Xây dựng môi trường mạng an toàn cho công dân số tương lai
Thời gian qua, Việt Nam luôn nỗ lực trong việc bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương trên môi trường mạng. Vấn đề bắt nạt trẻ em và phụ nữ trên môi trường mạng là một trong những ưu tiên của các bộ, ngành liên quan trong khuôn khổ sáng kiến quốc gia về chuyển đổi số.
Đây là thông tin được chia sẻ tại Hội thảo Việt Nam và Israel phòng chống bắt nạt trên môi trường mạng do Đại sứ quán Israel tại Việt Nam, Bộ LĐ-TB và XH tổ chức ngày 20/7 tại Hà Nội.
Theo báo cáo từ UNICEF, 66% trẻ em Việt Nam trả lời không biết các đường dây trợ giúp hoặc hỗ trợ khi bị bắt nạt trên mạng và trẻ từ 10- 14 tuổi là đối tượng bị bắt nạt qua mạng nhiều nhất. Bạo lực mạng có thể làm suy kém sức khỏe tâm thần của nạn nhân, khiến nạn nhân thực hiện các hành vi bạo lực, kết quả học tập suy giảm, bỏ học, thậm chí có thể dẫn đến suy nghĩ tự tử ở một số em. Kể lại một bức thư của nữ sinh lớp 12 tại Hà Nội, bị các bạn ghép ảnh chân dung của mình vào những hình ảnh nhạy cảm và đăng lên nhóm Facebook của các bạn nam trong lớp, ông Nguyễn Ngọc Anh- Chuyên gia bảo vệ trẻ em (Văn phòng đai diện UNICEF tại Hà Nội) chia sẻ những lời tâm sự đáng buồn của em: “Em đã dọa các bạn là cháu sẽ chết vì bức ảnh đó, nhưng chúng nó bảo cháu chết luôn đi cho bọn nó ăn mừng và thế là cháu làm liều”.
Nghiên cứu của Microsoft vào năm 2020 cho thấy cứ 10 người dùng Internet tại Việt Nam thì có hơn 5 người liên quan đến các hành vi bắt nạt. 21% những người được khảo sát cho biết họ từng là nạn nhân và 38% là người đứng ngoài hoặc chứng kiến hành vi bắt nạt hoặc quấy rối.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Lưu Quang Tuấn- Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế (Bộ LĐ-TB và XH) cho rằng, mạng Internet tương tự như một cuốn bách khoa toàn thư số, nơi mọi người có thể cùng học hỏi, trau dồi kiến thức một cách nhanh chóng và thuận tiện. Theo số liệu thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, tới tháng 9/2022, Việt Nam là quốc gia có lượng người dùng Internet cao thứ 12 trên toàn thế giới và đứng thứ 6 trong tổng số 35 quốc gia và vùng lãnh thổ tại châu Á với số lượng người dùng Internet vào khoảng 70 triệu người, chiếm khoảng 70% dân số cả nước.
Viện dẫn báo cáo U-report của LHQ năm 2019, ông Lưu Quang Tuấn cho biết, 1/3 thanh thiếu niên ở 30 quốc gia cho biết họ đã từng là nạn nhân bị bắt nạt trên mạng, trong đó 1/5 cho biết đã từng bỏ học vì bị bắt nạt trên mạng và bạo lực. Cũng theo khảo sát này, 21% thanh thiếu niên Việt Nam tham gia khảo sát cho biết họ là nạn nhân của bắt nạt trên mạng và hầu hết đều không biết về đường dây nóng hoặc các dịch vụ có thể giúp họ nếu bị bắt nạt hoặc bị bạo lực trên mạng. “Chúng ta đều biết rằng, bắt nạt trên môi trường mạng có thể gây nguy hại nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất và tinh thần, ảnh hưởng tâm lý nặng nề như tự ti, chán nản, sang chấn tâm lý, trầm cảm dẫn đến tự sát. Những gì trẻ nhỏ đã phải chịu đựng trong quá khứ từ việc bị bắt nạt trên mạng cũng dễ dàng biến các em thành những người dễ gây bạo lực trong cuộc sống khi trưởng thành hoặc tâm tính bất ổn”- ông Tuấn cho biết.
