Print

Sáng đẹp miền Trung du

Thứ Năm, 20 /07/2023 09:27

Nằm trong “vành đai lửa” của tuyến hàng rào điện tử McNamara, miền Tây Gio Linh (Quảng Trị) là một trong những trọng điểm của sự hủy diệt. Từ một vùng “đất chết”, sau gần 50 năm khai phá và dựng xây, miền Trung du đã xanh tươi trở lại, đang bừng lên sức sống mới nhờ những quyết sách đúng đắn, hợp lòng dân của Đảng và Nhà nước, cùng sự cần cù, sáng tạo và chịu thương, chịu khó của người dân nơi đây.

Tôi trở lại Cồn Tiên- trở lại với xã Hải Thái đúng lúc Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nơi đây đang bận rộn với Tháng “Đền ơn đáp nghĩa” và triển khai nhiều hoạt động thiết thực hướng tới kỷ niệm 78 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Đặc biệt, người dân nơi “đất chết” năm xưa đang hân hoan chuẩn bị đón nhận Quyết định của UBND tỉnh Quảng Trị công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022.

Đường làng ở xã Hải Thái

Tiếp chuyện chúng tôi, ông Hoàng Đoán- Chủ tịch UBND xã Hải Thái cho biết: Hải Thái là một trong những xã vùng Trung du của huyện Gio Linh, là vùng “đất chết” trong tuyến hàng rào điện tử McNamara. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, bà con một số xã của huyện Hải Lăng đã hội tụ về đây khai hoang phục hóa, xây dựng cuộc sống mới ngay trên mảnh đất hoang tàn này và cái tên Hải Thái được ra đời từ đó.

Đến nay, sau 48 năm xây dựng và phát triển, Hải Thái còn có thêm cư dân của các tỉnh như Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình và huyện Gio Linh- là những công nhân của Nông trường Cao su Cồn Tiên. Đặc biệt, hơn 10 năm triển khai Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, Hải Thái đã có những bước đi khá vững chắc, với nền kinh tế phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, đời sống nhân dân ổn định, cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi được đầu tư xây dựng, văn hóa-xã hội phát triển, quốc phòng-an ninh được giữ vững…

Cao tốc Bắc Nam đoạn qua xã Hải Thái đang được thi công

Do đó, xã Hải Thái đã được UBND tỉnh Quảng Trị tặng cờ “Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua năm 2022”. “Xây dựng nông thôn mới không đơn thuần là một tên gọi mỹ miều, mà là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Có thể nói, xây dựng nông thôn mới là một chủ trương rất nhân văn, hợp lòng dân, bởi mọi quyền lợi đều hướng về người dân và thuộc về người dân”- ông Hoàng Đoán khẳng định.

Đứng tại cụm cứ điểm Cồn Tiên xưa, nhìn bao quát toàn cảnh làng quê trong màu xanh no ấm, tôi nghe vang vọng trong âm thanh sự chuyển mình đi tới của mảnh đất lịch sử đã góp phần làm tròn sứ mệnh “Tiền đồn cuả Tổ quốc nơi đầu cầu giới tuyến” trong cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Trở lại Gio Linh, trở lại Hải Thái trong những ngày tháng 7 ý nghĩa này, như càng thấy rõ hơn sự khởi sắc của một miền quê đang từng ngày thay da đổi thịt để xứng đáng với tên gọi “chuẩn nông thôn mới”.

Vườn cao su tiểu điền mang lại thu nhập ổn định cho người dân

Gần 50 năm sau, dù còn nhiều vất vả, khó khăn, nhưng Đảng bộ và nhân dân xã Hải Thái vẫn luôn lạc quan vượt qua, để làm nên một cuộc phục sinh nhọc nhằn và cao cả, tạo ra bước nhảy vọt về chất trong phát triển kinh tế-xã hội và quốc phòng-an ninh, trong đó có việc tạo dựng được những mô hình sản xuất kinh doanh mới và hiệu quả.

Anh Võ Viết Dũng- thôn Trường Trí là một trong những triệu phú có “máu mặt” của huyện Gio Linh. Từ hai bàn tay trắng, nhưng nhờ ý chí vươn lên, cùng với sự giúp đỡ có hiệu quả của chính quyền và các tổ chức, đoàn thể, giờ đây Võ Viết Dũng đã có trong tay cơ ngơi khá đồ sộ, đó là 4,5ha cao su tiểu điền đã đưa vào khai thác, mỗi năm xuất chuồng khoảng 180 con lợn (trên 30 tấn thịt), một cửa hàng tạp hóa cùng với đại lý thu mua mủ cao su... để mỗi năm thu về trên 200 triệu đồng tiền lãi.

