Print

Suýt mất mạng vì lóc tách động mạch chủ

Thứ Năm, 20 /07/2023 09:36

Ngày 20/7, BV Hoàn Mỹ Sài Gòn cho hay, vừa phẫu thuật cấp cứu thành công bệnh nhân Đ.T.N (68 tuổi, trú TP. Vũng Tàu), người bị lóc tách động mạch chủ ngực đoạn lên, thành động mạch chủ giãn lớn, kèm theo tình trạng tràn máu màng tim, một dấu hiệu cho thấy nguy cơ đột tử rất cao.

Ghi nhận bệnh sử cho thấy, trước đây bà N. chỉ có bệnh lý tăng huyết áp và đau dạ dày. Khoảng 2 tuần trước nhập viện, bà có cơn đau ngực dữ dội, và tình trạng đau ngực vẫn kéo dài sau đó. Người bệnh đã từng khám và điều trị nhiều nơi nhưng vẫn không giảm.

Các bác sĩ dặn dò bà N. và người thân trước khi xuất viện 

Tại khoa cấp cứu BV Hoàn Mỹ Sài Gòn, sau khi ghi nhận tình trạng đau ngực, đau lan ra sau lưng khá điển hình của bệnh nhân, người bệnh được chỉ định chụp CT scan động mạch chủ và các xét nghiệm nhằm chẩn đoán loại trừ tình trạng nhồi máu cơ tim cấp.

Kết quả cho thấy người bệnh bị lóc tách động mạch chủ ngực đoạn lên, thành động mạch chủ giãn lớn, kèm theo tình trạng tràn máu màng tim, một dấu hiệu cho thấy nguy cơ đột tử rất cao.

Theo ThS.BS.Lương Công Hiếu- Phó Trưởng Khoa Ngoại Tim mạch-Lồng ngực BV Hoàn Mỹ Sài Gòn, lóc tách động mạch chủ đoạn lên có thể lóc vào động mạch vành gây nhồi máu cơ tim cấp, vỡ vào khoang màng tim gây chảy máu, chèn ép tim, gây hở van động mạch chủ cấp tính;

Hoặc lóc lan ra các đoạn xa của động mạch chủ, vào các nhánh động mạch nuôi não và tạng gây nhồi máu; hoại tử các tạng hoặc vỡ mạch máu và tử vong… Vì vậy lóc tách động mạch chủ đoạn lên đòi hỏi phải phẫu thuật cấp cứu càng sớm càng tốt.

“Với trường hợp bà N., người bệnh có thể đột tử trước khi đến BV. Rất may mắn bệnh nhân đã đến BV và được phẫu thuật kịp thời”- BS. Hiếu giải thích. Theo chuyên gia, bà N. bị lóc tách động mạch chủ diễn tiến vỡ vào khoang màng ngoài tim, đã được phẫu thuật kịp thời chỉ sau 2 tiếng nhập viện.

Theo đó, kíp phẫu thuật đã tiến hành mở ngực, chạy máy tim phổi nhân tạo, hạ thân nhiệt sâu, ngưng tuần hoàn ngoại biên, tưới máu nuôi não chọn lọc, cắt bỏ đoạn động mạch chủ bị lóc tách, và thay bằng ống ghép động mạch chủ nhân tạo.

“Diễn tiến sau phẫu thuật thuận lợi, không biến chứng, người bệnh hồi phục tốt và đã được xuất viện sau 5 ngày thực hiện can thiệp”- BS. Hiếu thông tin thêm.

Cũng theo chuyên gia, tổn thương của lóc tách động mạch chủ thường nhiều tầng, phức tạp và đa dạng. Điều trị bệnh lý này thường kết hợp phẫu thuật mở và can thiệp nội mạch, và cần theo dõi lâu dài và can thiệp nhiều thì.

Động mạch chủ là mạch máu lớn nhất, có nhiệm vụ dẫn máu từ tim, phân nhánh vào những động mạch nhỏ hơn, đi nuôi toàn bộ cơ thể. Thành động mạch chủ gồm có 3 lớp: lớp áo trong, lớp áo giữa và lớp áo ngoài. Mặc dù vậy, do liên tục chịu áp lực lớn, thành mạch rất dễ bị tổn thương.

Lóc tách động mạch chủ là tình trạng lớp thành mạch bên trong bị rách, dòng máu chảy vào lớp áo giữa và lan dọc theo chiều dài của mạch máu, dẫn đến tắc các nhánh nuôi và làm yếu thành mạch gây vỡ.

Tăng huyết áp là nguyên nhân gây bệnh thường gặp nhất bên cạnh các yếu tố như giới tính (nam giới), người cao tuổi (60-70 tuổi), trải qua chấn thương hay phẫu thuật vùng ngực, bụng…

Chuyên gia khuyến cáo, những triệu chứng của bệnh lý động mạch chủ rất dễ nhầm lẫn với bệnh mạch vành. Vì vậy, khi có triệu chứng đau ngực điển hình, người bệnh nên nhanh chóng đến bệnh viện, đặc biệt chú ý đến tình trạng đau ngực lan ra sau lưng, cơn đau dữ dội không giảm.

“Bên cạnh đó, những người có yếu cố nguy cơ và tiền sử bệnh tim mạch cần áp dụng chế độ ăn uống khoa học, kết hợp với tập thể dục, hạn chế thuốc lá, rượu bia và duy trì kế hoạch khám, điều trị bệnh lý mạn tính tại các đơn vị y tế...”- chuyên gia đưa thêm lời khuyên.

Thanh Giang