Bà Đinh Thị Như Hoa- Trưởng phòng Kiểm định (Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam) cho biết, dân số Việt Nam có đến 70 triệu người dùng các mạng xã hội. Bên cạnh những lợi ích mang lại, việc sử dụng Internet, mạng xã hội cũng khiến trẻ em đang đối mặt với nhiều rủi ro. Có đến 23% trẻ em cho biết đôi khi các em vô tình nhìn thấy hình ảnh, video nhạy cảm trên mạng. Trẻ em thường vô tình bắt gặp hình ảnh, video chạy cảm ở các quảng cáo trên mạng xã hội. Việc trẻ em sử dụng Internet cũng dẫn dến tình trạng nghiện game, nghiệm mạng xã hội. Thống kê cho thấy có đến 70- 80% trẻ em từ 10- 15 tuổi thích chơi game Online, trong đó tỷ lệ trẻ bị nghiệm game chiếm khoảng 10- 15%. 54% thanh thiếu niên cho biết họ từng có liên quan đến một “vụ bắt nạt”. 21% đáp viên cho biết họ từng là nạn nhân và 38% là người đứng ngoài hoặc chứng kiến hành vi bắt nạt hoặc quấy rối. Thường những trẻ từ 10- 14 tuổi sẽ bị bắt nạt qua mạng nhiều nhất. Đáng lo ngại hơn nữa, việc sửa dụng mạng xã hội, internet cũng khiến nhiều trẻ có nguy cơ bị lôi kéo, dụ dỗ, quấy rối và lừa đảo, thậm chí là ép tham gia các hoạt động phi pháp. “Việc nhiều cha mẹ có thói quen chia sẻ thông tin, hình ảnh một cách vô tư không kiểm soát trên mạng xã hội, diễn đàn… cũng có thể dẫn đến nhiều ảnh hưởng tiêu cực cho trẻ em. Đơn cử như việc sau mỗi mùa thi nhiều phụ huynh thoải mái chia sẻ bảng điểm, lớp, trường học của con lên mạng xã hội, điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro khôn lường với trẻ”- bà Hoa nhận định.
Thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, có đến 13.000 trường hợp lừa đảo trực tuyến được ghi nhận trong năm 2022, tình trạng lừa đảo trực tuyến tăng 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, phân loại theo mục đích, có 2 loại hình lừa đảo là lừa đảo tài chính (75,6%) và lừa đảo đánh cắp thông tin cá nhân. Hành vi đánh cắp thông tin cá nhân cũng là bước đệm để tiếp nối cho việc lên kịch bản thực hiện lừa đảo tài chính.
Ông Doron Herman- diễn giả đến từ Israel, nhà sáng lập doanh nghiệp giáo dục Safe School Analytics chia sẻ với đông đảo đại diện bộ ngành Việt Nam về các biện pháp và mô hình mà Israel đang áp dụng để chống bắt nạn trên mạng. Trong đó, phải kể tới nghị quyết được Hội đồng Nhân quyềnLHQ về vấn đề này do Israel đề xuất. Israel cũng đã thành lập một cơ quan liên bộ, vận hành đường dây nóng 105 để tiếp nhận câu hỏi và báo cáo từ người dân về hành vi bắt nạt mạng. Các giải pháp công nghệ cũng là thế mạnh của Israel trong lĩnh vực này, điển hình là các nội dung giảng dạy do doanh nghiệp của Doron Herman phát triển nhằm hỗ trợ nhà trường giáo dục trẻ em về năng lực cảm xúc xã hội và an toàn trên mạng. Giải pháp này nhận được sự ủng hộ của nhiều người có ảnh hưởng trong xã hội Israel, như ngôi sao điện ảnh Gal Gadot. Ngoài ra, còn có những ứng dụng trên điện thoại như Keeps Child Safety của Israel, sử dụng AI để nhận diện tin nhắn có nội dung bắt nạt trong điện thoại của trẻ và báo cho cha mẹ trong vòng 20 phút.
V.Thu