Mô hình vườn đồi nông lâm kết hợp ở xã Hải Thái ngày càng phát triển mạnh

Trong khi đó, ông Ngô Quang Thặc ở thôn Trường Thọ với mô hình trang trại vườn đồi nông lâm kết hợp mỗi năm thu về hàng trăm triệu đồng. Ông Phạm Thanh Hà ở thôn An Phú lại phát triển kinh tế theo mô hình “trồng cỏ nuôi bò” cho nguồn thu khá cao. Hay như ông Trần Xuân Tý ở thôn An Phú thành lập HTX Hương trầm Tân Phát Cồn Tiên, mở ra hướng đi mới cho phong trào trồng gió lấy trầm…

Mỗi người đều có tư duy làm kinh tế riêng cho mình, nhưng mô hình nào, cách làm nào ở đây cũng đem lại hiệu quả thiết thực, bởi sự hài hòa và nhuần nhuyễn giữa truyền thống và hiện đại, giữa khoa học và thực tiễn. Đặc biệt, nhờ chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi hợp lý, nên kinh tế xã Hải Thái vẫn duy trì mức tăng trưởng ổn định, đời sống nhân được cải thiện.

Nhà Văn hóa thôn Trường Thọ (xã Hải Thái) đang được hoàn thiện

Cũng từ phong trào vươn lên làm giàu và xây dựng nông thôn mới, Hải Thái đã xóa hết hộ đói; tăng 45% hộ giàu và hộ nghèo theo tiêu chí mới. Đáng chú ý, nhiều năm qua, Đảng bộ và chính quyền xã Hải Thái thường xuyên chú trọng công tác “đền ơn đáp nghĩa”, an sinh xã hội, đặc biệt đã đầu tư xây dựng các kết cấu hạ tầng kinh tế, văn hóa, xã hội tương đối đồng bộ, đưa Hải Thái trở thành một trong những xã vững mạnh toàn diện của huyện Gio Linh…

Thành công của mô hình kinh tế trang trại ở Hải Thái không chỉ tạo ra nhiều triệu phú chân đất, mà còn khơi dậy phong trào lập nghiệp làm giàu ngay trên quê hương, xóa đi quan niệm “muốn làm giàu thì phải về thị xã, thành phố”. Tuy nhiên, để mô hình trang trại sản xuất ngày càng có hiệu quả, thiết nghĩ các ngành chức năng cần thống nhất quy định tiêu chí trang trại, trên cơ sở đó để có những chính sách thích hợp về vốn, hạn điền và tiêu thụ sản phẩm... Đồng thời, chỉ đạo và hướng dẫn các chủ trang trại đi vào sản xuất kinh doanh những cây trồng, vật nuôi nằm trong chương trình kinh tế mũi nhọn của địa phương, nhằm tạo thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm.

Trạm Y tế xã Hải Thái được xây dựng khang trang phục vụ nhu cầu KCB của người dân

Đi trong vườn cao su tiểu điền giữa nắng Hè oi ả trên miền đất Trung du, tôi thầm nghĩ việc đưa cây cao su vào thâm canh trên miền Tây Gio Linh không chỉ mang ý nghĩa kinh tế thương mại đơn thuần, mà còn có ý nghĩa rất lớn trong quá trình cải tạo hệ môi trường sinh thái sau chiến tranh, bố trí lại dân cư, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân nơi đây. Và, cùng với sự lớn mạnh của cây cao su, các công trình phúc lợi xã hội như nhà trẻ, trường học, trạm xá, giao thông và điện nước cũng phát triển theo.

Dẫu mới là bước đầu, nhưng có thể khẳng định rằng, phát triển kinh tế trang trại và cây cao su tiểu điền là giải pháp kinh tế, xã hội đang chiếm ưu thế ở Quảng Trị nói chung và Hải Thái nói riêng. Bởi, thực tế sau hơn 25 năm cây cao su đứng vững và phát triển ở đây đã tạo việc làm ổn định cũng như nâng cao đời sống cho hàng nghìn người dân, đã hình thành những cụm dân cư, những khu kinh tế liên hoàn đáp ứng mọi nhu cầu về văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng và về sinh thái đã phủ lại được màu xanh cho “đất lửa” năm xưa.

Phan Sáu