Print

Mục tiêu phát triển bền vững “đang bị đe dọa”

Thứ Sáu, 21 /07/2023 12:29

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres kêu gọi chính phủ các nước tăng cường hành động trong bối cảnh lộ trình hướng tới các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) gặp nhiều trở ngại.

Phát biểu khai mạc cuộc họp cấp Bộ trưởng thuộc Diễn đàn Chính trị cấp cao về phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (HLPF) được tổ chức trong các ngày 17-19/7 tại New York (Mỹ), ông Guterres phản ánh tiến độ thực hiện 50% các mục tiêu SDG hiện ở mức "yếu và không đầy đủ". Trong khi đó, hơn 30% số mục tiêu bị đình trệ hoặc đảo ngược.

Người đứng đầu Liên Hợp Quốc đề cập một loạt vấn đề nhức nhối trên toàn cầu hiện nay như tình trạng ô nhiễm khí thải gia tăng và bất bình đẳng hiện diện trong nhiều lĩnh vực, nạn đói quay trở lại mức của năm 2005 và cần đến 300 năm nữa mới đạt được bình đẳng giới, trong khi gần 600 triệu người vẫn đang sinh sống luẩn quẩn trong diện nghèo cùng cực vào năm 2030. Đại dịch Covid-19, xung đột Nga- Ukraine, khủng hoảng khí hậu và xung đột chính trị toàn cầu được cho là những yếu tố cản bước tiến bộ vốn mong manh và hạn chế trên con đường thực hiện các SDG.

Về vấn đề tài chính, Tổng thư ký Guterres cảnh báo nhiều quốc gia đang rơi vào cảnh nợ nần, với 54 nước đối mặt khủng hoảng nợ hoặc đứng trước nguy cơ vỡ nợ. Theo ông, cấu trúc tài chính quốc tế hiện nay chưa thể cung cấp cho các nước đang phát triển nguồn tài chính dài hạn, vì thế đã đến lúc cải cách Hệ thống quan hệ tiền tệ quốc tế Bretton Woods, đảm bảo mạng lưới tài chính toàn cầu an toàn và phù hợp với thực tế thế giới hiện nay. 

Tổng thư ký Guterres cũng kêu gọi Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) đề xuất khung thời gian thiết lập cơ chế giải quyết nợ mới trong năm nay, yêu cầu các nước phát triển thực hiện đầy đủ cam kết hỗ trợ tài chính khí hậu 100 tỷ USD, bổ sung nguồn vốn cho Quỹ Khí hậu Xanh và tăng gấp đôi tài trợ cho các hoạt động thích ứng.

Bên cạnh đó, ông Guterres cũng thúc giục thế giới hành động vì khí hậu, nhanh chóng giải quyết tình trạng đói nghèo, ô nhiễm và bất bình đẳng giới tồn tại trong xã hội, kêu gọi giới chính trị cấp cao hành động để biến các mục tiêu SDG thành hiện thực. Ông hối thúc cộng đồng quốc tế đặt nền móng xây dựng nỗ lực chung giúp các nỗ lực thực hiện SDG đi đúng hướng.

Hướng tới Hội nghị cấp cao Liên Hợp Quốc về các Mục tiêu Phát triển bền vững vào tháng 9 năm nay, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc mong muốn các nhà lãnh đạo thế giới tham dự sẽ đề ra các cam kết và lộ trình rõ ràng, hướng tới tham vọng giảm đói nghèo và bất bình đẳng lần lượt vào năm 2027 và 2030.

Trong một diễn biến khác, ngày 18/7, phát biểu tại một cuộc họp trong khuôn khổ Hội nghị các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Ajay Banga chỉ ra khoảng cách ngày càng tăng giữa các quốc gia giàu và nghèo có nguy cơ khiến tình trạng nghèo đói tại các nước phát triển lớn hơn.

Ông Banga nói rằng nhiều quốc gia vẫn đang cố gắng phục hồi sau "cú đánh kép" của đại dịch Covid-19 và ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga – Ukraine vốn khiến giá năng lượng và giá hàng hóa tăng. Trong khi đó, biến đổi khí hậu lại "gây khó hơn" cho quá trình phục hồi này, đặc biệt là các quốc gia kém phát triển, ít khả năng đối phó nhất.

Sự phân hóa khoảng cách giàu nghèo đặc biệt tác động tiêu cực tới các quốc gia nghèo nhất thế giới, khiến tình trạng nghèo đói càng lan rộng và sâu hơn.

Theo ông Banga, WB đang nỗ lực tăng cường khả năng tài chính của tổ chức, bao gồm cả việc huy động nguồn vốn kết hợp từ các cổ đông để thúc đẩy tăng trưởng và việc làm. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh nền kinh tế trong tương lai không thể dựa vào việc mở rộng mà phải trả giá bằng môi trường và thế giới không thể chịu đựng thêm một giai đoạn tăng trưởng đi kèm với phát thải nhiều hơn nữa.

Ngọc Tuấn