Kích thích tiêu dùng; Tăng chi tiêu của Chính phủ; Đẩy mạnh áp dụng thương mại điện tử trong hoạt động lưu thông, phân phối hàng hóa thông qua khuyến khích các hệ thống phân phối hiện đại tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển mạnh thương mại điện tử; Thực hiện hiệu quả Chương trình đẩy mạnh đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng thương mại khu vực biên giới, miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo tại các địa phương.

Thực tế cho thấy, những giải pháp kích cầu đã tạo ra sức lan tỏa cho thị trường nội địa. Rõ rệt nhất, tính chung 6 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 3.016,8 nghìn tỷ đồng, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2022.

Ông Nguyễn Trọng Tuấn- Giám đốc điều hành toàn quốc siêu thị Winmart (Công ty WinCommerce) cho biết DN luôn ưu tiên và chủ động đến từng địa phương để tìm kiếm sản phẩm mới, kết nối để đưa những đặc sản địa phương, đặc sản vùng miền vào hệ thống chuỗi cửa hàng, siêu thị. “Ngoài đảm bảo các tiêu chuẩn chung khi đưa hàng vào tất cả các siêu thị như đảm bảo về vệ sinh, an toàn chất lượng sản phẩm, công khai minh bạch nguồn gốc xuất xứ sản phẩm; thì WinCommerce đặc biệt quan tâm đến DN có định hướng phát triển sản phẩm rõ ràng, có chiều sâu chất lượng, chủ động trong công tác marketing”- ông Tuấn nhấn mạnh.

Để thúc đẩy phát triển sản xuất và hỗ trợ DN, lãnh đạo Bộ Công Thương nhấn mạnh việc tiếp tục tổ chức kết nối các doanh nghiệp trong nước tham gia được vào chuỗi cung ứng của các DN FDI và doanh nghiệp lớn toàn cầu.

Cùng với đó, tiếp tục hỗ trợ DN, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa phục hồi, phát triển sản xuất thông qua các giải pháp về ổn định thị trường tài chính, tiền tệ tháo gỡ khó khăn về vốn và giải pháp về tiền tệ, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp khu vực chế biến, chế tạo có thêm nguồn lực để phục hồi và phát triển.

Thủy Hà